Những người Anh hùng tình báo vô danh

Trong Thế chiến thứ hai, ngoài hai mạng lưới điệp viên cùng tên 'Dàn nhạc đỏ' hoạt động ở Đức, Bỉ và Pháp, còn có mạng lưới điệp viên 'Tam ca đỏ', do Sandor Rado lãnh đạo, hoạt động ở Thụy Sĩ, nơi có ba cơ sở tình báo quân đội Liên Xô do Leonid Anulov, Rachel Dubendorfer và Ruth Werner đứng đầu. Ba nhân vật này đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập và hoạt động của 'Tam ca đỏ' và số phận người lãnh đạo của nó.

Binh nhì, đảng Bolshevik, điệp viên

Trước hết, xin kể về người đứng đầu một trong những cơ sở tình báo của Liên Xô hoạt động tại Thụy Sĩ, Leonid Anulov (tên thật là Moskovsh), mật danh là Kolya.

Nhà tình báo tương lai sinh năm 1897 ở ngoại ô thủ đô Kishinyov, nay thuộc Moldova. Là binh nhì trong quân đội Sa hoàng, đảng viên đảng Bolshevik, còn từ năm 1919 là nhân viên tình báo chuyên nghiệp, từng tham gia chuẩn bị cuộc cách mạng “Tháng Mười” ở Đức, chiến đấu ở Trung Quốc và Tây Ban Nha, sau đó, hoạt động tình báo ở Trung Quốc, Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ.

Sandor Rado.

Sandor Rado.

Năm 1937, ông là điệp viên nằm vùng ở Pháp, từ đây ông chỉ đạo mạng lưới tình báo ở Thụy Sĩ. Trong số các điệp viên ông tuyển mộ có nhà báo Thụy Sĩ Otto Pubner, bút danh là Pakbo, người thu thập được nhiều thông tin tình báo có giá trị từ giới lãnh đạo chóp bu của Đức Quốc xã.

Pakbo có mối quan hệ rộng rãi với các nhân vật trong chính phủ, giới báo chí và ngoại giao Thụy Sĩ am hiểu nước Đức. Thông qua họ, ông nhận được thông tin về nước Đức, đặc biệt là về các hoạt động chính trị -quân sự của chính phủ nước này.

Rachel Dubendorfer - nữ điệp viên nằm vùng trẻ

Đóng vai trò quan trọng trong số phận mạng lưới tình báo của Sandor Rado là nữ điệp viên nổi tiếng Rachel Dubendorfer, mật danh là Sisi.

Ra đời ở Warsaw năm 1900, một phần tuổi thơ của bà trôi qua ở Danzig. Thời trẻ, Rachel trở thành đảng viên Đảng Cộng sản và đến năm 1920, bà bắt đầu hoạt động bí mật. Sau đó, bà kết hôn với một người tên là Kasparn, nhưng nhanh chóng ly hôn với anh ta và chuyển đến Đức. Tại đây, bà làm nhân viên viết tốc ký kiêm đánh máy trong cơ quan của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đức (KPD). Cũng trong thời gian này, bà trở thành điệp viên của tình báo quân đội Liên Xô.

Leonid Anulov.

Leonid Anulov.

Sau khi Hitler lên nắm quyền, Rachel di cư sang Thụy Sĩ. Mục tiêu của bà là nhập quốc tịch Thụy Sĩ và định cư tại đất nước này. Ở đó, bà gặp Heinrich Dubendorfer, thợ cơ khí và đảng viên cộng sản Thụy Sĩ. Họ kết hôn nhưng đây là cuộc hôn nhân giả, vì vậy Heinrich sớm biến mất khỏi cuộc đời bà. Điều quan trọng là giờ đây bà đã chính thức trở thành công dân Thụy Sĩ. Giỏi tiếng Đức và tiếng Pháp, Rachel vào làm việc tại Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thuộc Hội quốc liên. Tuy nhiên, là một nhân viên tình báo, bà không mấy mặn mà với tổ chức này. Nhiệm vụ chính của Rachel là thu thập thông tin về Đức và sự chuẩn bị chiến tranh của nước này.

Năm 1934, Paul Bechter trở thành chồng và cộng sự gần gũi nhất của Rachel. Ông là người Đức di cư, đảng viên đảng Dân chủ Xã hội, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính bang Saxony. Ông buộc phải chạy khỏi nước Đức vì căm thù chủ nghĩa Quốc xã mà ông đã đấu tranh chống lại suốt cả cuộc đời. Hoàn cảnh của ông ở Thụy Sĩ trở nên khó khăn, vì vị thế một người di cư không mang lại cho ông bất kỳ quyền lợi nào, đã thế, ông luôn luôn bị dọa trục xuất.

