Những mái trường hạnh phúc đem lại đổi thay cho môi trường giáo dục
Khi áp lực học hành lớn, những biến động tâm sinh lý của lứa tuổi và phức tạp trong xã hội có thể 'lôi kéo' học sinh xa rời học đường. Mô hình 'trường học hạnh phúc' chính là một trong những giải pháp cân bằng giữa học-chơi-phát triển kỹ năng, năng khiếu.

Học sinh Trường trung học phổ thông Việt Đức phấn khởi tham gia các hoạt động ngoại khóa. (Ảnh SƠN TÙNG)
Kế thừa những phong trào, hoạt động truyền thống, kết hợp những cách làm mới, sáng tạo, “trường học hạnh phúc” đã đem lại nhiều thay đổi tích cực cho môi trường giáo dục trên địa bàn Hà Nội.
Những ngày cuối của năm học, trên sân Trường trung học phổ thông (THPT) Việt Đức, nhiều em học sinh chụp ảnh lưu niệm trước ngày tan trường. Trong khi một số bạn “tạo dáng”, gần chục “tay máy” xúm lại tìm góc chụp đẹp.
Nhiều hoạt động lôi cuốn học sinh
Đó chính là buổi chụp ảnh lưu niệm kết hợp thực tập làm “nhiếp ảnh gia” của các thành viên Câu lạc bộ (CLB) Nhiếp ảnh. Nếu vào fanpage riêng của CLB, ai cũng ngạc nhiên trước những sản phẩm của các em. Không chỉ sáng tác về trường, về lớp, những tác phẩm của các em về cuộc sống, vẻ đẹp cảnh quan cũng rất phong phú. Đây chỉ là 1 trong 26 CLB của trường, từ phát triển kỹ năng, hỗ trợ học tập như: Lãnh đạo trẻ, Tranh biện, Báo chí... cho đến các CLB nghệ thuật như: Điện ảnh, Văn nghệ, Mỹ thuật…
Phó Hiệu trưởng Trần Thị Quỳnh Hoa cho biết: Các hoạt động ngoại khóa vừa tạo sức hút với học sinh, vừa giúp các em phát triển kỹ năng sống và năng khiếu. Khi thành phố ban hành các tiêu chí xây dựng “trường học hạnh phúc”, nhà trường phát huy những hoạt động có từ trước đó, bổ sung những hoạt động mới. Hoạt động của các CLB được phát huy với sự hướng dẫn của đội ngũ giáo viên.
Để học sinh hạnh phúc đến trường không chỉ là trách nhiệm của giáo viên. Ngay từ cổng trường, các bác bảo vệ cũng đón các em bằng nụ cười. Đó cũng là cách để giáo dục các em về văn hóa ứng xử. Hầu như ngày nào trong trường cũng diễn ra hoạt động của các CLB, kể cả dịp cuối tuần.
Những ngày cuối năm học, cùng lúc ban nhạc BG70 của trường đoạt Giải nhất Liên hoan các ban nhạc học sinh THPT thành phố, hai em học sinh của trường cũng lên đường sang Mỹ tham dự Hội thi khoa học kỹ thuật. Bởi thế, Trường THPT Việt Đức được nhiều người ví là “học đỉnh-chơi đỉnh”.
“Trường học hạnh phúc” là khái niệm được UNESCO đưa ra hơn 10 năm trước. Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong thực hiện mô hình này. Từ năm học 2024-2025, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chính thức ban hành 15 tiêu chuẩn cụ thể được chia làm 3 nhóm: Môi trường, Dạy học và hoạt động giáo dục, Con người. Hệ thống trường mầm non có 12 tiêu chí riêng.
Các tiêu chí đều chú trọng môi trường thân thiện, đoàn kết, an toàn; học sinh được thụ hưởng hình thức giáo dục phù hợp, tạo hứng thú, phát huy năng lực; các hoạt động hướng tới giá trị chân-thiện-mỹ; giáo viên, học sinh được tôn trọng, lắng nghe, được trang bị giá trị sống, kỹ năng sống... Tất cả hướng tới mục tiêu cao nhất là học sinh cảm thấy hạnh phúc, được phát triển toàn diện. Các tiêu chuẩn được triển khai trên toàn thành phố.
Tại Trường THPT Hoàng Cầu (quận Đống Đa), với phương châm “Lớp học hạnh phúc-Mỗi ngày một niềm vui”, mỗi lớp đều có một trang fanpage để chia sẻ về những câu chuyện tích cực, lời nhắn gửi yêu thương giữa thầy cô-học sinh và học sinh với nhau, những tấm gương tiến bộ trong học tập, rèn luyện.
Với phong trào “Ngày thứ sáu xanh”, cứ vào ngày thứ sáu hằng tuần, toàn trường ra quân vệ sinh trường lớp, mỗi lớp tự quản lý khu vực cây xanh, chậu hoa riêng để tăng sự gắn bó.
