Những mẫu ô tô Nga 'huyền thoại' một thời gắn bó với người Việt Nam

Xe ô tô Nga từng là một hình ảnh quen thuộc của người Việt Nam trong thập niên 1980 và đầu 1990 của thế kỷ trước. Thậm chí có mẫu xe còn là mơ ước lớn của nhiều người dân sống ở đô thị.

Ô tô Nga dường như là những cái tên không mấy quen tai đối với thế hệ trẻ từ 9X trở lên bởi hầu hết, chúng đều đã vắng bóng trên đường phố hơn 2 thập kỷ.

Tháng 3/2017, một doanh nghiệp đã nỗ lực đưa thương hiệu UAZ trở lại bán ở Việt Nam với 3 mẫu xe, nhưng sự cố gắng này cũng chỉ kéo dài chưa đến 1 năm do thiếu chiến lược kinh doanh và ế ẩm bởi giá xe còn cao.

Mặc dù ngày nay xe ô tô du lịch đến từ nước Nga trở thành "của hiếm", nhưng trong ký ức của nhiều người Việt tuổi U40 trở lên, những chiếc xe của các thương hiệu UAZ, Volga, Gaz, Lada,... vẫn tồn tại như một thời vang bóng..

Dưới đây là một số mẫu xe đã từng rất phổ biến tại Việt Nam.

UAZ-469

Chiếc xe SUV địa hình UAZ-469 có lẽ là hình ảnh khó quên và dễ nhớ nhất về một thời ô tô Nga phổ biến ở Việt Nam. Đơn giản vì vào thập niên 1970, 1980 của thế kỷ trước, chỉ có xe UAZ-469 là dễ dàng lăn bánh khắp mọi nơi trên cả nước nhờ đặc điểm máy khỏe, gầm cao, hai cầu. Hơn nữa, mẫu xe này được dùng nhiều trong quân đội và cả nhiều cơ quan nhà nước.

Bước sang thập niên 90, khi đất nước mở cửa kinh tế và ô tô Nhật, Đức, Mỹ bắt đầu xuất hiện, thì sự tồn tại của UAZ-469 vẫn không hề mất đi. Nhiều người dân đã tranh thủ mua thanh lý xe công UAZ-469 để sử dụng do mẫu xe này khá dễ sửa, phụ tùng dễ kiếm và nhất là giá rẻ.

UAZ-469 được một người chơi xe địa hình sử dụng để đua tài cùng các mẫu xe đời mới. Ảnh: Phạm Diên.

UAZ-469 được một người chơi xe địa hình sử dụng để đua tài cùng các mẫu xe đời mới. Ảnh: Phạm Diên.

UAZ-469 có kích thước dài 4,025m, rộng 1,785m và cao 2,05m, cùng chiều dài cơ sở 2,38m. Tổng thể xe nặng khoảng 1.650kg, mang được 2 bình xăng với tổng dung tích 78 lít. Xe dùng động cơ dung tích 2.450cc, công suất 75 mã lực, mô-men xoắn 166,7Nm, đi cùng có hộp số tay 4 cấp và hộp số phụ cài cầu.

Xe UAZ-469 ở Việt Nam phần lớn được sản xuất từ năm 1973, nhập khẩu trực tiếp từ Liên Xô. Sau này, vào năm 2002, công ty UAZ đã ký hợp đồng chuyển giao công nghệ lắp ráp cho Công ty Cơ khí Ô tô xe máy Thanh Xuân, thuộc Bộ Công an, nhưng số lượng xuất xưởng không nhiều và chỉ sản xuất trong thời gian ngắn.

Năm 2017, một doanh nghiệp ở Hà Nội đã đưa về bán mẫu xe Hunter - thế hệ mới của dòng 469, nhưng giá khá đắt đỏ, lên tới 460 triệu đồng. Hiện mẫu xe UAZ-469 vẫn có thể tìm thấy ở các tỉnh thành phía bắc với giá khá rẻ, chỉ vài chục triệu đồng.

