Những nét độc đáo của công trình, di tích kiến trúc vừa được TP.HCM xếp hạng
Đền thờ Đức Thánh Trần, Mộ ông Binh bộ kiểm duyệt Ty, Chợ Bến Thành, Trụ sở UBND Q.1 và Cục Hải quan TP.HCM là các công trình kiến trúc tiêu biểu vừa được xếp hạng di tích cấp thành phố.
UBND TP.HCM vừa ban hành các quyết định xếp hạng di tích cấp thành phố đối với các di tích kiến trúc nghệ thuật gồm: Chợ Bến Thành (đường Lê Lợi, P. Bến Thành, Q.1); Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo (số 36 đường Võ Thị Sáu, phường Tân Định, Q.1).
Ngoài ra, TP còn xếp hạng các di tích: Trụ sở Cục Hải quan TP.HCM (địa chỉ số 2 đường Hàm Nghi và số 21 đường Tôn Đức Thắng, P. Bến Nghé, Q.1); Trụ sở UBND Q.1 (45 - 47 đường Lê Duẩn, P. Bến Nghé, Q.1); và mộ ông Binh bộ kiểm duyệt Ty - Thừa vụ lang họ Trần (hẻm 113 đường Trần Văn Đang, Phường 11, Q.3).
Thành phố cũng yêu cầu Sở VH-TT và các địa phương có di tích trên địa bàn thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với 2 di tích trên theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Các công trình này sẽ được khoanh vùng các khu vực bảo vệ trong hồ sơ di tích.
Trước đó ngày 23/11/2023, UBND TP đã công bố thêm 3 di tích lịch sử-văn hóa và 1 bảo tàng loại I gồm: Di tích Căn cứ quận Gò Môn (huyện Củ Chi); Nhà thiếu nhi TP (Q.3); Bệnh viện Mắt TP (Q.3) và Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (Q.3).
Trong số này, Tạp chí du lịch TP.HCM xin giới thiệu cùng bạn đọc 2 công trình di tích tiêu biểu: Đền thờ Đức thánh Trần và Chợ Bến Thành.
Đền thờ Đức thánh Trần được khởi công xây dựng vào năm 1932. Đây là một trong những điểm tín ngưỡng linh thiêng của người dân thành phố. Hằng năm, nơi đây đều tổ chức các ngày lễ lớn, trong đó có lễ giỗ 20/8 âm lịch và lễ kỷ niệm ngày sinh của Hưng Đạo Đại Vương vào Mùng 10 tháng Chạp âm lịch.
Đền thờ xây dựng theo lối kiến trúc hình chữ "đinh" (Hán tự: 丁), diện tích khoảng 200m2. Gồm công trình kiến trúc 5 gian xây bằng vật liệu gỗ kết hợp bê tông cốt thép. Trên diềm cửa khối chánh điện nổi bật với 10 chữ Hán: "Hiển thánh Trần triều Hưng Đạo Đại Vương linh từ" (Đền thờ của bậc hiển thánh linh thiêng là Hưng Đạo Đại Vương họ Trần).
Tên gọi của Chợ Bến Thành được đặt dựa theo vị trí địa lý từ thuở khai hoang mở đất. Vào thế kỷ 17, ngôi chợ được dựng lên bằng vật liệu gạch, gỗ và mái tranh, nằm bên sông “Bến” Nghé gần “Thành” Gia Định (bến sông + thành trì). Ngôi chợ xưa đông đúc, nhộn nhịp, hàng hóa ghe xuồng tấp nập ngày đêm.
Vào năm 1860, người Pháp đã khởi công xây dựng lại khu chợ này tại địa điểm cũ. Công trình lúc đó vẫn được xây với những nguyên liệu như cột bằng gạch, lợp lá và sườn gỗ như cũ. Tiếp đến vào năm 1870, ngôi chợ này lại bị cháy mất một gian, lúc đó chính quyền Pháp mới cho xây dựng lại bằng những vật liệu kiên cố hơn.
Công trình mới được xây dựng trên một cái ao đã được người Pháp cho san lấp. Khu chợ khi đó được thiết kế bề thế hơn với diện tích 13.000 m2, kiến trúc theo dạng nhà lồng 5 gian nối tiếp, gồm các gian: thực phẩm, thịt, cá, hàng ăn uống và tạp hóa...
Chợ gồm 4 cửa chính và 12 cửa phụ, mỗi cửa chính nằm trên một trục đường khác nhau, tỏa đều khắp các hướng, thuận tiện cho du khách gần xa ghé đến tham quan và mua sắm.
Cổng chính nằm trên đường Lê Lợi, xây dựng đồ sộ với tháp đồng hồ bên trên là cửa Nam; các cửa còn lại tương ứng với 3 hướng Bắc và Đông – Tây, trên các trục đường Lê Thánh Tôn – cửa Bắc, Phan Bội Châu - cửa Đông và Phan Chu Trinh – cửa Tây.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử và sau nhiều lần trùng tu sửa chữa, cho tới nay Chợ Bến Thành vẫn giữ nguyên khối kiến trúc xây dựng ban đầu, tạo nên vẻ đẹp cảnh quan đô thị và là điểm checkin được đông đảo du khách trong nước lẫn quốc tế yêu thích mỗi khi có dịp ghé thăm, tham quan du lịch...