Một cộng sự khác của Rachel là Marius - Aleksandr Abramson, người gốc vùng Baltic, từ năm 1920 làm việc tại trung tâm báo chí của Tổ chức Lao động Quốc tế, do đó có điều kiện quan tâm đến các sự kiện trong đời sống quốc tế. Ông biến chiếc két sắt trong văn phòng của mình thành nơi Rachel cất giữ các tài liệu tác chiến và thậm chí cả các linh kiện của máy phát sóng vô tuyến. Phòng làm việc của ông là nơi đáng tin cậy vì Tổ chức Lao động Quốc tế được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao.

Rachel Dubendorfer.

Rachel Dubendorfer.

Điệp viên giá trị nhất của Rachel Dubendorfer là Jean-Pierre Vigier (Brand). Là con trai của một nhà ngoại giao và bản thân cũng là một nhà ngoại giao, ông làm việc tại Đại sứ quán Pháp ở Thụy Sĩ. Tamara, con gái của Rachel, làm quen với Vigier để tuyển mộ và sau đó trở thành vợ của ông. Vigier là nguồn cung cấp thông tin chính trị quan trọng, đồng thời là cầu nối giữa Rachel Dubendorfer và những người Pháp chống phát xít. Sau khi Thế chiến thứ hai bùng nổ, ông gia nhập quân đội Pháp, và tiến cử sinh viên Pháp Lachanel làm nhiệm vụ liên lạc thay mình.

Rachel Dubendorfer bị bắt và bị kết tội làm gián điệp. Trong hồ sơ vụ án, bà thừa nhận mình là nhân viên tình báo Anh ở Thụy Sĩ. Tháng 2/1956, được trả tự do, bà trở về CHDC Đức, và 13 năm sau, vào tháng 10/1969, bà được trao tặng Huân chương Cờ đỏ. Rachel mất năm 1973.

Manfred Stern và Maria Polyakova

Không thể không nhắc thêm 2 người nữa có liên quan tới hoạt động của mạng lưới tình báo “Tam ca Đỏ”. Đó là Manfred Stern và Maria Polyakova.

Stern là người gốc Bukovina, một tỉnh nằm giữa Romania và Ukraine. Thời gian phục vụ quân đội Áo trong Thế chiến thứ nhất, ông bị bắt làm tù binh. Khi bị đày ở Siberia, ông trở thành người Bolshevik và tham gia cuộc Nội chiến. Sau đó, cả cuộc đời ông gắn liền với tình báo quân đội. Ở Đức, ông tham gia vụ “Chính biến tháng ba”, sau đó, hoạt động tại Trung Quốc, Mãn Châu, Mỹ và là cố vấn quân sự của đảng Cộng sản Trung Quốc. Từ năm 1936, ông chiến đấu ở Tây Ban Nha, dưới vỏ bọc “Tướng Kleber”, ông chỉ huy Lữ đoàn quốc tế số 11. Sau đó, ông làm việc trong bộ máy của Quốc tế Cộng sản và ủng hộ phe Cộng hòa ở Tây Ban Nha.

Maria Polyakova.

Maria Polyakova.

Chiến hữu của ông, Maria Polyakova (mật danh Vera), là một phụ nữ phi thường. Bà sinh năm 1908 tại Saint Petersburg. Hoạt động nằm vùng tại văn phòng đại diện Liên Xô ở Thụy Sĩ, bà giám sát việc thành lập mạng lưới tình báo “Tam ca Đỏ” và bản thân bà cũng tham gia tích cực hoạt động tình báo. Chỉ cần nói rằng bà đã di chuyển một khẩu pháo tự động “Oerlikon” 37mm và 8 quả đạn từ Thụy Sĩ đến Liên Xô là đủ.

Trở về tổ quốc nhận nhiệm vụ mới, bà chuyển cho Anulov các mối liên hệ với Sandor Rado, nhưng vẫn tiếp tục giám sát hoạt động của nhóm. Trong chiến tranh, bà đã tuyển mộ các tù binh Đức làm điệp viên để tung vào vùng địch hậu. Năm 1941, tình báo Liên Xô dự định giữ Maria Polyakova ở lại Moscow hoạt động tình báo trong trường hợp phát xít Đức chiếm được thủ đô nước Nga.

Maria Polyakova làm việc trong ngành tình báo cho đến khi nghỉ hưu. Bà mất năm 1995.

Điệp viên xuất sắc nhất Thế chiến thứ hai

Chiếm vị trí đặc biệt trong hoạt động của nhóm điệp viên Sandor Rado là Ru

Rudolf Roessler.

