Những ngày 'trọn vẹn' của Thủ tướng Nhật Bản
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio kết thúc chuyến công du kéo dài 5 ngày tới Pháp, Paraguay và Brazil với kết quả được tóm gọn trong phát biểu tại họp báo ở Sao Paolo trước khi trở lại Tokyo là 'Những ngày vừa qua đối với tôi vô cùng trọn vẹn'.
Thúc đẩy tầm nhìn chung
Trong chặng dừng chân đầu tiên tại Paris, Thủ tướng Kishida đã chủ trì hội nghị Hội đồng Bộ trưởng trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) với vai trò Chủ tịch tổ chức này. Tại đây, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì trật tự kinh tế tự do và công bằng dựa trên luật lệ trong bối cảnh cộng đồng quốc tế ngày càng đa dạng.
Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng kêu gọi sự hợp tác giữa các quốc gia “có tầm nhìn chung” trong phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo một cách an toàn và đáng tin cậy và tuyên bố thành lập một khuôn khổ quốc tế về trí tuệ nhân tạo, với sự tham gia của 49 quốc gia, bao gồm 38 nước thành viên OECD.
Tại hội đàm song phương, Thủ tướng Kishida và Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron nhất trí khởi động các cuộc đàm phán về Thỏa thuận tiếp cận đối ứng (RAA) - một dạng hiệp ước về quốc phòng. Thỏa thuận này cho phép binh sĩ và vũ khí trang bị của hai bên thuận lợi hơn trong triển khai các hoạt động quân sự chung, bao gồm chia sẻ kinh nghiệm, huấn luyện và tập trận, tiếp nhận và cung ứng dịch vụ tương hỗ, chia sẻ nhiên liệu và đạn dược giữa hai nước...
Hãng tin Kyodo nhận định, thông thường, quá trình đàm phán RAA sẽ mất một năm, nhưng trong bối cảnh căng thẳng hàng hải và cạnh tranh chiến lược gia tăng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, có thể quá trình này sẽ được đẩy lên “nhanh nhất có thể”. Hiện Nhật Bản đã ký kết RAA với Anh và Australia và đang đàm phán với Philippines về một thỏa thuận tương tự.
Ngoài ra, Thủ tướng Kishida và Tổng thống Macron nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực an ninh và kinh tế, ổn định chuỗi cung ứng để đảm bảo nguồn cung đất hiếm và khoáng sản. Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về tăng cường đầu tư vào các công ty khởi nghiệp và hy vọng rằng trao đổi song phương sẽ được tăng tốc hơn nữa khi Pháp là chủ nhà Thế vận hội Paris 2024 còn Nhật Bản tổ chức Triển lãm thế giới tại Osaka vào năm 2025.
Mở rộng ảnh hưởng tại Nam bán cầu
Sự hiện diện của người đứng đầu chính phủ Nhật Bản tại Brazil và Paraguay đánh dấu chuyến thăm đầu tiên tới Nam Mỹ của ông Kishida kể từ khi nhậm chức vào tháng 10/2021. Hội đàm song phương với Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva và Tổng thống Paraguay Santiago Pena, Thủ tướng Kishida khẳng định chính sách của Tokyo muốn tăng cường quan hệ với các quốc gia mới nổi và đang phát triển ở Nam bán cầu, trong đó có Brazil, nước đang là Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế lớn (G20) còn Paraquay là Chủ tịch Cộng đồng thị trường Nam Mỹ (MERCOSUR).
Tokyo cam kết sẽ hợp tác với các nước Nam Mỹ để giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, chênh lệch kinh tế và nghèo đói. Nhà lãnh đạo Nhật Bản cho biết, nước này đã quyết định cung cấp kinh phí cho một chương trình nhằm bảo tồn rừng nhiệt đới Amazon của Brazil, đồng thời giúp các hòn đảo Caribe dễ bị tổn thương trước hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Về mặt kinh tế, Tokyo sẽ tiếp tục thúc đẩy cơ sở hạ tầng chất lượng cao và các dự án hợp tác kinh tế bền vững. Các công ty Nhật Bản đã thành lập hơn 1.000 văn phòng mới ở khu vực Mỹ Latinh trong 10 năm qua và như ông Kishida khẳng định, Nhật Bản sẽ đưa ra “sự hợp tác đa dạng và toàn diện” phù hợp với từng quốc gia.
Tổng kết chuyến công du “vòng quanh trái đất” tại họp báo ở Sao Paolo, Thủ tướng Kishida nhấn mạnh ý nghĩa của việc “thể hiện mạnh mẽ cam kết của chúng ta trong việc duy trì trật tự thế giới dựa trên luật lệ tự do và rộng mở, cũng như mở rộng vòng tròn hợp tác”.
Theo giới quan sát, với các điểm đến ở châu Âu và Mỹ Latinh, chuyến thăm là một cơ hội rất thuận lợi để Tokyo gia tăng ảnh hưởng và vai trò vốn có của mình trong các cơ chế và đối tác quan trọng toàn cầu.