Những ngôi làng trên đỉnh núi

Chênh vênh trên sườn núi với con đường uốn lượn qua những con dốc cao, hai bên đường là những biệt thự, những ngôi nhà với tường rào hoa nở ngập tràn trước nhà, mây mù lững lờ trôi qua khi cơn mưa mùa hè vừa dứt hạt... Từ miền xuôi lên đây, qua ngả đèo D'ran, Trạm Hành - xã vùng ven Đà Lạt chợt hiện ra, thấp thoáng trong sương mù như một bức tranh siêu thực.

Một góc ngôi làng trên đỉnh núi tại Trạm Hành, Đà Lạt

Một góc ngôi làng trên đỉnh núi tại Trạm Hành, Đà Lạt

VÙNG VEN KHÔNG CÒN HỘ NGHÈO

Với ông Phạm Đa, người thôn Trạm Hành 1, xã Trạm Hành, Đà Lạt, cả đời ông gần như gắn bó với vùng đất này từ tuổi nhỏ cho đến bây giờ. Sinh 1958, tại thôn Xuân Sơn, Xuân Trường, Đà Lạt, ông Đa bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1974, từng thoát ly vào rừng và sau đó tham gia chiến dịch mùa Xuân 1975 tại Đà Lạt. Năm 1980, ông cùng gia đình chuyển xuống sinh sống và làm việc tại Trạm Hành. Ông có 18 năm là Xã đội trưởng ở đây, 5 năm là Phó Chủ tịch UBND xã và Trưởng Công an xã, 25 năm là Bí thư Chi bộ cơ sở tại thôn nơi mình sinh sống và hiện nay vẫn là Bí thư Chi bộ thôn Trạm Hành 1.

Tên Trạm Hành là tên của một nhà ga nằm trong chuỗi nhà ga của con đường tàu lửa răng cưa do người Pháp xây dựng nối Đà Lạt với Tháp Chàm - Ninh Thuận từ những năm 30 của thế kỷ trước. Hệ thống nhà ga này gồm các ga Tân Mỹ, Sông Pha (Krongpha), Cà Bơ (K’beu), Eo Gió (Bellevue), D’ran, Trạm Hành (Arbre Broye), Cầu Đất, Đa Thọ và Đà Lạt. Trong đó, ga Trạm Hành với độ cao trên 1.510 m so với mặt nước biển, là một trong những nhà ga cao nhất trong chuỗi các nhà ga này. Khi đường xe lửa hiện diện, dân cư dần quy tụ về đây sinh sống.

Trong trí nhớ của ông Đa, Trạm Hành ngày xưa heo hút và tách biệt lắm. Con đường từ Đà Lạt xuống đây chỉ chừng 30 km, đường lộ nhưng nhỏ, quanh quẩn qua những rừng thông, đầy ổ gà, ổ voi. Đại đa số cư dân là người miền Trung vào đây lập nghiệp, sinh sống bằng trồng hồng, trồng cà phê.

Theo ông Đa, cho đến nay, người dân Trạm Hành vẫn tiếp tục trồng hồng, trồng cà phê, nhưng mọi việc đã khác hẳn. Tại thôn Trạm Hành 1 nơi ông sinh sống, toàn thôn có 340 gia đình, 1.771 nhân khẩu, khoảng 80% dân cư sống bằng nông nghiệp, phần còn lại mua bán, trong đó 90% diện tích đất nông nghiệp của làng là trồng cà phê và cây hồng; chừng 10% còn lại trồng rau, hoa. Cũng là những cây trồng này nhưng nhờ vài năm gần đây cà phê và hồng có giá, nên đời sống người dân khởi sắc hẳn lên. Như cà phê thời điểm giữa tháng 4/2025 này, khoảng 135 ngàn đồng/kg nhân xô, còn trái hồng cũng được giá với hồng treo gió khoảng 200 - 350 ngàn đồng/kg. “Cây hồng trước đây cũng là một cây chủ lực được trồng xen với cà phê, nhưng do một thời gian dài giá thấp nên người dân chặt dần. Gần đây nhờ công nghệ sấy hồng khô nên hồng trái được giá, người dân trồng trở lại”, ông Đa cho biết.

Điểm độc đáo, nhờ độ cao, lạnh nhiều, sương mù quanh năm nên cà phê (và cả trà canh tác nơi đây) có 1 hương vị rất đặc biệt, do đó bán rất chạy, giá cà phê của vùng Cầu Đất và Trạm Hành cao hơn giá chung và rất chuộng trên thị trường.

Kinh tế ổn định, đời sống phát triển nên thôn Trạm Hành 1, không còn nhà tạm, nhà dột nát, cũng chẳng còn hộ nghèo và hộ cận nghèo, chỉ còn một vài gia đình khó khăn, được cộng đồng chung sức giúp đỡ vươn lên. “Nhà cửa xây mới, khang trang, điện - đường - trường - trạm đầy đủ, đường nông thôn được tu sửa, mở rộng, toàn bộ các con đường thôn được bê tông hóa theo hình thức Nhà nước - người dân cùng làm, điện chiếu sáng đường cũng được bắt, dân góp tiền mua dây, mua bóng đèn, dựng trụ, Nhà nước chịu tiền điện”, ông Đa cho biết.