Lada Niva

Nếu như UAZ-469 được dân chơi xe địa hình một thời ở Việt Nam coi là "chiến binh" không ngại đường khó, thì Lada Niva lại ở vị thế khác. Lada Niva thuộc nhóm SUV cỡ nhỏ, xuất hiện nhiều ở Đông Âu, Nam Mỹ và Trung Đông từ năm 1977.

Tại Việt Nam, Lada Niva phần lớn là các xe sản xuất từ năm 1986 và được nhập khẩu về nước cho đến đầu thập niên 90. Xe có kích thước khá nhỏ bé, dài 3,74m, rộng 1,68m và cao 1,64m, cùng chiều dài cơ sở 2,2m, chỉ nhỉnh hơn một chút so với mẫu xe đô thị KIA Morning ngày nay.

Dù có nhiều biến thể động cơ nhưng Lada Niva nhập vào Việt Nam chỉ dùng loại 1.6L, công suất 75 mã lực đi cùng hộp số sàn 4 cấp. Phần lớn xe có sẵn bộ số tay cài cầu 4x4, nhưng theo thời gian, nhiều người dùng đã tháo cầu trước chỉ để lại cầu sau với mục đích tiết kiệm xăng.

Lada Niva. Ảnh: Wikipedia

Lada Niva. Ảnh: Wikipedia

Lada Niva là một trường hợp đặc biệt của ô tô Nga khi có thiết kế gọn gàng, nam tính và động cơ tiết kiệm nhiên liệu nên khi bước sang thập niên 90 và cả đầu thế kỷ 21, vẫn nhiều người Việt tìm mua sử dụng. Tuy nhiên, chỉ khoảng chục năm trở lại đây, Lada Niva dần biến mất và rơi vào dĩ vãng do không thể cạnh tranh được với lượng lớn xe cũ Nhật, Hàn giá rẻ, bền xuất hiện trên thị trường. Giá một chiếc Lada Niva đời 1986 chỉ khoảng 20 triệu đồng.

Volga M-24

Volga là một trong 3 thương hiệu xe Liên Xô (Volga, Lada, UAZ) đọng lại nhiều trong tâm trí người Việt thuộc thế hệ đã đi qua chiến tranh. “Volga bộ trưởng, Lada cục trưởng” là câu nói truyền miệng như khắc họa trọn vẹn cái thời mà cách đây hơn 40 năm, là tiêu chuẩn của những cán bộ cấp cao được hưởng. Trong đó, chiếc Volga M-24 thời bấy giờ được sánh ngang Mercedes-Benz E-Class hay Toyota Camry ngày nay.

Nếu như giai đoạn từ 1956 đến 1970, chiếc Volga M-21 (hay còn gọi là Gaz-21) phát triển qua 3 thế hệ mang dấu ấn thiết kế bên ngoài học hỏi nhiều từ xe của người Mỹ như đèn tròn, đuôi cụp dốc thì bước sang Volga M-24 (từ 1970 đến 1985), chiếc xe mới thực sự mang dấu ấn của người Nga.

Volga M-24 đời 1973 của một người sưu tầm xe ở Thanh Hóa. Ảnh: Vũ Ngọc.

Volga M-24 đời 1973 của một người sưu tầm xe ở Thanh Hóa. Ảnh: Vũ Ngọc.

Thế hệ đầu tiên Volga M-24 (1970—1975) cũng là đời xe được dùng nhiều tại Việt Nam. Xe có những đặc điểm như trục cơ sở dài, ghế xô với chân đế thấp hơn và mái bằng nên khá rộng rãi bên trong, ngồi 5 hoặc 6 hành khách thoải mái. Chính đặc điểm này khiến Volga M-24 vẫn được coi là "của quý", là đẳng cấp xe Nga mà các "đàn em" giá rẻ hơn sau này nhập nhiều về Việt Nam như Lada khó có thể bì được.

Động cơ xe Volga M-24 là loại 4 xilanh, chế hòa khí đôi, dung tích 2.445cc sản sinh công suất cực đại 95 mã lực. Xe chỉ có một hộp số tay 4 tốc độ.