Rudolf Roessler.

dolf Roessler, một trong những điệp viên xuất sắc nhất của Thế chiến thứ hai. Tháng 2/1942, khi thiết lập quan hệ với Christian Schneider (Taylor), nhân viên Tổ chức Lao động Quốc tế, Rachel Dubendorfer gặp Rudolf Roessler, vốn là một trong những người quen của Christian Schneider. Allen Dulles, cựu giám đốc CIA, từng nói: “Nếu tôi có một vài điệp viên như vậy, tôi sẽ không phải lo lắng về bất cứ điều gì”.

Giống như nhiều người khác, Roessler chạy trốn khỏi nước Đức. Ở Thụy Sĩ, ông mở một nhà xuất bản và hiệu sách nhỏ. Sau đó, khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, ông nhận lời hợp tác với cơ quan phản gián Thụy Sĩ, cung cấp cho họ một số thông tin về các điệp viên Đức trà trộn trong số những người di cư. Đồng thời, ông còn hợp tác với tình báo Anh vì mong muốn giúp đỡ quân Đồng minh trong cuộc chiến chống Đức Quốc xã. Trong một lần gặp Sisi, Schneider nói với bà:

- Roessler có thể cung cấp cho chúng ta các tài liệu về mặt trận phía Đông và các vấn đề khác liên quan đến nước Đức.

- Ông chủ hiệu sách lấy đâu ra những thông tin như vậy? - Sisi hỏi.

- Tôi đã hỏi Roessler điều đó nhưng ông ta dứt khoát từ chối trả lời. Ông ta khẳng định rằng thông tin hoàn toàn đáng tin cậy, nhưng không nói thu thập ở đâu và như thế nào, vì không muốn gây nguy hiểm cho những kẻ chống phát xít đã cung cấp thông tin.

- Tại sao Roessler quyết định làm việc cho tình báo Liên Xô?

- Ông nói mục đích cuộc đời của ông là đánh bại Đức Quốc xã và giải phóng nước Đức, cuộc chiến đấu của nước Nga giúp thực hiện điều đó một cách tốt nhất. Đồng thời, ông lấy làm tiếc vì những thông tin quý giá rất cần thiết cho Hồng quân không được sử dụng.

- Rất tốt, - Sisi đồng ý, - tôi nghĩ Roessler phù hợp với chúng ta.

Sisi thông báo cho Rado về cuộc trò chuyện, và Rado yêu cầu giới thiệu ông với Roessler.

- Tôi không thể làm điều này, - Sisi phản đối, - ông ta sẽ không nói chuyện với người lạ và chấm dứt mãi mãi mọi liên lạc với chúng ta.

Tuy nhiên, bà vẫn trao đổi lại với Roessler và truyền đạt cho Rado những lời của ông ta:

- Các vị muốn thông tin của tôi hay xác của tôi?

Từ đó, Rado không yêu cầu gặp Roessler nữa, nhưng báo cáo cho Moscow về lời đề nghị của Roessler, người mà ông đặt cho mật danh Lucy. Trung tâm trả lời không nên từ chối sự giúp đỡ của Roessler nhưng cần thận trọng. Ngay sau đó, việc phân tích các thông tin nhận được cho thấy Lucy thực sự có những khả năng hiếm hoi và nguồn thông tin của ông nằm trong giới chóp bu của quân đội Đức Quốc xã. Tuy nhiên, danh tính của những con người này là điều bí ẩn. Có thể họ đã tham gia vào một âm mưu chống Hitler và chết sau vụ ám sát y bất thành ngày 20/6/1944. Roessler đã mang theo tên những người bạn của mình xuống mộ.

Manfred Stern.

Manfred Stern.

Các chuyên gia của CIA cho rằng Roessler có bốn điệp viên quan trọng ở Đức - Werther, Teddy, Anna và Olga - và dự đoán họ là những sĩ quan cấp cao trong Lực lượng vũ trang của quân đội Đức Quốc xã.

Những thông tin của Lucy được gửi cho Moscow thông qua mạng lưới tình báo “Tam ca Đỏ” của Sandor Rado. Mỗi tháng, phía Liên Xô cung cấp cho Rudolf Roessler 1.600 USD để phục vụ việc mua tin tức tình báo. Rudolf Roessler đã chứng minh được rằng Moscow không sai lầm khi tin tưởng mình: cứ mỗi lần quân đội Đức có một kế hoạch mới thì chỉ vài giờ sau, những nội dung chi tiết của kế hoạch đó đã được chuyển tới Cơ quan Tình báo Liên Xô.

Rudolf Roessler qua đời năm 1958, mang theo nhiều bí mật chưa được giải đáp, trong đó có tên tuổi của những người đã cung cấp thông tin bí mật cho ông.

Trần Đình

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/tu-lieu-antg/nhung-nguoi-anh-hung-tinh-bao-vo-danh-i742780/
Zalo