Đặc biệt, khi đi dạo trên các con đường tại Trạm Hành, không chỉ là quốc lộ chạy ngang xã mà các con đường trong thôn xóm đều rất sạch sẽ. “Chúng tôi phát động dân cư trong thôn ra quân, các thôn khác trong xã cũng vậy, duy trì Ngày Chủ nhật xanh hằng tháng, thu gom rác thải, dọn mương thoát nước, vận động dân không bỏ rác thải ra đường, trồng hoa, trồng cây xanh tạo mỹ quan. Nơi đây hầu như nhà nào cũng trồng hoa nếu có đất trước nhà”, ông Đa cho biết.

TRẠM HÀNH NGÀY MỚI

Xã Trạm Hành hiện có 4 thôn. Cùng với Trạm Hành 1, 3 thôn trong xã nữa là Trạm Hành 2, Trường Thọ và Phát Chi. Đã không còn là một xã vùng ven heo hút như vài mươi năm về trước. Con đường nhựa Quốc lộ 20 từ Đà Lạt dẫn về đây được mở rộng, nâng cấp, chạy xuyên qua các rừng thông, đồi chè, xóm làng thanh bình với màu xanh đồi núi, cây cỏ, hoa lá đẹp như tranh vẽ. Toàn xã hiện nay có khoảng 1.200 hộ dân, 90% dân cư sống bằng nông nghiệp, diện tích cà phê có chừng 1.400 ha, cây hồng giờ chỉ còn 80 - 90 ha, có khoảng 85 ha rau, hoa công nghệ cao.

“Người dân nơi đây giờ đã bắt đầu áp dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất, làm nhà kính trồng rau, hoa, tưới nước nhỏ giọt cho vườn cà phê, tiết kiệm nước, phòng, chống hạn hán trong mùa khô. Giá giá cà phê cao trong vài năm gần đây nên đời sống người dân khá ổn, giàu thì không giàu nhưng nghèo thì chẳng nghèo, nhà nhà phần lớn có của ăn của để, kinh tế - xã hội cải thiện rất nhanh”, ông Tạ Đình Thành - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết.

Theo UBND xã Trạm Hành, trong năm 2024 vừa qua, xã thu ngân sách vượt kế hoạch đến gần 15%; vẫn tiếp tục là xã văn hóa - nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao; trường học nơi đây đạt chuẩn quốc gia; xã không có hộ nghèo và hộ cận nghèo; người dân tham gia Bảo hiểm y tế toàn dân đạt 96%; toàn bộ dân cư trong xã đều dùng nước sạch, nước hợp vệ sinh; các thôn đều đảm bảo các thiết chế về văn hóa, dụng cụ thể dục, thể thao; tất cả 4 thôn đều đạt chuẩn đạt thôn văn hóa, trên 95% gia đình đạt gia đình văn hóa, 100% cơ quan, trường học đạt cơ quan văn hóa; chính quyền, Mặt trận và các ban, ngành, đoàn thể của xã hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Và Trạm Hành hôm nay không chỉ là xã thuần nông nghiệp mà còn có một khu công nghiệp - Khu công nghiệp Phát Chi, đang hoạt động. Cùng đó là việc hình thành các mô hình du lịch trong xã. Điển hình trong số này mà chúng tôi có dịp đến thăm là điểm du lịch Vườn Hồng của gia đình Lê Phúc tại thôn Trạm Hành 2. Tại đây, theo ông Lê Phúc Duy, chủ nhân của mô hình, vườn hồng nhà ông có khoảng 200 cây hồng ăn trái, trong đó có những cây hồng cả trăm tuổi, cha mẹ ông trồng từ thời mới lập nghiệp trên vùng đất này. Khu vườn nằm trên một sườn đồi rộng khoảng 2 ha, khi đứng trên cao có một tầm nhìn rất đẹp, có thể nhìn thấy cả một vùng đất rộng lớn của Đơn Dương phía dưới chân lẫn cả biển Ninh Thuận từ xa trong những ngày trời quang. Khu vườn này được ông Lê Phúc Duy đầu tư, biến thành một điểm du lịch canh nông hộ gia đình, được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận từ tháng 11/2024. Tại đây, ông có nhà nghỉ và các lều dành cho du khách ở lại đêm, có phục vụ ăn uống, có khu đốt lửa trại. Khi chúng tôi đến, hồng đang ra lá xanh um, cây đang đơm trái. Trong buổi sáng, chúng tôi thấy có nhiều khách du lịch lặn lội từ Đà Lạt xuống đây để thăm khu vườn, thưởng thức cà phê vườn nhà, thưởng thức hồng treo gió vườn nhà tự làm. “Không chỉ khách trong nước mà đã có những đoàn khách Malaysia tìm được thông tin trên mạng họ từ Đà Lạt xuống nghỉ đêm ở đây trong mùa hồng chín”, ông Duy cho biết.

Sẽ thật tiếc khi đến Đà Lạt du lịch mà chưa biết đến thiên nhiên, con người cùng phong cảnh tuyệt đẹp của vùng đất Trạm Hành. Với phong cảnh tuyệt đẹp, Trạm Hành nằm trong chuỗi các điểm du lịch trải dài ở phía Đông Đà Lạt, từ Xuân Thọ hiện nay xuống đến Cầu Đất và qua đến Trạm Hành rất đáng được khám phá. Còn với rất nhiều người dân nơi đây cho tôi biết rằng, họ cũng mong chờ Dự án Đường tàu Đà Lạt - Tháp Chàm khôi phục. Lúc đó, người dân nơi đây ngày ngày sẽ nghe vẳng lên tiếng còi tàu từ Nhà ga Trạm Hành - Arbre Broye trên đỉnh núi sương mù hùng vĩ.

VIẾT TRỌNG

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202505/nhung-ngoi-lang-tren-dinh-nui-5761429/
Zalo