Những 'Ngân hàng máu sống'
Với phương châm 'Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại', nhiều năm qua, các cán bộ, y, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh chính là những 'ngân hàng máu sống'; họ đã kịp thời hỗ trợ bệnh nhân cần truyền máu, giúp người bệnh vượt qua cơn nguy kịch, giành lại sự sống.

Chị Trần Thị Trang Mỹ Linh tham gia hiến máu tình nguyện.
Bác sĩ Trần Thị Lịch, Giám đốc Trung tâm Huyết học - Truyền máu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: Ngay từ đầu năm, bệnh viện đã xây dựng kế hoạch, lập danh sách các y, bác sĩ sẽ tham gia hiến máu tình nguyện. Các thành viên đó không những thường xuyên tham gia phong trào hiến máu tình nguyện mà còn kịp thời thực hiện truyền máu trực tiếp khi bệnh nhân cấp cứu cần máu gấp, giúp nhiều bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch. Là những người làm trong ngành y, nên các y, bác sĩ đã chứng kiến nhiều trường hợp bệnh nhân cần máu, việc hiến máu có thể mang lại sự sống cho người bệnh, nên mọi người đều có chung một tâm niệm luôn sẵn sàng hiến máu bất cứ khi nào người bệnh cần. Bên cạnh đó, Trung tâm Huyết học - Truyền máu còn tổng hợp thông tin, danh sách những người mang nhóm máu hiếm RH - trên địa bàn tỉnh để khi bệnh nhân cần sẽ kêu gọi người có nhóm máu hiếm cho máu khẩn cấp.
Là người thường xuyên tiếp xúc với những trường hợp bệnh nhân cần máu, chị Trần Thị Trang Mỹ Linh, Khoa Xét nghiệm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) hiểu được những giọt máu được truyền kịp thời sẽ góp phần đem lại sự sống cho người bệnh, vì vậy, chỉ cần đủ điều kiện thì chị sẽ tham gia hiến máu. Bản thân chị Linh đã hơn 10 lần tham gia hiến máu tình nguyện, trong đó có 2 lần hiến máu trực tiếp cho bệnh nhân đang cấp cứu. Lần gần đây nhất, chị nhận được thông tin một bệnh nhân mang thai ngoài tử cung, sau khi cắt tử cung, bệnh nhân mất nhiều máu, có thể tử vong nếu không được truyền máu kịp thời. Trong khi những người thân của bệnh nhân đều không đủ điều kiện cho máu, nhận được tin báo, chị Linh ngay tập tức có mặt để truyền máu kịp thời cho bệnh nhân, giúp họ vượt qua cơn hiểm nghèo.
Chị Linh chia sẻ: Mỗi lần hiến máu, tôi cảm thấy lạc quan, yêu đời hơn vì đã làm được một việc có ý nghĩa cho xã hội và quan trọng nhất là lượng máu đó rất có ích cho những người bệnh đang cần được truyền máu để có thể tiếp tục duy trì sự sống. Bản thân tôi đã tham gia hiến máu trực tiếp 2 lần cho những bệnh nhân đang nguy kịch, khi biết họ được cứu sống kịp thời, tôi thấy vui lắm.
Còn chị Hà Thị Khanh, Khoa Xét nghiệm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã không nhớ bản thân bao nhiêu lần tham gia hiến máu tình nguyện. Chị Khanh chia sẻ: Hiến máu là việc làm cần thiết và là nghĩa cử cao đẹp, việc hiến máu không ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn giúp nâng cao sức đề kháng. Tôi thấy, chia sẻ một phần máu của mình để cứu sống người bệnh không chỉ là niềm hạnh phúc mà còn rất thiêng liêng.
Với phương châm hành động, có mặt mọi lúc, mọi nơi, khi nhận tin báo từ bệnh viện cần máu khẩn cấp, nhiều y, bác sĩ có cùng nhóm máu với bệnh nhân sẽ nhanh chóng có mặt để đáp ứng nhu cầu truyền máu cho bệnh nhân. Họ còn vận động người thân, bạn bè tham gia hiến máu tình nguyện nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu hiến máu cho cấp cứu và điều trị người bệnh.
Không cần vinh danh, tặng quà hay chờ hồi đáp cho hành động hiến máu của mình, những “ngân hàng máu sống” tình nguyện ấy chỉ mong cứu được người. Với họ, những giọt máu tình nguyện hiến dâng sẽ đem lại sự sống cho những người kém may mắn, mang đến niềm tin, niềm hi vọng cho sự sống của con người. Đây là một trong những hoạt động mang đậm tính nhân văn, thể hiện sâu sắc đạo lý “thương người như thể thương thân” của dân tộc ta.