Những người đã mua, sử dụng thuốc giả, sữa giả có được bồi thường thỏa đáng?
Sau khi các vụ sản xuất, buôn bán sữa giả, thuốc giả bị phát hiện, điều được dư luận quan tâm là những người tiêu dùng vừa ' thiệt người ' vừa ' hại của ' do đã mua, sử dụng những sản phẩm này có được bồi thường?
Gọi điện đến Đường dây nóng ANTĐ, chị Nguyễn Thu Hà ở quận Hà Đông, Hà Nội chia sẻ, những ngày qua, thông tin về các đường dây sản xuất sữa, thuốc tân dược giả với quy mô cực lớn bị triệt phá khiến chị mất ăn mất ngủ bởi nhiều người thân trong gia đình chị đã sử dụng các sản phẩm này trong thời gian khá dài.
“Cháu gái tôi ở Hải Dương sinh thiếu tháng nên thể trạng khá yếu. Cách đây 4 tháng tôi tình cờ xem được quảng cáo trên mạng về “công dụng tuyệt vời” của loại sữa M79 Gold Kid Baby nên tôi đã mua về cho cháu uống hàng ngày, dù sản phẩm này có giá khá cao. Khi biết tin loại sữa này nằm trong danh sách gần 600 loại sữa giả bị phát hiện, tôi tức giận và lo lắng vô cùng vì niềm tin đã đặt nhầm chỗ, vì sợ loại thực phẩm kém chất lượng này sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe lâu dài của cháu mình.
Tôi đề nghị cơ quan chức năng xử lý thích đáng, triệt để những kẻ coi rẻ sức khỏe, tính mạng của đồng loại, đồng thời yêu cầu chúng bồi thường thỏa đáng cho người tiêu dùng đã mua, sử dụng những sản phẩm thuốc, sữa giả” - chị Hà nói.

Những sản phẩm sữa giả bị phát hiện
Về quyền của người tiêu dùng, Điều 4 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 quy định, người tiêu dùng có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, không bảo đảm an toàn, đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng, giá, nội dung khác theo quy định của pháp luật hoặc không đúng với đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết của tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Còn về việc bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng, Điều 608 Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ, cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường.
Từ những căn cứ nêu trên có thể thấy, người tiêu dùng khi mua phải sữa giả, thuốc giả kém chất lượng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, đồng thời yêu cầu cơ quan Nhà nước xử lý vi phạm pháp luật có liên quan - luật sư Lê Hồng Vân, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.
Cụ thể, trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quy định khác của pháp luật về quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để được xử lý theo quy định của pháp luật.
Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và lĩnh vực được phân công.
Trường hợp cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhận được yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này thuộc lĩnh vực quản lý của cơ quan Nhà nước khác thì có trách nhiệm chuyển yêu cầu đến cơ quan đó và thông báo cho người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân có liên quan biết.
Người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin, bằng chứng về hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Như vậy, nếu người tiêu dùng mua và sử dụng sản phẩm sữa giả, thuốc giả mà bị thiệt hại về sức khỏe hoặc tài sản họ sẽ được xác định là người bị hại và tham gia tố tụng với tư cách này. Bên cạnh đó, người tiêu dùng có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại khi mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng - luật sư Lê Hồng Vân nhấn mạnh.