Những nạn nhân người Việt mắc kẹt trong trang trại thuốc phiện ở Anh

Bị nhốt ngày đêm, đơn độc và ngạt thở vì khói trong nhà máy cần sa tại Anh, người di cư Việt còn bị những kẻ buôn người dọa giết nếu vụ thu hoạch không thành công.

Theo số liệu từ Bộ Nội vụ Vương quốc Anh, 3.307 người Việt Nam di cư bất hợp pháp từ tháng 1 đến tháng 9/2024, tăng 177% so với năm trước, vượt qua người Afghanistan, Iran và Syria. Những người này chủ yếu vượt eo biển Manche vào Anh bằng thuyền nhỏ.

Họ được cho là nằm trong số những đối tượng dễ bị rơi vào "chế độ nô lệ hiện đại". Chính quyền Anh ghi nhận hơn 1.000 nạn nhân được báo cáo vào năm 2023.

Xuân, 58 tuổi, một người di cư Việt Nam từng mắc kẹt trong một trang trại cần sa tại Anh, kể lại những ngày tháng bị nhốt, đơn độc và ngạt thở vì khói, đôi khi bị những kẻ buôn người đe dọa giết chết nếu vụ thu hoạch không thành công.

Bị nhốt ngày đêm, đơn độc và ngạt thở vì khói trong nhà máy cần sa tại Anh, người di cư Việt còn bị những kẻ buôn người dọa giết.

Bị nhốt ngày đêm, đơn độc và ngạt thở vì khói trong nhà máy cần sa tại Anh, người di cư Việt còn bị những kẻ buôn người dọa giết.

Từ mắc nợ đến bị đẩy vào trại cần sa

Ông James Fookes, thành viên tổ chức phi chính phủ Anti-Slavery International cho biết, những con số đó chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm". Ông nhận định, mạng lưới buôn người giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đã được "thiết lập tốt" đến mức có thể so sánh với "tuyến đường thương mại quốc tế".

Giống như Xuân (nhân vật đã được đổi tên), nhiều người di cư Việt Nam sa vào đường dây buôn người và bị đưa đến các trang trại cần sa ở Anh sau khi mắc nợ ở nhà.

Xuân, ông bố có hai cậu con trai, cho biết bản thân ông nợ "bọn côn đồ" sau khi đầu tư bất động sản thất bại và không có khả năng trả nợ. Những người đó đưa ra cho ông hai lựa chọn: bán nội tạng hoặc đi làm việc ở Anh.

Vào năm 2015, Xuân bay tới Nga, sau đó tới Hà Lan trước khi bắt tàu tới Pháp. Sau đó, ông trốn trong một chiếc xe tải, cùng với khoảng 10 người khác, chủ yếu là người Việt Nam, vượt eo biển Manche.

Cảnh sát tìm thấy họ và Xuân được đưa vào một trung tâm tị nạn trước khi chuyển đến sống với một người cháu trai ở London. Nhưng chuyện không kết thúc ở đó.

Vào mùa xuân năm 2016, khi ông vừa làm thủ tục ở đồn cảnh sát và đang về nhà thì bị hai người lạ mặt đẩy vào một chiếc ô tô. Họ đưa cho ông điện thoại di động. Đầu dây bên kia có tiếng một người đàn ông Việt Nam bảo Xuân "đi theo hai người đàn ông này nếu không sẽ bị bắn chết", ông nhớ lại.

Họ lái xe nhiều giờ về phía bắc nước Anh. “Tôi rất sợ hãi”, Xuân nói.

Sau đó, Xuân phải làm việc tại một nhà kho trong nhiều tháng. Ông xếp dỡ các thùng hàng chứa những loại hàng hóa bí ẩn cùng với những người đàn ông khác. Ông không được phép giao tiếp, cũng không được trả tiền.

"Họ đánh tôi rất nhiều", Xuân vừa khóc vừa nói. "Tôi chỉ cố gắng khỏe mạnh và sống sót với hy vọng một ngày nào đó có thể gặp lại các con".

Cuối cùng, ông bị đưa đến trang trại cần sa. Đó là một ngôi nhà ba tầng bình thường, cây cối mọc khắp nơi ngoại trừ nhà vệ sinh và nhà bếp.

"Tôi ở đó một mình. Những người đưa tôi đến đó kiểm tra tôi hầu như mỗi ngày. Ngôi nhà bị khóa". Xuân phải ngủ trên một tấm nệm trên sàn bếp, chăm chỉ tưới nước và bón phân cho cây cần sa, đảm bảo cây phát triển tốt dưới ánh đèn và trong điều kiện nhiệt độ ẩm ướt 36 độ C.

Xuân bị bệnh vào năm 2021 trong thời kỳ đại dịch và cây chuyển sang màu vàng do bị bỏ bê. "Tôi không thở được, không làm được, không chăm sóc được cây. Tôi sợ nếu không làm tròn nhiệm vụ, họ sẽ đánh chết tôi", Xuân kể.

Một đêm nọ, Xuân trốn thoát bằng cách đập vỡ cửa sổ và chạy đến một nhà ga xe lửa, mua vé đến London. Xuân gục trên phố khi vừa tới thủ đô.

Sau một thời gian nằm viện, Xuân kể cho cảnh sát câu chuyện của mình và được gửi đến Salvation Army, một tổ chức được chính phủ giao nhiệm vụ giúp đỡ các nạn nhân của chế độ nô lệ hiện đại. Tính từ năm 2021, đã có 135 người Việt Nam được tổ chức này tiếp nhận, hầu hết đều ở độ tuổi 30.

Người bị bắt chủ yếu là nạn nhân

Mặc dù Xuân trốn thoát khỏi những kẻ bắt giữ, nhưng tình trạng lao động cưỡng bức thường chỉ chấm dứt khi cảnh sát đột kích vào trang trại.

Một căn nhà trồng cần sa bị phát hiện ở Anh. (Ảnh: Daily Mail)

Một căn nhà trồng cần sa bị phát hiện ở Anh. (Ảnh: Daily Mail)

Các quan chức Anh hôm 10/2 cho biết các đội thực thi luật di trú bắt giữ hơn 600 người trong các cuộc đột kích vào tháng 1/2025, tăng 73% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một phần trong kế hoạch của chính phủ mới nhằm giải quyết tình trạng di cư không có giấy tờ và các băng nhóm buôn người.

Kathy Betteridge, phụ trách chống buôn người và chế độ nô lệ hiện đại tại Salvation Army, giải thích rằng thường nạn nhân là những người bị bắt giữ "vì họ là những người duy nhất ở đó".

Vương quốc Anh và Việt Nam ký một thỏa thuận vào tháng 4/2024 nhằm chống nạn buôn người. Mitsue Pembroke, người đứng đầu Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam, cho biết "Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể" trong việc giúp người dân tránh trở thành nạn nhân của chế độ nô lệ hiện đại.

Xuân hiện đang sống trong một ngôi nhà an toàn ở vùng ngoại ô London, tại một địa chỉ không được tiết lộ. Ông vẫn khó ngủ khi những ký ức ùa về. Ước mơ của ông là được ở lại Vương quốc Anh và để con cái của ông được đoàn tụ với ông.

Nhưng đơn xin tị nạn của ông bị bác bỏ vào năm ngoái và hiện ông đang chờ quyết định kháng cáo.

Phương Anh (Nguồn: Japan Times, AFP )

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nhung-nan-nhan-nguoi-viet-mac-ket-trong-trang-trai-thuoc-phien-o-anh-ar926327.html
Zalo