Những mùa lúa đi qua

'Những mùa lúa đi qua' là những ký ức tuổi thơ dung dị nhưng thấm đẫm tình cảm gia đình. Trong cái nghèo của thời bao cấp, cha - một thương binh mù - vẫn kiên cường làm lụng, mẹ tảo tần gánh vác cả nhà, nuôi con khôn lớn. Những ngày đuổi chim, những đêm ngủ giữa đồng canh lúa, những mùa Tết đơn sơ mà ấm áp… tất cả trở thành miền nhớ khắc sâu trong tim.

Ảnh minh họa: THANH TÙNG

Giọng đọc của AI Nam Minh.

Quê tôi là một vùng nghèo khó thuộc huyện U Minh Thượng (Kiên Giang). Những năm tháng thời bao cấp, cái nghèo đeo bám từng nếp nhà, từng gánh rau, từng bó mạ mẹ cầm. Nhưng trong cái nghèo ấy, tôi và anh trai lớn lên trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, hồn nhiên như cỏ dại sau cơn mưa, chẳng biết đến lo toan.

Cha tôi – một thương binh, đôi mắt đã khép lại sau chiến tranh. Nhưng ông chưa từng cho phép bóng tối cướp đi trách nhiệm của một người trụ cột gia đình. Ông vẫn làm ruộng, vẫn trồng mía, vẫn quờ quạng từng nắm rạ, từng bó lúa mà mẹ gặt xong. Tôi nhớ mãi dáng cha lầm lũi giữa đồng, chiếc nón lá cũ sờn, đôi tay chai sần dò dẫm từng bước đi, nhưng chưa bao giờ cha ngã quỵ. Bóng dáng ấy, giữa cánh đồng chiều, in sâu vào lòng tôi như một vệt khói bếp mỗi khi hoàng hôn buông xuống.

Mẹ tôi – người đàn bà nhỏ bé nhưng gánh trên vai cả gia đình. Những năm tháng ấy, mẹ gầy gò trong chiếc áo bà ba cũ, đôi chân đất lội qua hết đồng này đến rẫy khác. Mẹ làm tất cả mọi việc để lo cho cha, cho anh em tôi. Có những ngày mẹ đi cắt lúa thuê, đôi tay rướm máu vì lưỡi hái bén, có khi mẹ thức trắng đêm vá lại từng bộ quần áo sờn rách cho chúng tôi. Mẹ ít nói, chỉ lặng lẽ làm việc, nhưng trong ánh mắt mẹ là cả một trời tình thương.

Anh em tôi những năm tháng đó còn nhỏ lắm, nào biết gì về những nhọc nhằn ấy. Với chúng tôi, những ngày tháng bên cha mẹ là những chuỗi ngày đầy ắp tiếng cười. Nhớ những buổi sáng trời lạnh căm căm, sương giăng trắng đồng, hai anh em cùng cha mẹ ra đồng đuổi chim. Mới đầu, cái lạnh tê cóng tay chân, nhưng rồi anh em tôi lại vui sướng khi được chạy nhảy trên những thửa ruộng bàng bạc màu sương. Chúng tôi hét vang, cầm cây cờ bịt bọc ni lông vũ tèng tẹt, vỗ tay bồm bộp để lũ chim sẻ, chim ri không sà xuống ăn lúa hoặc đã sà xuống phải giật mình bay lên.

Tôi nhớ những ngày mùa, khi lúa đã chín rộ, mẹ hối hả gặt, cha quơ từng bó lúa nhỏ cột lại thành những bó to để chú Bảy đập lấy hạt. Những buổi chiều, hai anh em tôi háo hức ngồi trên cộ trâu chở lúa bao về nhà. Tiếng cọt kẹt của hai cây đòn cộ ma sát trên mặt ruộng, mặt bờ mẫu tạo thành những vết hằn sâu trong đất. Ngồi trên cộ trâu, anh em tôi hít thở cái không khí có mùi thơm của rơm rạ mà cứ mong đường xa mãi.

Có những mùa, lúa không kịp kéo về nhà, cha mẹ phải giăng lều ngủ giữa đồng. Ấy vậy, nhưng không khí cũng nhộn nhịp lắm, bởi nhà nào cũng phải dựng một cái chòi giữa đồng để canh giữ thành quả thu được sau một năm vất vả. Những đêm ấy, chúng tôi được phép theo cha mẹ ra đồng. Hai anh em nằm co ro trong lều bạt, tấm ga trải trên mặt ruộng, bên dưới được lót bằng rơm cũng bồng bềnh như nằm trên nệm. Chúng tôi quấn chặt cái mền mẹ mang theo, lắng nghe tiếng côn trùng rả rích, cùng tiếng gió lùa qua những vạt lúa chín. Giữa khoảng trời đêm tĩnh lặng, tôi thấy cha ngồi bên bếp lửa nhỏ, đôi mắt mù lòa hướng ra cánh đồng như đang dõi theo một thứ gì đó xa xăm. Mẹ ngồi bên cạnh, thỉnh thoảng lại cầm tay cha, rồi lặng lẽ nhìn chúng tôi. Giờ tôi mới hiểu, có lẽ lúc đó, mẹ cũng đang mơ về những ngày tháng bớt nhọc nhằn hơn.

