Những nghệ nhân tận tụy giữ gìn nghề thủ công truyền thống ở Nhật Bản
Quả cầu Temari Nhật Bản được trân trọng và đánh giá cao giống như một bức tranh hoặc tác phẩm điêu khắc ở phương Tây.
Nghề làm quả cầu Temari truyền thống
Hãng CNN dẫn tin thời gian dường như dừng lại ở đây. Nhiều phụ nữ Nhật Bản ngồi thành một vòng tròn nhỏ, lặng lẽ tỉ mỉ khâu các họa tiết lên những quả bóng có kích thước bằng quả cam, từng mũi một liên tục và cẩn thận.
Ngồi giữa vòng tròn là bà Eiko Araki, một bậc thầy làm quả cầu Temari - nghề thủ công truyền thống của Nhật Bản được lưu truyền hơn 1.000 năm trên đảo Shikoku ở phía tây nam.
Quả cầu Temari ví như một tác phẩm nghệ thuật, với các họa tiết hình học đầy màu sắc mang những cái tên đầy chất thơ như "hoa đom đóm" và "sao nhiều lớp". Một quả cầu Temari cũng sẽ mất nhiều tuần hoặc nhiều tháng để hoàn thành. Một số quả cầu sẽ có giá lên tới hàng trăm đô la (hàng chục nghìn yên) nhưng vẫn có những quả khác giá cả phải chăng hơn.
Những quả cầu vạn hoa này không phải để ném hay đá lung tung. Chúng được định sẵn là vật gia truyền, mang theo những lời cầu nguyện cho sức khỏe và sự tốt lành. Được xem là tác phẩm nghệ thuật, quả cầu temari có thể được trân trọng như một bức tranh hoặc tác phẩm điêu khắc ở một ngôi nhà phương Tây.
Ý tưởng đằng sau Temari là một thế giới khác tao nhã, một vẻ đẹp phi thực tế nhưng cũng rất tốn công sức để tạo ra.
"Từ hư không, một thứ gì đó đẹp đẽ như thế này đã ra đời và mang lại niềm vui. Tôi muốn mọi người cảm nhận rằng có những thứ đẹp đẽ trên thế giới chỉ có thể được tạo ra từ bàn tay con người", bà Araki nói.
Vật liệu tự nhiên
Vùng đất – nơi ra đời nghệ thuật Temari - rất thích hợp để trồng bông bởi thời tiết ấm áp và ít mưa. Quả cầu được tạo ra từ vật liệu khiêm tốn ở đây.
Xưởng của bà Araki, cũng là trụ sở chính của hiệp hội bảo tồn Temari, mang tới 140 sắc thái của sợi bông, bao gồm màu hồng và xanh lam tinh tế, cùng với nhiều màu sắc sống động khác. Tất cả tạo nên quả cầu temari với sắc thái tinh tế.
Những người phụ nữ sẽ nhuộm sợi bông bằng tay, sử dụng thực vật, hoa cũng như các thành phần tự nhiên khác, bao gồm cả cochineal, một loại bọ sống trong xương rồng tạo ra thuốc nhuộm màu đỏ.
Màu chàm đậm hơn sẽ được nhuộm đi nhuộm lại nhiều lần để chuyển sang màu đen. Màu vàng và xanh lam được kết hợp cùng để tạo thành màu xanh lá cây tuyệt đẹp. Nước đậu nành cũng được thêm vào để làm đậm thêm các sắc thái.
Bên ngoài xưởng sẽ là những vòng chỉ cotton, với nhiều tông màu khác nhau hiện nay, được treo ngoài bóng râm để phơi khô.
Quá trình tỉ mỉ nhất bắt đầu bằng việc tạo khuôn quả cầu cơ bản để khâu. Những quả cầu rất cứng, vì vậy mỗi mũi khâu đòi hỏi một lực đẩy tập trung. Các họa tiết phải chính xác và đều.
Mỗi quả bóng có các đường hướng dẫn khâu, cụ thể một đường đi xung quanh giống như đường xích đạo, và những đường khác ngoằn ngoèo lên trên và xuống dưới.
Sáng tạo nghệ thuật gần gũi với cuộc sống
Ngày nay, Temari cũng nhận được sự công nhận mới ở trong nước và nước ngoài. Cựu đại sứ Mỹ tại Nhật Bản - bà Caroline Kennedy cũng từng học làm quả cầu Temari cách đây một thập kỷ.
Yoshie Nakamura, người quảng bá nghệ thuật thủ công Nhật Bản tại cửa hàng miễn thuế của bà ở sân bay Haneda của Tokyo cho biết, bà trưng bày Temari ở đó vì thiết kế tinh xảo và rất độc đáo.
"Temari có thể là một thứ từng được thường thấy trong quá khứ xa xôi và giờ đây đang được sử dụng để trang trí nội thất", bà Yoshie Nakamura nói.
Nghệ nhân Araki gần đây đã đưa ra một số thiết kế mới kết hợp giữa hiện đại và truyền thống đồng thời cố gắng đưa quả cầu Temari vào sử dụng trong cuộc sống hàng ngày — ví dụ như đồ trang trí cho cây thông Noel. Một dây đeo có quả bóng nhỏ lủng lẳng, mặc dù khá khó làm vì kích thước nhỏ, nhưng có giá cả phải chăng, khoảng 1.500 yên (10 đô la) mỗi quả.
Những sáng tạo khác của bà Araki là một cụm quả bóng màu phấn có thể mở và đóng bằng nam châm nhỏ. Đổ đầy các loại thảo mộc có mùi thơm ngọt ngào vào để tạo thành một loại máy khuếch tán hương thơm.
Truyền thống được truyền qua nhiều thế hệ
Araki, một người phụ nữ duyên dáng, nói rất chậm, đầu nghiêng sang một bên giống như đang suy nghĩ, thỉnh thoảng sẽ đến Tokyo để dạy học. Bà chủ yếu làm việc và dạy học trong xưởng thủ công.
Bà từng bắt đầu sự nghiệp với tư cách là một nghệ sĩ kim loại. Bố mẹ chồng bà là những bậc thầy về temari, những người đã làm việc chăm chỉ để hồi sinh loại hình nghệ thuật hiện nay.
"Bố mẹ chồng tôi là những người nghiêm nghị, hiếm khi khen ngợi mà thường nhắc nhở tôi cẩn thận. Đó cũng là cách tiếp cận nghiêm khắc thường thấy trong quá trình truyền lại nghệ thuật truyền thống ở Nhật Bản, đòi hỏi sự cống hiến và đam mê với nghề", bà nhớ lại.
Ngày nay, chỉ còn vài chục người, tất cả đều là phụ nữ, có thể làm ra những quả cầu Temari theo tiêu chuẩn truyền thống.
"Khía cạnh thách thức nhất là nuôi dưỡng những người kế thừa. Thông thường phải mất hơn 10 năm để đào tạo thợ làm quả cầu Temari, vì vậy bạn cần những người sẵn sàng tiếp tục với nghề trong một thời gian rất dài. Khi mọi người bắt đầu cảm thấy vui vẻ và vượt qua khó khăn khi làm Temari, họ sẽ tiếp tục đam mê", bà Araki nói./.