Cho đến thời điểm hiện tại, Volga M-24 vẫn là một mẫu ô tô Nga có giá trị sưu tầm cao ở Việt Nam. Với xe còn đẹp, giá có thể lên tới 200 triệu đồng.

Lada 1600

Chiếc ô tô con hình bao diêm vuông vức Lada 1600 (hay còn được người Việt gọi là Lada 2106 do nó còn được đặt tên ở Nga là VAZ-2106) gần như khá phổ biến trong giai đoạn cuối thập niên 1980 và đầu 1990 ở Việt Nam.

Đây là chiếc ô tô con dùng cho mục đích dân sự nhiều nhất bởi có đến 3/4 sản lượng Lada 2106 được xuất khẩu ra khỏi lãnh thổ Liên Xô, trở thành nguồn thu ngoại tệ lớn cho nền kinh tế khó khăn của Liên Xô. Mẫu xe này cũng được sử dụng làm hàng hóa trao đổi tại một số nước.

Lada 1600 hay còn gọi là Lada 2106. Ảnh: Nguyễn Bảo

Lada 1600 hay còn gọi là Lada 2106. Ảnh: Nguyễn Bảo

Sự phổ biến của mẫu xe này đến từ cấu hình tiết kiệm mà Lada 2106 sở hữu. Chiếc xe này có 4 chỗ ngồi, dài 4,09m, rộng 1,61m, và cao 1,37m, cùng chiều dài cơ sở 2,425m, trọng lượng nhỉnh hơn 1 tấn. Đi cùng với đó là động cơ 1.6L, công suất 75 mã lực và hộp số sàn 4 cấp. Mức tiêu hao nhiên liệu của xe trong phố chưa đến 10 lít, lại nhỏ bé dễ luồn lách nên rất được ưa chuộng để làm phương tiện chở khách.

Đến nay, Lada 2106 gần như kiếm "đỏ mắt" cũng khó tìm thấy còn lành lặn chạy trên đường phố Việt và chỉ tồn tại ở những người thích sưu tầm xe Liên Xô. Cách đây gần 20 năm, mẫu xe này thường được mua lại để tập lái do giá chưa đến 20 triệu đồng, nhưng càng về sau, xe cũ giá rẻ của Hàn Quốc đã dần thay thế mục đích tiêu dùng này.

UAZ-450/452

Năm 1958, nhà máy UAZ cho ra đời mẫu xe tải nhẹ và xe van UAZ-450, đến năm 1965 thì ra mắt biến thể xe chở khách UAZ-452. Với kiểu dáng 2 đầu tròn và thân dài, chiếc xe này từng được ví von như dòng microbus của Volkwagen.

UAZ-452 được Liên Xô viện trợ cho Việt Nam vào thời kỳ cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, sau đó tiếp tục được sử dụng nhiều trong giai đoạn xây dựng đất nước sau chiến tranh. Phần lớn số xe này được biên chế trong quân đội làm xe cứu thương, ngoài ra còn dùng cho bưu điện, ngành điện lực. Đến thập niên 1990, nhiều xe UAZ-452 thanh lý lên các tỉnh miền núi dùng để chở khách, vận chuyển nông sản.

UAZ-452. Ảnh: Wikipedia

UAZ-452. Ảnh: Wikipedia

Tương tự UAZ-469, dòng xe UAZ-452 là loại xe 2 cầu có tính việt dã cao, hoạt động tốt trên các địa hình xấu, lại chở được nhiều người (8 chỗ), khi gập ghế có thể tận dụng mang nhiều hàng hóa.

Xe dài 4,44m, rộng 1,94m, cao 2,24m, trọng lượng 1.900kg. Xe được trang bị động cơ xăng dung tích 2.445 cc, công suất 90 mã lực, hộp số sàn 4 cấp và có cần số cài cầu.

Ngày nay do nhiều yếu tố, đa phần những chiếc UAZ-450/452 đã không còn được sử dụng nữa, và chỉ còn lại số ít trong quân đội hoặc ngành điện lực.

Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Đình Quý

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nhung-mau-o-to-nga-huyen-thoai-mot-thoi-gan-bo-voi-nguoi-viet-nam-2292916.html
Zalo