Những mùa Tết đến, cha mẹ dù không có nhiều tiền, nhưng lúc nào cũng cố gắng cho chúng tôi có một cái Tết đủ đầy nhất có thể. Mẹ chắt chiu từng đồng, may cho mỗi đứa hai bộ quần áo mới và đó cũng là quần áo mà chúng tôi mặc cả năm. Dù đó chỉ là vải thô, rẻ tiền nhưng với chúng tôi nó rất quý giá. Chiều 30 Tết là chúng tôi mặc quần áo mới, chạy tung tăng khắp xóm khoe với lũ bạn. Khi đó, chúng tôi chỉ biết vui, chẳng hề nghĩ rằng, để có được niềm vui đó, cha và mẹ đã phải bươn chải, chắt chiu đôi khi phải nhúng nhịn nhiều thứ.

Bây giờ, tôi đã là một người cha, anh trai tôi cũng đã có gia đình riêng và đã lên chức ông. Cha mẹ vẫn còn đó, nhưng không còn như trước nữa. Cha tôi không còn minh mẫn, đôi mắt mù lòa ngày nào giờ đã chìm sâu hơn vào khoảng lặng. Chân yếu, ông chỉ quanh quẩn trong phòng ngủ. Có những lúc ông ngồi lặng, rồi bỗng mỉm cười vu vơ, có lẽ là nhớ về những ngày xưa cũ, những mùa lúa vàng, những ngày anh em tôi còn bé bỏng chạy nhảy quanh ông. Nhưng rồi, nụ cười ấy nhanh chóng tan đi, nhường chỗ cho một ánh mắt mơ hồ, xa vắng. Có lúc cha khẽ gọi tên tôi, nhưng rồi lại im lặng, như thể đang chìm trong một miền ký ức xa xôi nào đó…

Mẹ vẫn chăm sóc cha như cách bà đã làm suốt mấy chục năm qua, nhưng tôi biết, bà đã mệt mỏi lắm rồi. Đôi tay mẹ gầy guộc hơn, lưng mẹ còng xuống, dáng đi đã không còn nhanh nhẹn như trước. Mẹ vẫn nấu những bữa cơm giản dị, vẫn cặm cụi lo cho bữa cơm gia đình mỗi chiều, nhưng đôi mắt mẹ thi thoảng lại ngước nhìn xa xăm như đang mong ngóng một ngày nào đó, những đứa con có thể lại được ngồi quây quần bên cha mẹ như xưa.

Anh tôi, vì cơm áo gạo tiền, đã phải sống ở một nơi rất xa. Chúng tôi không còn những ngày bên nhau như thuở nhỏ, không còn những buổi ngồi trên cộ trâu cười giòn tan, không còn những đêm nằm giữa cánh đồng nghe tiếng gió rì rào. Chỉ còn lại tôi ở đây, lặng lẽ nhìn cha mẹ già đi từng ngày, lặng lẽ gom nhặt những mảnh ký ức xưa, sợ rằng một ngày nào đó, chúng sẽ dần nhạt nhòa theo thời gian.

Có những ký ức mà suốt đời này cũng không thể nào phai mờ trong tôi. Có những nỗi nhớ mà cho dù có đi qua bao nhiêu năm tháng vẫn dâng trào trong lòng mỗi khi nghĩ về. Cha mẹ đã cho chúng tôi một tuổi thơ tuy nghèo khó nhưng tràn đầy yêu thương, một tuổi thơ mà dù có đánh đổi tất cả, tôi cũng không thể nào tìm lại được.

Một mùa lúa nữa lại đi qua, cha mẹ thêm tuổi già hơn, anh em tôi đã nhiều năm xa cách. Nhưng trong tim tôi, hình ảnh cha với chiếc gậy tre dò dẫm trên cánh đồng, hình ảnh mẹ lặng lẽ bên bếp lửa trong đêm canh lúa, hình ảnh hai anh em quấn quýt bên nhau trong những buổi sáng lạnh trời… sẽ mãi mãi là những điều thiêng liêng nhất.

Tôi chỉ ước, giá như có thể quay lại một ngày nào đó của tuổi thơ, để được chạy nhảy trên cánh đồng quê, để được nghe tiếng cha cười, để được thấy mẹ còn trẻ... Nhưng thời gian như dòng nước trôi đi mãi, chỉ để lại trong tim tôi những ký ức không thể chạm tới.

TRỌNG NGHĨA

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/tan-van/nhung-mua-lua-di-qua-24411.html
Zalo