Những 'mất mát' niềm tin
Sau 'kẹo rau củ Kera', vụ việc đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với quy mô cực lớn bị các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an phát hiện, triệt phá khiến dư luận bàng hoàng. Không dừng lại ở câu chuyện mất tiền thật - mua hàng giả, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, ở đó còn là câu chuyện 'khủng hoảng' niềm tin với những người được cho là... nổi tiếng.

Minh họa: BH
1. Chị Lan là hàng xóm nhà tôi. Gia đình chị có hai con nhỏ đang tuổi lớn. Anh chị đều làm công nhân trong khu công nghiệp gần nhà, thu nhập không dư dả song anh chị luôn cố gắng mua những thứ được cho là tốt cho các con sử dụng. Bé đầu nhà chị học lớp 5, so với bạn bè cùng lớp thì cháu có phần nhỏ hơn. Lo lắng con sau này thấp còi, chị Lan không tiếc tiền mua cho con những loại sữa đắt tiền được quảng cáo là tốt cho sự phát triển của trẻ. Vậy nên, nghe thông tin về sản phẩm sữa giả, sữa kém chất lượng, chị Lan không khỏi bức xúc. Chị bảo, để có tiền mua cho con hộp sữa, mình phải “bóp mồm, bóp miệng".
Ông Quý, sống cạnh nhà chị Lan cũng góp lời, kể rằng. Hôm trước, ông đưa vợ ra Hà Nội phẫu thuật. Bệnh nhân vừa mới phẫu thuật xong, còn chưa ăn uống được gì thì ông đã được một nhân viên y tế “chỉ định” đi mua sữa về cho người bệnh. Ông Quý bức xúc: "Người ta nói nhiều về loại sữa ấy, bảo rằng tốt lắm, còn hướng dẫn phải đến đúng địa chỉ để mua rồi “dúi” cho tôi tờ giấy ghi tên sữa. Nhưng khi giở ra thì tôi chỉ thấy trên đó một ký hiệu nguệch ngoạc. Hỏi ra thì người ta nói, cứ mang xuống đúng địa chỉ, cửa hàng tự khắc biết để bán... Giờ nhìn lại nhãn hiệu mới biết mình đã mua phải sữa giả".
Người có bệnh vốn đã khổ nhưng vẫn bị những kẻ tham lam lợi dụng, bất chấp để kiếm tiền thì đó là điều không thể chấp nhận. Đáng giận hơn là những người tiếp tay cho hàng giả đến với người tiêu dùng.
2. Kết quả điều tra bước đầu của cơ quan công an xác định, liên quan đến đường dây sản xuất sữa giả có gần 600 nhãn hiệu sữa các loại. Các loại sữa “nhắm đến” đối tượng sử dụng là người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non - thiếu tháng, phụ nữ có thai... Đi kèm với đó là những quảng cáo “có cánh”, hoàn toàn không có trong thành phần thực tế của sản phẩm.
Sau khi vụ việc về đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa giả bị phát hiện, ngoài trách nhiệm của cơ quan quản lý, người tiêu dùng cũng đặt câu hỏi về nhiều sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng đang tiêu thụ trên thị trường hiện nay, do những người nổi tiếng quảng cáo. Đi liền với đó là những nghi vấn về chất lượng thực sự của sản phẩm.
Người dân vốn cả tin. Đặc biệt giữa vô vàn sản phẩm cùng loại trên thị trường thì một sản phẩm được người có tiếng quảng cáo dĩ nhiên dễ lấy được niềm tin của người sử dụng. Khi bạn, tôi hay ai đó mua một sản phẩm được quảng cáo về công dụng, điều quyết định khiến người tiêu dùng bỏ tiền mua sản phẩm chưa hẳn là ở những công bố thành phần, mà là “niềm tin” với người đứng ra quảng cáo sản phẩm. Người tiêu dùng vẫn biết rằng, dù được trả tiền để quảng cáo, nhưng sao người ta có thể “nói không thành có”?!
Mua phải sản phẩm giả, chất lượng kém, người tiêu dùng không chỉ mất tiền, mang nỗi lo về sức khỏe, mà còn cả những “mất mát” về niềm tin - niềm tin với những người từng được người dân tin tưởng...