Những người lưu giữ di sản văn hóa phi vật thể

Hà Nam là vùng đất có nhiều di sản văn hóa phi vật thể phong phú và độc đáo. Đó là những phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội và nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian…, phần nào thể hiện bản sắc văn hóa và sự sáng tạo của người dân Hà Nam. Nhưng qua thời gian và sự biến thiên của lịch sử, nhiều di sản văn hóa phi vật thể dần mai một và mất đi. Thật may, vẫn còn một số người nặng lòng với vốn văn hóa dân gian cổ truyền, ngày đêm miệt mài sưu tầm và phục hồi lại những giá trị xưa cũ ấy. Nhờ đó, đến nay Hà Nam đã có 12 di sản được ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia và nhiều di sản đang được nghiên cứu để đề nghị ghi danh Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia thời gian tới.

Hà Nam là vùng đất có nhiều di sản văn hóa phi vật thể phong phú và độc đáo. Đó là những phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội và nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian…, phần nào thể hiện bản sắc văn hóa và sự sáng tạo của người dân Hà Nam. Nhưng qua thời gian và sự biến thiên của lịch sử, nhiều di sản văn hóa phi vật thể dần mai một và mất đi. Thật may, vẫn còn một số người nặng lòng với vốn văn hóa dân gian cổ truyền, ngày đêm miệt mài sưu tầm và phục hồi lại những giá trị xưa cũ ấy. Nhờ đó, đến nay Hà Nam đã có 12 di sản được ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia và nhiều di sản đang được nghiên cứu để đề nghị ghi danh Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia thời gian tới.

“Lý đại vương bình Chiêm, sự tích diễn ca”

Hát Dậm Quyển Sơn (Thi Sơn, Kim Bảng) được ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn quốc gia năm 2019. Đây là những bài hát cổ, hát thờ, tương truyền do Lý Thường Kiệt dạy cho dân làng Quyển Sơn gần 1.000 năm trước khi ông cầm quân đi chinh phạt Chiêm Thành có dừng chân nghỉ lại nơi đây. Điều đặc biệt để hát Dậm Quyển Sơn tránh được sự mai một và mất đi là do những điệu hát Dậm được chép lại bằng chữ Nôm, đời này qua đời khác, quyển nay sắp nát lại sao chép sang quyển khác. Quyển sách mang tên “Lý đại vương bình Chiêm, sự tích diễn ca”. Đã có nhiều công trình nghiên cứu về dân ca hát Dậm Quyển Sơn, có nhiều điệu được ghi thành bản nhạc, dạy cách hát cũng như cách múa và diễn đạt chủ đề các điệu hát. Nhưng để hát Dậm tồn tại và nổi tiếng đến ngày nay chính là do những người dân Quyển Sơn đã luôn “đi dậm”, “hát dậm” và “xem dậm” với câu hát đề dẫn: “Chúng ta đi dậm hôm nay. Dậm thôi tiệc này làng nước sống lâu”. Và người đang nối tiếp “tiệc” hát Dậm hiện nay là Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Trịnh Thị Phẩm.

Cụ Trịnh Thị Phẩm xem quyển sách ghi những bài hát Dậm được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Ảnh: Bình Chu

NNƯT Trịnh Thi Phẩm cho biết, những năm sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, dân ca hát Dậm Quyển Sơn trầm lắng, không còn sôi động như xưa. Ngoài cụ trùm Nguyễn Thị Bồ ra, ít người quan tâm đến hát Dậm. Hằng năm, cứ đến tháng giêng, tháng hai, cụ lại gọi chúng tôi lên đền thờ Thành hoàng dưới chân núi Cấm (đền Trúc) để dạy múa hát Dậm. Sau khi cụ Bồ mất, bà trùm tiếp theo là cụ Èo, cụ Èo mất thì đến chị gái tôi là bà Trịnh Thị Dăm làm bà trùm hát Dậm. Thời đấy, hát Dậm được biết đến nhiều vì có nhiều nhà nghiên cứu, nhạc sĩ quan tâm đến hát Dậm, bà Dăm được mời đi biểu diễn ở nhiều nơi, sang cả Mỹ, nên những năm 2000 tôi đã có thời gian thay bà Dăm phụ trách phường Dậm. Nhớ những ngày đấy, vừa một mình nuôi con (chồng cụ Phẩm là liệt sĩ), vừa cấy hơn một mẫu ruộng, thời gian rỗi còn phải đi rừng lấy củi vừa làm chất đốt, vừa bán kiếm thêm thu nhập nên sáng đi làm tôi phải mang cơm theo, ăn cơm trưa xong lại làm tiếp, sau đó căn giờ mải mốt về đình để hát.

Qua câu chuyện được biết, vì đã từng là cô gái hát Dậm, yêu những lời hát Dậm và ý thức được cần phải giữ gìn vốn quý của cha ông để lại nên cụ Trịnh Thị Phẩm đã làm tròn vai trò của mình.

