Những mô hình '3 trong 1' hiệu quả ở Gò Quao

Để cơ cấu nông nghiệp phát triển theo hướng gia tăng chuỗi giá trị, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng và đẩy mạnh chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp bà con sản xuất nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích. Cùng với đó, huyện Gò Quao còn quy hoạch từng vùng sản xuất phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, trong đó có mô hình đa canh tổng hợp từ trồng dứa, tôm, lúa.

Người dân kiểm tra tôm nuôi tự nhiên ở kênh, mương. Ảnh: Ái Vân

Người dân kiểm tra tôm nuôi tự nhiên ở kênh, mương. Ảnh: Ái Vân

Vĩnh Phước A có địa hình tách biệt với các xã giáp ranh trên địa bàn, được bao bọc bởi 2 con sông Cái Lớn và Cái Tạo. Xã có 3.028ha đất nông nghiệp, diện tích cây dứa chiếm hơn 2.800ha, được thực hiện theo mô hình đa canh tổng hợp, trên liếp trồng dứa, giữa những liếp dứa bà con tận dụng diện tích mặt nước nuôi tôm sú theo hình thức nuôi thiên nhiên, còn khoảng mé liếp cây dứa, bà con tân dụng để cấy lúa mùa và canh tác theo phương pháp hữu cơ. Những năm gần đây, giá dứa ở mức ổn định, khoảng 12.000 đến 13.000 đồng/trái. Mô hình này hoàn toàn không dùng phân và thuốc hóa học, không dùng thuốc bảo vệ thực vật, mà chỉ bón hữu cơ gồm cả dứa, tôm và lúa.

Để giúp bà con nông dân nuôi tôm theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao năng suất chất lượng và hiệu quả kinh tế, từ năm 2020, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Quao triển khai mô hình nuôi tôm sú tại xã Vĩnh Phước A và chuyển giao quy trình kỹ thuật tiên tiến nuôi tôm sú 2 giai đoạn cho các xã ở huyện Gò Quao. Hơn 3 tháng nuôi dưỡng, thử nghiệm, năng suất tôm sú đạt hơn 60kg/ha, lợi nhuận trung bình trên mỗi ha hơn 6 triệu đồng.

Huyện Gò Quao xác định mô hình đa canh tổng hợp được định hướng là mô hình phát triển kinh tế bền vững. Do đó, Vĩnh Phước A đã tranh thủ xây dựng đê bao khép kín, phát triển kinh tế tập thể, hoàn thiện xác lập mã vùng trồng cho 1 vùng lúa và 4 vùng khóm, với 94 hộ dân tham gia, diện tích 125ha, mã nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ có 513 hộ. Hiện, cù lao Vĩnh Phước A đang có hơn 100 hộ canh tác theo tiêu chuẩn VietGap, 2 hợp tác xã hoạt động hiệu quả, đó là Hợp tác xã khóm - tôm Phước An và Hợp tác xã Thiện Trung, mỗi hợp tác xã có gần 60 xã viên, với hơn 100ha đất canh tác.

Từ khi hợp tác xã được thành lập, có điều lệ, có quy chế hoạt động, quy chế tài chính và nhận được sự quan tâm, đồng hành của các cấp, ngành nông nghiệp của địa phương, hợp tác xã đã khắc phục được những hạn chế, hình thành thói quen sản xuất, hoạt động tập thể cho người dân, từ đó, năng suất, chất lượng làm ra ngày càng cao hơn, từng bước khẳng định giá trị, thương hiệu sản phẩm của hợp tác xã. Các mô hình trồng đa canh, tổng hợp trên địa bàn huyện Gò Quao bước đầu đã mang lại hiệu quả cao, bền vững. Đây cũng là mô hình phù hợp để tái cơ cấu vì mục tiêu phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.

Gia đình chị Nguyễn Thị Luyên, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao là một điển hình. Năm 2020, chị cải tạo 2,4ha đất vườn tạp, trồng xen canh các loại cây dứa, mít đỏ, mít Thái, bòn bon, măng cụt, sầu riêng, dâu... do khu vườn của chị nằm trong vùng nhiễm phèn và có nguy cơ xâm nhập mặn vào mùa khô hạn, vì vậy, những giống cây trồng đều được chị nghiên cứu, tìm hiểu để chọn trồng sao cho phù hợp với điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng. Sau 4 năm, các loại cây trồng đã cho thu hoạch; riêng cây dứa, chị đã thu hoạch được 3 năm, trung bình mỗi năm hơn 10.000 quả, thu nhập hơn 110 triệu đồng/năm. Chị Luyên chia sẻ, tôi chọn trồng dứa để lấy ngắn nuôi dài, nguồn thu nhập từ dứa để mua phân bón, trả tiền nhân công. Tôi thấy vui vì các loại cây trồng đều thích nghi với vùng đất và khí hậu ở địa phương và đều cho thu hoạch.

