Những ngôi nhà khó bán
Có những ngôi nhà vừa rao bán đã có người hỏi mua ngay, nhưng cũng có những căn rao bán mãi vẫn ế. Có vô vàn nguyên nhân khiến nhà khó bán, vậy đâu là những nguyên nhân căn bản nhất?

Nhà cửa là tài sản lớn, có khi là sự tích cóp cả đời. Vậy nên, bất kỳ ai khi đi mua nhà cũng đều mong tìm được ngôi nhà ưng ý nhất. Từ khoản tiền dự tính ban đầu, họ sẽ đặt ra “bộ tiêu chí” để lựa chọn.
Tất nhiên, không cần phải là một chuyên gia bất động sản hay “người có nghề”, mà bất kỳ ai đi mua nhà cũng sẽ loại thẳng tay những ngôi nhà dính quy hoạch hoặc pháp lý có vấn đề: Nhà chưa có sổ đỏ, sổ chung không thể tách, hoặc sổ thừa, hoặc thiếu diện tích… Ngoài những tiêu chí bất di bất dịch đó ra, còn nhiều yếu tố khác khiến một ngôi nhà khó giao dịch.
Nằm trong ngõ sâu
Nhà đất hay bất cứ mặt hàng nào cũng vậy, đều “tiền nào của nấy”, thị trường có mặt bằng chung. Nhưng trong cái chung vẫn có cái riêng, bởi nhà đất có tính đặc thù rất cao. Nó là một, là riêng và là duy nhất.
Nói đến nhà đất là “nhất vị, nhị hướng”. Tại Hà Nội, có những khu vực luôn có nhiều người hỏi mua nhưng cũng nổi tiếng nhiều nhà trong ngõ hẻm, ngõ cụt… như khu Đội Cấn, Hoàng Hoa Thám, Ngọc Hà, Yên Hòa, Trần Cung…
Cùng khu vực, thậm chí một con ngõ thôi, nhưng nhà phía trong phải rao bán rẻ hơn nhà phía ngoài vài chục triệu đồng mỗi mét vuông là chuyện rất bình thường. Đó là chưa nói tới những ngôi nhà trong ngõ cụt, cuối ngõ hay ngõ nhỏ “đi bộ cũng khó tránh nhau”… sẽ vừa kém giá trị, vừa kén người mua.
Thường thì môi giới sẽ dùng căn nhà này để đăng tin chào khách (do tính giá trung bình/m2 sẽ rẻ hơn thị trường), nhưng khi bán họ sẽ bán căn phía ngoài vì dễ bán hơn nên căn nhà trong cùng tận sẽ mãi khó bán cho đến khi chủ nhà hạ giá sâu. Người mua khi đi xem nhà đủ nhiều sẽ hiểu thị trường sẽ đưa ra lựa chọn “1 trong 2”: Lợi nhà thì thiệt ngõ, còn lợi ngõ sẽ phải chấp nhận thiệt nhà!
Lỗi phong thủy, phân lô
Khái niệm nhà xấu đẹp khá trừu tượng, mỗi người có một quan niệm riêng. Nhưng thường thì người mua sẽ tránh một số lỗi căn bản về phong thủy: Nhà có mặt tiền hẹp; đường hoặc ngõ đâm thẳng vào cửa nhà; nằm trong ngõ cụt; gần đình, đền, chùa, miếu mạo… Có những người khó tính hơn sẽ tránh ở gần trụ điện lớn, cột điện hay cây to.
Theo quan điểm chung, những ngôi nhà phạm phải những nhược điểm trên sẽ khó bán. Tuy nhiên, trên thực tế, trong nội thành Hà Nội có vô số những ngôi nhà vướng lỗi phong thủy, nên dù khó bán hơn nhưng những yếu tố này không mang tính quyết định cao, mà chính là kết cấu và thiết kế.
Bỏ qua những ngôi nhà có tuổi đời trên 20 năm (việc mua bán chỉ tính giá đất), việc thiết kế lạc hậu không tối ưu làm gác xép, lệch tầng… đều bị đánh giá thấp.

Nhà trong ngõ sâu là khó bán nhất. Ảnh: Hùng Cường.
Ngoài ra, mẫu nhà mà mỗi tầng chia 2 phòng hẹp chung vệ sinh cũng không còn được ưa chuộng bằng nhà thiết kế mỗi tầng 1 phòng ngủ rộng, có nhà vệ sinh khép kín... Dù vậy, những thiết kế này đều có thể dễ dàng cải tạo lại nếu là nhà xây đơn lẻ.
Với những ngôi nhà thuộc dãy phân lô do nhóm đầu tư xây dựng, việc cải tạo sẽ phức tạp hơn rất nhiều, bởi gần như toàn bộ nhà xây kiểu này sẽ chung tường, chung móng. Việc cải tạo lớn tất yếu sẽ tác động đến kết cấu nhà bên cạnh. Đó cũng là lý do những ngôi nhà tự phân lô xây dựng khó bán hơn nhà riêng lẻ.
Hình thửa lạ
Hình thửa ngôi nhà rất quan trọng. Theo quan niệm Á Đông, ai cũng muốn ngôi nhà có hình thửa vuông vức, cân đối, nở hậu thì càng tốt. Giới thiệu nhà cho khách, môi giới nào cũng chào căn hình thửa đẹp bởi cơ hội chốt rất cao.