Quy định chọn cụ trùm của hát Dậm Quyển Sơn cũng khá khắt khe, phải là người không có chồng hoặc chồng đã mất, phải là người thuộc hết các bài dân ca hát Dậm, có giọng hát hay và múa khéo. Cụ Trịnh Thị Phẩm hội tụ đủ các yếu tố đó nên khi cụ Trịnh Thị Dăm yếu rồi mất, cụ Phẩm đảm nhiệm là bà trùm phường Dậm từ năm 2004 đến nay. Bao nhiêu thế hệ những cô gái thanh xuân đã được cụ Phẩm dạy hát, ngoài truyền cho họ niềm đam mê với vốn văn hóa riêng có của quê hương mình, cụ cũng mong muốn chính họ sẽ là những người kế tiếp để giữ cho mạch nguồn dân ca hát Dậm chảy mãi. Và hát Dậm được bảo tồn như hôm nay, ngoài sự quan tâm, ủng hộ của nhân dân làng Quyển Sơn, bà trùm và các cô gái hát dậm, còn nhận được sự quan tâm của UBND xã Thi Sơn và huyện Kim Bảng.

Phục dựng tục múa hát Lải Lèn

Cùng với hát múa Dậm Quyển Sơn, múa hát Lải Lèn ở làng Nội Chuối (nay là thôn Nội Đọ) xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân cũng là những điệu hát múa thờ thần. Nếu căn cứ vào truyền thuyết thì múa hát Lải Lèn còn có trước múa hát Dậm Quyển Sơn khá lâu, vì múa hát Dậm Quyển Sơn hình thành từ thời Lý (1069) trong khi múa hát Lải Lèn bắt đầu từ thời Triệu Việt Vương (ông lên ngôi năm 548, mất năm 571). Đất Bắc Lý xưa kia từng là căn cứ địa của Triệu Việt Vương, khi lên ngôi ông có về thăm lại vùng đất này. Nhân dân mừng rỡ đón rước rất long trọng và múa hát Lải Lèn bắt đầu từ đó. Sau khi vua mất, người dân ba làng Nội Chuối, Yên Trạch, Đọi cùng lập đền thờ, quanh năm hương khói. Múa hát Lải Lèn và nghi lễ dâng rượu đón mừng chính thức trở thành tục múa hát thờ thần. Cùng với đó, tục chạy ngựa, bơi chải cũng trở thành tích trò diễn xướng nhằm tái hiện những cuộc chiến thắng lợi của vua tôi họ Triệu. Sau khi có đình làng riêng rẽ, dân ba làng đã đặt ra lệ phân định những nghi lễ mà mỗi làng phải đảm nhiệm trong thờ tự. Lâu dần, lệ phân định đó đã trở thành câu ca truyền tụng của dân cư khắp cả vùng: “Làng Đọ bơi thuyền, làng Yên chạy ngựa, làng Nội múa hát Lải Lèn”.

Một số thành viên CLB hát Lải Lèn.

Một số thành viên CLB hát Lải Lèn.

Đã có khoảng thời gian, tục hát Lải Lèn của làng Nội Chuối có nguy cơ mai một, nhưng với ý thức và tâm niệm giữ gìn những giá trị truyền thống của cha ông để lại, những cụ già của làng đã bắt tay vào truyền dạy cho thế hệ trẻ, nhất là sau khi ngôi đình làng năm xưa bị giặc đốt cháy đã được xây dựng lại vào năm 2003. Những điệu hát khó, không có vần điệu, không nhiều cô gái theo hát, cô nào hát được cũng chỉ vài năm lớn lên rồi đi làm, lấy chồng, sinh con. Nguy cơ thất truyền cao, các cụ bèn quy định dạy cho con dâu và con gái lấy chồng trong làng, không theo tục xưa chỉ có con gái thanh tân mới được hát múa thờ thần.

Trong ngôi đình mới khang trang, to đẹp, bà Lưu Thị Thủy, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) hát Lải Lèn cho biết: Tôi lấy chồng là người cùng làng, cũng có biết hát vì xưa kia mẹ từng là “nàng Lải” và với mong muốn góp phần giữ gìn vốn văn hóa linh thiêng và độc đáo của làng nên tôi đã vận động các chị em trong làng cùng học. Theo học toàn là những người đã vào độ tuổi trung niên nên mới đầu cũng khó, nhưng thấy được sự kỳ vọng nhiệt tình truyền dạy của các cụ muốn lưu truyền hậu thế câu hát Lải Lèn nên chúng tôi luôn nỗ lực và dần hát, múa được. Các cụ già trong làng mất đi càng làm cho chúng tôi thấy mình cần phải có trách nhiệm giữ gìn những điệu múa, lời hát ca cổ này. Năm 2012, CLB múa hát Lải Lèn được thành lập với 17 người tham gia theo học, trong đó có một thành viên là nam giới làm nhiệm vụ đánh trống giữ nhịp. Chúng tôi sưu tầm và chép lại được khoảng 15 bài hát múa Lải Lèn. Hằng tháng chúng tôi đều sắp xếp công việc để có các buổi tập luyện nên đến nay các thành viên CLB đều đã hát múa được khá nhuần nhuyễn.

