Những người gánh sông trăng: Tập thơ của 6 nữ tác giả kỳ cựu trên văn đàn Việt

6 tác giả đều là những nhà thơ, nhà văn đã có hàng chục năm sáng tác, mỗi người một vẻ, góp những 'chất giọng' nghệ thuật riêng, đưa tác phẩm thành một dấu ấn trên diễn đàn văn chương Việt.

 Tập thơ Những người gánh sông trăng

Tập thơ Những người gánh sông trăng

“Những người gánh sông trăng” là tập thơ tổng hợp nhiều tác phẩm được yêu thích từ năm 1990 đến nay của 6 nữ nhà thơ, nhà văn có tiếng trên văn đàn Việt, vừa ra mắt ngày 17/12 tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (Hà Nội).

Đó là các tác giả Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Đoàn Thị Lam Luyến, Phạm Thị Thu Yến, Kim Nhũ và Trần Thị Trường.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn sinh năm 1943, từng giữ chức Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà văn Thành phố Hà Nội; Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp Văn học và Nghệ thuật Thành phố Hà Nội. Là chủ nhân Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007, nữ tác giả nổi tiếng nhất với các bài “Hương thầm,” “Con đường,” “Đám cưới ngày mùa”... đều về tâm sự và rung động của người con gái với những mối tình đầu đời thông qua cảnh vật đời thường.

Tác giả thứ hai Nguyễn Thị Hồng Ngát là nhà thơ, nhà biên kịch, nguyên giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh. Trong mắt bạn bè, bà luôn thể hiện lên thơ sự chân thành trong tâm tư của mình: Nghĩ gì viết nấy, chân thành, dễ chiếm được thiện cảm của độc giả. Bà đưa vào tập thơ chung nhiều tác phẩm, nổi bật có bài “Biển đêm” từng được các nghệ sỹ Lê Vinh phổ nhạc, Ngọc Tân thể hiện.

Tác giả tiếp theo là Đoàn Thị Lam Luyến, chủ nhân những bài thơ như “Dại yêu,” “Chồng chị chồng em” hay “Gọi Thúy Kiều”... Tập thơ “Chồng chị chồng em” (1991) của bà từng thắng giải trong cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ. Ngôn từ của nữ nhà thơ sắc sảo, tinh tế, được tác giả Trần Nguyễn báo Công an Nhân dân nhận xét là “chữ nghĩa kỹ lưỡng và tinh thần bạo liệt.”

 Nhóm tác giả chụp chung trong một sự kiện

Nhóm tác giả chụp chung trong một sự kiện

Một tác giả khác là Phó Giáo sư-Tiến sỹ Phạm Thu Yến, một chuyên gia về văn học dân gian Việt Nam. Một số bài thơ của bà được chọn đưa vào sách là “Với anh,” “Hát với ca dao,” “Biết mình”... Nhà văn Trần Thị Trường nhận xét thơ của bà giàu vẻ đẹp tâm hồn, không nhiều triết lý nhưng giàu chi tiết đời sống, chân thực và nhiều cảm xúc.

Với nhà báo, nhà giáo Kim Nhũ, bà ghi dấu qua những tập thơ và truyện ngắn như “Khúc ru lại về,” “Tình yêu và cuộc sống” (thơ), “Nơi gửi nỗi nhớ”“Gia đình nơi chốn ta về” (truyện ngắn, tản văn). Giới phê bình nhận định chất mô phạm trong nghề giáo và những trải nghiệm trong nghề báo đã cho bà nhiều tư liệu quý để sáng tác. Chất thơ và văn của bà nổi bật với chất trong trẻo, nhẹ nhàng và da diết.

Tác giả duy nhất viết văn xuôi là nhà văn Trần Thị Trường, đóng góp loạt bài viết về 5 nhà thơ nữ và nhiều tranh vẽ. Bà cũng là người đưa ra ý tưởng tiêu đề “Những người gánh sông trăng,” ẩn dụ những người phụ nữ có cùng một đam mê với cái đẹp trong cuộc sống và thơ văn.

Tập thơ còn ánh lên tinh thần yêu lao động của những người nghệ sỹ dù đã lớn tuổi. Đọc tập thơ, Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhận xét hình tượng con sông trăng được nói đến "dâng lên thật đẹp đẽ, kỳ vĩ và lấp lánh. Mỗi người mang đến một vẻ đẹp, một dấu ấn văn chương Việt Nam"./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nhung-nguoi-ganh-song-trang-tap-tho-cua-6-nu-tac-gia-ky-cuu-tren-van-dan-viet-post1002647.vnp
Zalo