Nhưng có lăn lộn đủ lâu mới thấy, Hà Nội có rất ít nhà như vậy, không những không vuông vức mà còn đủ các lỗi như thóp hậu, đa hình thửa (có khá nhiều nhà hình chữ L, thậm chí chữ T, chữ Z)…
Hình thù kỳ dị như vậy thường do trước đây một gia đình cùng chung sống trên một mảnh đất. Sau đó con cái lớn lên, lập gia đình, ông bà, bố mẹ cắt đất ra chia cho một vài người con. Khi bố mẹ, ông bà mất đi, thế hệ sau lại chia tiếp phần đất đó. Nhưng do có những đóng góp khác nhau nên việc chia khó đồng đều.
Mặt khác, qua hàng chục năm, có những phần đất công, đất bỏ không… gia đình tranh thủ “nhập” thêm vào nhà mình nhưng không hề có bất kỳ căn cứ nào để hợp thửa. Do vậy, hình thù hiện hữu có phần kỳ quặc.
Chưa kể, hình thửa xấu vốn đã khiến nhà khó bán, gia chủ lại luôn muốn bán theo diện tích hiện hữu, còn người mua thì chỉ đồng ý mua theo sổ. Để tìm ra tiếng nói chung thì 1 trong 2 bên buộc phải “xuống nước”.
Hình thửa xấu tất nhiên khó bán, nhưng chưa là gì so với những ngôi nhà có tới 2-3 khối nhà. Không ít khách hàng khi được môi giới mời chào thông báo diện tích sẽ vô cùng hào hứng bởi nó rộng, nhưng khi đến thì đều “bật ngửa” với dạng nhà này.
Nó là gì vậy! Một thửa đất nhưng trên đó có 1, 2 thậm chí là 3 công trình.
Công trình lớn nhất thường là ngôi nhà 3-4 tầng, ngay gần đó là cái bếp dời và khoảng sân vườn (hoặc để xe). Những công trình này hoàn toàn tách rời nhau, không hề liền tường sát vách, nhưng đều thuộc một chủ sở hữu. Người mua khi đến xem và hình dung ra cuộc sống tương lai sẽ thường “quay xe” với những ngôi nhà dạng này.
Nói đến đây, bạn sẽ nghĩ chuyện truyền kỳ về hình thửa đã hết! Không ạ! Có những ngôi nhà lại có những khoảng đất vừa manh mún, vừa cao thấp không đều nhau. Phần xây nhà sẽ có nền tương đồng với mặt bằng chung, phần để xe hoặc sân vườn nhỏ, lại trũng xuống có khi tới gần cả mét.
Chủ mới mua về san lấp cho đẹp thì sẽ gặp sự phản ứng dữ dội từ hàng xóm với lý lẽ “bạn tôn nền nhà bạn nhưng sẽ làm ẩm mốc thấm… đến tường nhà tôi”.
Mà thường thì “ma cũ bắt nạn ma mới”, nên người muốn mua nhà cho con, nhất là khách ngoại tỉnh, khi đến xem nhà cũng thường “một đi không trở lại”. Bên cạnh đó, sự chênh lệch độ cao cũng là dấu hiệu rõ nét về việc ngôi nhà rất có thể bị ngập vào mùa mưa.
Yếu tố bên ngoài
Ông bà ta có câu: “Bán anh em xa mua láng giềng gần”, nên không quá khi nói mua nhà là mua cả hàng xóm. Có những ngôi nhà có vị trí tốt, kết cấu tốt, thiết kế thì nhiều khách xem cũng thấy ưng, nhưng lại không thể bán vì… hàng xóm. Chuyện hàng xóm cũng muôn hình vạn trạng, mà thường môi giới sẽ chứng kiến nhiều chuyện bi hài nhất!
Do nhiều nguyên nhân, có những người rất thích nói xấu hàng xóm, thậm chí thêu dệt nên những chuyện rất không đâu và không có thật về gia chủ, về ngôi nhà, khiến khách đều bỏ đi, mục đích là chính họ muốn mua lại căn nhà đó với giá rẻ… Cũng có những căn nhà khác, tuy hàng xóm liền tường không nói năng hay can thiệp gì, nhưng khi khách tìm hiểu ra thì quá khứ của họ hơi… phức tạp, nên “quay xe”.
Có ngôi nhà khác, hàng xóm có lịch sử tốt, không nói xấu hay dèm pha gì, nhưng họ lại kinh doanh những lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường chung quá mức khiến khách đến xem mất cảm xúc ngay lập tức, thậm chí từ chối không xem nhà…
Chuyện mua nhà thổ cư đúng là muôn hình vạn trạng. Người đi mua đã khổ, người bán cũng chẳng sung sướng gì. Nhưng cuối cùng, mọi ngôi nhà muốn bán sẽ vẫn được bán.
Nhà có xấu đến đâu, lỗi đến đâu thì cũng vẫn có người chấp thuận và có cách cải tạo. Hàng xóm có thể không ưa người này, nhưng lại hợp người khác..., nên yếu tố được nhắc đến sau cùng đáng ra cần được nói đến đầu tiên: Giá cả phù hợp sẽ giúp hai bên thuận mua vừa bán!