Bà Lưu Thị Thủy trầm ngâm ước vọng xa xăm, ba làng cùng thờ chung Thành hoàng làng là Triệu Việt Vương và cũng chỉ có 3 làng mới có những tục lệ riêng có thờ vua như thế, nếu cùng mở hội chung thì sẽ hay và ý nghĩa biết bao. Nay múa hát Lải Lèn tổ chức vào ngày 20 tháng Giêng là ngày hội làng, làng Yên Trạch tổ chức hội chạy ngựa vào ngày 25 tháng Giêng, còn làng Đọi lại tổ chức hội đua thuyền vào tháng 6 nên cũng khó.

Để câu hát Lải Lèn được bảo tồn, lưu truyền và tiến tới được xác lập là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, ngoài nhân dân làng Nội, rất cần sự quan tâm của xã Bắc Lý và huyện Lý Nhân.

Rộn ràng hội hát trống quân

Tục hát Trống quân vùng Liêm Thuận (Thanh Liêm) tương truyền có từ thời Trần, là hội hát vui vào rằm tháng Tám khi mùa nước ngập đầy đồng và kỳ trăng sáng nhất trong năm. Nhưng rồi chiến tranh và cuộc sống nhiều lo toan, hội hát đã dần mất đi. Ông Nguyễn Đình Lâu, sinh ra ở làng, lớn lên đi bộ đội rồi phục viên trở về ông mới biết xưa kia dân trong làng có tục hát Trống quân. Nghe các cụ già trong làng hồi cổ hát vài ba làn điệu Trống quân, nghe những người đi làm đồng ngân nga những giai điệu khá lạ, ông quyết tâm sưu tầm lại những bài hát Trống quân xưa kia. Nhiều người cho rằng ông làm việc vô bổ, nhưng ông lại thấy cái hay, cái đẹp trong những câu hát đó.

Múa hát Trống quân trong không gian chợ quê tại Bảo tàng tỉnh.

Múa hát Trống quân trong không gian chợ quê tại Bảo tàng tỉnh.

Hơn 10 năm góp nhặt, quyển sổ ghi chép của ông dày lên với hàng nghìn câu hát Trống quân được lưu giữ cẩn thận. Trong đó ông đã sưu tầm, ghi chép lại được trên 260 bài hát Trống quân. Nhưng để câu hát Trống quân sống dậy, ông vừa viết báo, tạp chí quảng bá, vừa trực tiếp tuyên truyền để người dân thấy được cái hay, cái đẹp và trân quý những điệu hát Trống quân quê mình. Ông đề xuất với chi bộ, lãnh đạo thôn Chảy đưa hát Trống quân vào CLB văn nghệ của thôn. Với sự đồng thuận cao của chi ủy, lãnh đạo thôn và nhân dân, đình làng Chảy từ đó vang lên những điệu hát Trống quân năm nào. Ngoài tìm những người có chuyên môn dạy hát cho các thành viên CLB, ông còn đồng hành cùng CLB trong việc chỉnh những nốt nhạc, lời hát cho chuẩn chỉ.

Chị Phạm Thị Huệ dạy các cháu mầm non hát Trống quân.

Chị Phạm Thị Huệ dạy các cháu mầm non hát Trống quân.

Năm 2016, một đội Trống quân riêng được thành lập. Vượt qua những khó khăn ban đầu, với niềm đam mê những câu hát Trống quân sâu lắng của quê hương và thấy rõ được vai trò, trách nhiệm của mình nên những thành viên của CLB chăm chỉ tập luyện. Nhờ đó, câu hát Trống quân đã được vang xa, xuất hiện nhiều trong những hội diễn, liên hoan của tỉnh. Ngoài truyền dạy cho các thành viên CLB, ông Nguyễn Đình Lâu còn cùng với chị Phạm Thị Huệ, Chủ nhiệm CLB có ý tưởng đưa những làn điệu hát Trống quân vào trường học. Được sự hưởng ứng của thầy trò Trường THCS Liêm Thuận, từ năm 2017 ông Lâu cùng chị Huệ đã biên soạn và truyền dạy cho các em học sinh của nhà trường. Là cô giáo mầm non, chị Huệ cũng chọn những bài hát dễ thuộc, dễ nhớ để dạy cho các cháu lớp 5 tuổi tại trường mầm non của xã. Đến nay, hát Trống quân đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của những làng cổ vùng đất Liêm Thuận. Nhưng mong muốn nhất của ông Nguyễn Đình Lâu cũng như người dân xã Liêm Thuận là hội hát Trống quân sẽ sớm được ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Chu Bình

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/van-hoa/di-san/nhung-nguoi-luu-giu-di-san-van-hoa-phi-vat-the-105707.html
Zalo