Thị trường dứa luôn ổn định, được tiêu thụ ở thị trường của thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Ngoài trái dứa, thì cây dứa giống cũng được các hợp tác xã đứng ra bao tiêu để bán cho tỉnh Long An và các tỉnh lân cận khác. Giống lúa mùa trước kia trồng xen canh chỉ để làm lương thực cho gia đình thì nay, giống gạo này đã trở thành đặc sản địa phương. Do những sản phẩm được nuôi, trồng hữu cơ nên toàn sản phẩm sạch, do đó, đầu ra được tiêu thụ dễ dàng, giá trị kinh tế cao. Trước nay, bà con chỉ thu nhập độc canh từ cây dứa, đến nay, có thêm thu nhập từ tôm, từ cây lúa nên nguồn thu cũng ổn định hơn, không bị gián đoạn mà còn tăng lên nhờ mô hình đa canh "3 trong 1" này.

Hiện nay, mô hình đã được nhân rộng từ 50 đến 70% diện tích đất trồng dứa của địa phương, cây dứa, con tôm được đánh giá là cây trồng, vật nuôi có đặc tính phù hợp cho mô hình sản xuất đa canh tổng hợp ở một số xã của huyện Gò Quao và có thể xem đây là mô hình sản xuất sinh thái cho hiệu quả cao trên cùng diện tích đất canh tác. Thu nhập bình quân của người dân trên 1ha sau một năm, trừ hết các khoản chi phí, đầu tư cho sản xuất, bà con còn thu được lợi nhuận từ 90 đến trên 100 triệu đồng.

Để mô hình phát triển bền vững, huyện Gò Quao cũng quan tâm đến các sản phẩm cần có chứng nhận an toàn, tiêu chuẩn VietGap, xa hơn nữa là ứng dụng sản xuất sản phẩm theo hướng hữu cơ. Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, minh bạch trong quá trình sản xuất để tạo niềm tin với người tiêu dùng, từ những yếu tố đó sẽ giúp người dân kết nối được với thị trường, doanh nghiệp để thu mua, bao tiêu sản phẩm.

Mô hình trồng xen canh dứa, lúa, tôm ở Vĩnh Phước A, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Ái Vân

Mô hình trồng xen canh dứa, lúa, tôm ở Vĩnh Phước A, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Ái Vân

Ông Nguyễn Văn Hận, Giám đốc Hợp tác xã khóm - tôm Phước An cho biết: "Khi chưa thành lập hợp tác xã, người dân canh tác không tập trung, đất ai người đó canh tác nên năng suất chất lượng không cao. Sau khi thành lập hợp tác xã thì bà con canh tác theo tập thể, ứng dụng khoa học kỹ thuật nên sản phẩm làm ra đạt chất lượng, năng suất cao hơn và được người tiêu dùng đón nhận".

Các mô hình sản xuất đa canh tổng hợp là mô hình đặc trưng phù hợp với vùng sinh thái ở một số xã của huyện Gò Quao, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và cho hiệu quả kinh tế cao so với độc canh cây dứa. Chính vì vậy, những năm qua, mô hình này đã giúp nông dân có thêm việc làm, nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích, nhiều hộ thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng.

Để mô hình phát triển bền vững và mang lại hiệu quả bền vững, thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Quao sẽ tiếp tục cùng với chính quyền địa phương, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đúng theo quy hoạch và quy trình sản xuất, không để mô hình chuyên tôm sẽ làm cho đất bị cằn cỗi, nhiễm bệnh, hiệu quả mang lại không cao. Cùng với đó, hoàn thiện hệ thống cống, đập ngăn mặn ở ven sông Cái Lướn phục vụ cho sản xuất vụ tôm, vụ lúa. Liên kết sản xuất giúp ổn định các khâu nuôi trồng cũng như tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Hy vọng rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, cùng tinh thần lao động trách nhiệm của nhà nông, mô hình đa canh "3 trong 1" khóm, tôm, lúa sẽ vươn xa, khẳng định được thương hiệu và nâng tầm giá trị. Đó sẽ là triển vọng để vùng đất cù lao Vĩnh Phước A biệt lập, cách trở, sẽ có bước tiến chuyển mình theo hướng hiện đại hóa.

Ái Vân

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-mo-hinh-3-trong-1-hieu-qua-o-go-quao-post481626.html
Zalo