Những ngày 'chạm' vào trái tim trẻ thơ!

Kiến tập sư phạm là giai đoạn vô cùng quan trọng trong quá trình đào tạo của sinh viên sư phạm, đặc biệt là giáo viên mầm non tương lai. Đây không chỉ là yêu cầu bắt buộc trong chương trình học, mà còn là cơ hội giúp sinh viên hoàn thiện bản thân cả về kiến thức và kỹ năng, sẵn sàng trở thành giáo viên thực thụ.

Kiến tập sư phạm - kỷ niệm học nghề khó quên

Kiến tập sư phạm - kỷ niệm học nghề khó quên

Những ngày đầu làm quen với môi trường mới quả thật không dễ dàng. Việc lên lớp, tổ chức hoạt động cho trẻ, chăm sóc từng bé... đều là thử thách lớn đối với sinh viên kiến tập. Ngỡ ngàng, lúng túng trước những câu hỏi ngây thơ của các bé càng không khỏi tránh khỏi.

“Vừa đặt chân đến trường mầm non, trái tim tôi như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Cảm giác ngỡ ngàng, lo lắng xen lẫn niềm háo hức khiến tôi không sao ngủ được. Nhưng khi nhìn thấy những đôi mắt tròn xoe, long lanh của các bé, tôi cảm thấy bình yên lạ thường. Có ai từng nghĩ rằng, chỉ cần một cái ôm, một nụ cười của trẻ thơ cũng đủ chữa lành mọi vết thương trong lòng?” - Nguyễn Thị Thúy Ngân (sinh viên năm 4, ngành Giáo dục mầm non, Trường Đại học An Giang) chia sẻ.

Thời gian kiến tập tại Trường Mẫu giáo Hoa Sen (TP. Long Xuyên) không ngắn cũng không quá dài, đủ để cô sinh viên Thúy Ngân đọng lại vô vàn kỷ niệm. Kỷ niệm ghi nhớ mãi trong tâm trí cô sinh viên năm 4 ấy là hình ảnh bé gái vội vàng chạy đến ôm chân mình, ngây thơ hỏi: “Cô Ngân ơi, cô về hả? Ngày mai, cô Ngân không vào chơi với con nữa hả?”. Lúc đó, bạn vô cùng xúc động, tim như chậm lại một nhịp khi nghĩ đến việc ngày mai này không còn đến lớp vỗ về, chăm sóc, dạy bảo những em bé xinh xắn, ngoan ngoãn này nữa…

Đặc thù của ngành Giáo dục mầm non sẽ có 2 đợt kiến tập: Kiến tập nhà trẻ (năm 3) và kiến tập mẫu giáo (năm 4 của học kỳ I); thực tập rơi vào học kỳ II năm thứ 4. “Mỗi ngày đến trường, tôi đều được chứng kiến khoảnh khắc đáng yêu của các bé. Có bé rất hiếu động, luôn chạy nhảy nô đùa khắp lớp. Có bé lại rất rụt rè, ngại giao tiếp. Nhưng tất cả đều có điểm chung là sự trong sáng, hồn nhiên. Tôi nhớ mãi cảm giác ấm áp khi được các bé ôm chầm, gọi “cô” vào ngày đầu nhận lớp kiến tập” - Trương Thị Ngọc Oanh (sinh viên năm 4) bộc bạch.

“Điều tôi cảm thấy khó khăn trong quá trình kiến tập là cách ứng xử để trẻ chú ý nghe lời, đặc biệt là đối với trẻ có nhu cầu cần hòa nhập (trẻ tăng động giảm chú ý, tự kỷ, rối loạn hành vi). Với sự hướng dẫn tận tình của các cô, kiến thức đã tích lũy trong quá trình học tập, tôi vượt qua khó khăn này bằng cách chú ý đến các con nhiều hơn, tạo điều kiện cho bé tham gia hoạt động tập thể; ân cần hỏi han trò chuyện, khuyên nhủ phù hợp khi các bé có hành vi quá khích... Chỉ 3 tuần kiến tập ngắn ngủi, nhưng tôi hiểu rằng, làm bất cứ việc gì chỉ cần kiên trì và đặt cái tâm chân thành thì sẽ nhận được kết quả tốt” - Ngọc Oanh tâm sự thêm.

Qua thời gian kiến tập, sinh viên đã hiểu hơn về tâm lý trẻ em, về tầm quan trọng của việc tạo ra môi trường học tập vui chơi an toàn, bổ ích cho bé. Đồng thời, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tổ chức, kỹ năng quan sát... Quý giá nhất từ những lần kiến tập, để trở thành giáo viên mầm non tốt, sinh viên phải tích lũy rất nhiều tình yêu thương, thật nhiều kiên nhẫn.

Thuận lợi có, khó khăn cũng rất nhiều, song tất cả đều là trải nghiệm cần thiết để những sinh viên như Thúy Ngân hay Ngọc Oanh thấy mình được gì, thiếu gì, phải phấn đấu hơn nữa trong tương lai. Những giờ tổ chức cho trẻ chơi hoạt động góc; xử lý tình huống trẻ tranh cãi, cắn nhau, hay trẻ đột nhiên kêu đau bụng… Đây chính là những bài học giá trị, thực tế.

“Thời gian kiến tập trôi qua thật nhanh. Giờ đây, khi nghĩ lại những ngày tháng ấy, tôi cảm thấy vô cùng biết ơn. Đó là khoảng thời gian giúp tôi trưởng thành hơn, tự tin hơn và hiểu rõ hơn về con đường mà mình đã chọn. Tôi luôn ghi nhớ kỷ niệm đẹp tại trường mầm non, cố gắng trở thành một cô giáo giỏi, mang đến cho các em nhỏ những điều tốt đẹp nhất!” - Ngọc Oanh trải lòng.

Tin rằng, trải nghiệm kiến tập sẽ là hành trang quý báu để các bạn sinh viên vững tin bước vào chặng cuối - thực tập sư phạm - thật tốt!

PHƯƠNG LAN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nhung-ngay-cham-vao-trai-tim-tre-tho--a409291.html
Zalo