Những mùa cưới đi qua
Mùa cưới nào cũng nhận tới mấy cái thiệp cưới, có đợt nhận 4 cái thiệp cưới trong một tháng. Đám nào cũng đến dự, chúc mừng một ngày vui trọng đại trong đời người của cô dâu, chú rể. Vậy nhưng, đôi khi giật mình thảng thốt không biết đám cưới nọ kia mới năm ngoái đây mình có tham dự không bởi chẳng có gì để nhớ, để lưu. Vậy mà đám cưới từ vài chục năm trước của thời bao cấp lại nhớ như in.
Thập niên 80 của thế kỷ trước ở phố, nhà nhà khó khăn chạy ăn tính từng bữa nhưng chuyện cưới xin vẫn phải lo toan. Cái thời mà “mình cưới nhau đi anh”, “em lấy anh nhen” chỉ cần về thưa cha mẹ rồi chọn ngày lành tháng tốt nào gần nhất. Không phải theo dõi giá vàng, không lo đi đặt tiệc cưới giành chỗ trước nửa năm, không áo váy lăng xăng cho vài album ảnh trên rừng dưới bể. Cặp nhẫn vàng tây 3 phân cho cô dâu, chú rể đeo lúc làm lễ là nghi thức tối thiểu còn phải đi mượn, nói gì bông tai, dây chuyền. Áo dài cưới cũng vậy, đi mượn hoặc thuê, sang lắm mới đi may cho dù chỉ bằng những loại vải tơ rẻ tiền.
Thiệp cưới ngày ấy được in sẵn bán đầy ngoài tiệm, mua về chỉ điền tên hai họ và ngày giờ tổ chức là xong. Thiệp mời thường ghi rõ tiệc mặn hay ngọt để khách liệu bụng. Hầu hết đám cưới thời ấy được tổ chức tại nhà tự biên tự diễn, dăm ba bàn với vài chục khách, người làm ở cơ quan nhà nước thì có khi xin nhờ tổ chức cái sân của cơ quan. Nhà hàng tiệc cưới là cụm từ không xuất hiện ở thời điểm này, MC dẫn chương trình thì nhờ ai dạn miệng trong họ là ổn. Thỉnh thoảng thấy trai tráng vô trong xóm xin chặt mấy tàu lá dừa về làm cổng là biết có nhà sắp đám cưới. Tiệc mặn còn chút no nê rộn ràng dù chỉ vài ba món nhưng đã là đủ sang, chứ tiệc ngọt chỉ nước trà, thuốc lá và các loại bánh kẹo thanh tao suốt buổi. Đời mình cũng vài lần dự tiệc cưới đãi ngọt thập niên 80, nhớ bánh kẹo khi ấy cũng là hàng công ty xí nghiệp tuồn ra từ mấy cửa hàng thương nghiệp, nhìn bao bì cũng bắt mắt chớ không phải quê mùa kiểu bánh ít, bánh bò.
Đám cưới của mình nhờ có người mẹ giỏi gia chánh nên thích đãi mặn, trưa đãi hai họ, chiều đãi bạn bè vì cái phòng chỉ đủ chứa hơn ba chục khách. Có rượu đóng chai bán ở các cửa hàng mậu dịch, si rô nước đường màu mè tự nấu. Trừ ba món chính thì có thêm món tráng miệng là chuối rim đường dẻo quẹo nguyên trái. Rồi cũng đàn, hát hò, xóm làng bu lại coi ngoài cửa sổ. Những năm đó, Nha Trang cũng có vài tiệm cho thuê đồ cưới và trang điểm cô dâu, phổ biến nhất là áo dài có thêm áo choàng ren bên ngoài, đầu đội khăn đóng hoặc bới tóc cao gắn lọn giả. Nhà trai qua rước dâu sang lắm thì thuê xe lam 3 bánh hoặc dàn xe xích lô, tới đầu ngõ có pháo hồng rộn rã chào đón. Thợ chụp ảnh cưới toàn bị dặn chụp vừa đủ cuộn phim đen trắng 36 kiểu thôi. Thợ chụp xong 3 ngày sau mới đem ảnh tới, xấu đẹp gì cũng ráng chịu, may mà gia chủ được khuyến mãi thêm tấm ảnh phóng lớn 18 x 24cm, mà là bức chân dung cô dâu, chú rể vốn chụp đen trắng được ông thợ ảnh tô màu make-up huyền ảo, ngắm mãi thấy cũng được được.
Khách dự cưới bây giờ chỉ bỏ phong bì vô thùng gọn lẹ trước khi vào dự tiệc hoặc chuyển khoản nếu vắng mặt, chẳng cần cô dâu, chú rể ra chào đón rồi lễ mễ nhận quà như ngày xưa. Quà cưới thời bao cấp khó khăn thuần túy là quà. Quà cưới trước hết phải mang ý nghĩa thiết thực nhưng cũng gói gọn cái tình cái nghĩa. Chắc bây giờ không ai tưởng tượng ra nổi, quà cưới ngày ấy có khi là bộ thau rổ nồi niêu gói bằng giấy hoa cột nơ đẹp đẽ, cái gương soi treo tường, mấy tấm hình cưa lọng khắc gỗ, phích nước, bình hoa, chén bát, cuốn album giấy… Bạn kể, có lần đám cưới của người bạn là cựu chiến binh, vậy là đồng đội cùng nhau góp tiền lại để mua 2 cái lốp xe đạp, xong quấn giấy màu kỹ càng. Tới đám cưới quàng vô cổ tân lang, tân giai nhân thay vòng hoa. Tiệc xong khui quà, bạn mừng muốn khóc, bởi thời đó lốp xe đạp được bán phân phối, xếp hàng chờ duyệt rất lâu.
Đám cưới, nói cho cùng chỉ là một nghi thức ra mắt gia đình bà con họ hàng cùng bạn bè thân quen, không hề là yếu tố quyết định hạnh phúc lâu dài của người trong cuộc nên chung vui thì cũng vui sao cho trọn vẹn mọi bề. Có lần tình cờ chứng kiến đám cưới vô cùng giản dị, ấm áp và sâu lắng của một cặp đôi mà ngưỡng mộ vô cùng. Trong sân vườn nhà, tân lang và tân giai nhân nhẹ nhàng tay trong tay tới từng bàn khách nhận chúc phúc, tiệc nhẹ đủ nhấm nháp, nhạc vừa đủ lâng lâng, không tiếng MC dẫn chương trình và thực khách hát hò trên sân khấu và tất nhiên cũng không có cả thùng đựng phong bì. Và tôi luôn nhớ người mẹ đã mất của mình cũng chỉ được làm đám cưới sau 50 năm chung sống cùng chồng, có với nhau 10 đứa con, gần hai chục đứa cháu, chắt nội ngoại…