Những người có nguy cơ bị trào ngược dạ dày
Mang thai, thừa cân, béo phì, thường xuyên hút thuốc là các yếu tố nguy cơ khiến bạn dễ mắc trào ngược dạ dày hơn.
Trào ngược là hiện tượng thức ăn và dịch vị từ dạ dày đi lên thực quản, gây ra các triệu chứng khó chịu ở vùng thực quản, thượng vị. Đây là tình trạng phổ biến có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, nhưng một số nhóm người có nguy cơ cao hơn.
Ai dễ bị trào ngược dạ dày?
Hầu như ai cũng có nguy cơ bị trào ngược dạ dày, nhưng những trường hợp dưới đây dễ bị hơn cả:
Phụ nữ mang thai
Theo Medical News Today, trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng bệnh lý phổ biến trong thai kỳ. Phụ nữ có thể bị bệnh này khi mang thai là do:
Thay đổi nội tiết tố ảnh hưởng đến cơ dạ dày
Áp lực bụng do tử cung ngày càng lớn
Tăng cân khi mang thai
Buồn nôn và nôn
Người béo phì, thừa cân
Thừa cân hoặc béo phì có thể làm tăng tần suất các triệu chứng trào ngược. Tình trạng này cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh trào ngược dạ dày thực quản bằng cách tạo thêm áp lực lên bụng, khiến thực quản dưới mở ra thường xuyên hơn khi họ không nuốt.
Mắc bệnh liệt dạ dày
Liệt dạ dày là tình trạng dạ dày của một người mất nhiều thời gian để trống rỗng. Những người bị liệt dạ dày có cơ dạ dày hoạt động kém hiệu quả hoặc hoàn toàn không hoạt động.
Việc thức ăn ở trong dạ dày lâu hơn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Điều này khiến dạ dày của một người tạo ra nhiều axit hơn hoặ axit trong thức ăn tồn tại lâu hơn trong dạ dày, gây ra trào ngược.
Các yếu tố về lối sống
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển trào ngược dạ dày ở một người.
- Hút thuốc: Hút hơn 20 điếu thuốc mỗi ngày làm tăng nguy cơ mắc bệnh trào ngược dạ dày. Đối với phụ nữ hút thuốc, nguy cơ mắc bệnh tăng lên 37% và 53% đối với nam giới hút thuốc. Ngừng hút thuốc có thể làm giảm các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống rõ rệt.
- Ăn nhiều vào ban đêm: Ăn nhiều hoặc ăn ngay trước khi đi ngủ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản lên tới 20%. Vì điều này, các chuyên gia khuyên mọi người nên ăn bữa cuối cùng trong ngày trước lúc đi ngủ từ 2-3 giờ.
- Thói quen tập thể dục: Một số loại hoạt động thể chất có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh trào ngược bao gồm: Cử tạ, nâng hoặc mang vật nặng bằng tay, tập thể dục ngay sau khi ăn. Một người cũng có nhiều nguy cơ mắc bệnh trào ngược hơn nếu họ tập thể dục ít hơn một lần mỗi tháng.
- Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm:
Tiêu thụ thức ăn béo, chiên, chua hoặc cay, nước cam hoặc bưởi, cà chua, đồ uống có ga, chocolate
Căng thẳng
Người trên 50 tuổi
Ăn uống không đúng giờ
Hen suyễn.