Ở mô hình “Tham vấn học đường-Đồng hành cùng bạn”, đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm và chuyên gia hợp tác định kỳ hỗ trợ và tham vấn cho học sinh… Nhà trường tổ chức các hội thảo như: “Giáo viên chủ nhiệm với kỹ năng xây dựng lớp học hạnh phúc”, “Tình yêu thương - Nền tảng xây dựng lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc”, “Chúng em cùng thầy cô xây dựng lớp học hạnh phúc…”.
Chị Trương Quỳnh Anh, đại diện Hội Cha mẹ học sinh Trường trung học cơ sở (THCS) Giảng Võ (quận Ba Đình) chia sẻ: “Các con ở lứa tuổi có nhiều biến động tâm sinh lý, nên chúng tôi thường lo lắng các con có thể sao nhãng việc học, rồi sa vào hoạt động không lành mạnh. Với mô hình Trường học hạnh phúc, các con được học kỹ năng cần thiết, được tham gia nhiều hoạt động văn-thể-mỹ. Bản thân tôi phát hiện ra con mình có năng khiếu mỹ thuật qua hoạt động tại trường. Chúng tôi yên tâm hơn mỗi ngày con cái đến trường”.
Tại khu vực ngoại thành, các hoạt động xây dựng “trường học hạnh phúc” cũng diễn ra phong phú. Thay vì áp đặt, các trường học đều chú ý đến tâm tư, nguyện vọng của các em. Các huyện như: Ba Vì, Đan Phượng, Gia Lâm… đều tổ chức diễn đàn “Điều em muốn nói”. Qua diễn đàn, học sinh được giải tỏa những căng thẳng trong thi cử, giải đáp những thắc mắc trong cuộc sống, giáo viên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các em, từ đó có giải pháp giảng dạy phù hợp.
Thiết thực xây dựng văn hóa con người Hà Nội
Hà Nội tự hào với nếp ứng xử thanh lịch, văn minh. Trong xây dựng Trường học hạnh phúc, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu thực hiện tốt Quy tắc ứng xử của thành phố, Quy tắc ứng xử của ngành. Tiêu chuẩn này được cụ thể hóa thông qua triển khai Bộ tài liệu Giáo dục nếp sống thanh lịch văn minh; các hoạt động giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương; các cuộc thi về văn hóa-lịch sử…
Nổi bật trong số đó là cuộc thi “Đại sứ du lịch” dành cho học sinh THCS năm học 2024-2025. Các em tham gia các phần thi: Trò chơi dân gian, Tìm hiểu kiến thức về Hà Nội, Em làm hướng dẫn viên du lịch.
Riêng trong phần thi Em làm hướng dẫn viên du lịch, các em được lựa chọn một trong các chủ đề: Lịch sử, danh lam-thắng cảnh, ẩm thực, làng nghề truyền thống, văn hóa truyền thống… để tìm hiểu, từ đó vừa giới thiệu những địa chỉ du lịch nổi bật của Thủ đô, vừa lựa chọn để giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của địa phương mình.
Như học sinh quận Long Biên lựa chọn giới thiệu về trò chơi kéo co ngồi tại đình Trấn Vũ; học sinh quận Hoàn Kiếm giới thiệu về chợ Đồng Xuân, khu phố cổ; học sinh trên địa bàn huyện Thanh Oai có màn trình diễn về đền Nội Bình Đà, nơi thờ Lạc Long Quân…
Sức lan tỏa của cuộc thi là rất lớn khi 100% các trường THCS trên địa bàn thành phố tham gia. Em Phạm Gia Huy, học sinh lớp 7A2 Trường THCS Linh Đàm (quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Cuộc thi “Sứ giả du lịch” đã giúp em có những trải nghiệm thú vị với bạn bè. Trong các phần thi, nội dung “Xử lý tình huống” vừa mang ý nghĩa giáo dục cao, vừa góp phần khích lệ chúng em cố gắng hơn nữa trong học tập, rèn luyện về đạo đức, kỹ năng, lối sống và thêm gắn bó, thêm yêu quê hương mình”.
Trong khi đó, việc giảng dạy Bộ tài liệu Giáo dục nếp sống thanh lịch văn minh tiếp tục được triển khai ở cả 3 cấp học, bắt đầu từ năm học 2024-2025. Hàng loạt mô hình, cách làm hay, sáng tạo đã ra đời. Các em học sinh trên địa bàn quận Long Biên được giáo dục “Văn hóa cúi chào”, học sinh quận Hoàn Kiếm được cô giáo giao “bài tập” là quay video ghi lại những nét đẹp văn hóa ứng xử trong cuộc sống…
Đáng chú ý, các tiết học về lịch sử địa phương ngày càng trở nên hấp dẫn, lôi cuốn khi các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các trường tổ chức cho học sinh tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm tại chính các di tích trên địa bàn, sau đó, các em về viết thu hoạch, hoặc tổ chức các cuộc thi, biểu diễn nghệ thuật... để báo cáo kết quả.
Trưởng Phòng Chính trị, tư tưởng và Công tác học sinh, sinh viên (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) Trần Thị Thu Hà chia sẻ: “Mặc dù còn không ít khó khăn, như một số trường nội thành khó tổ chức các hoạt động ngoại khóa, nhưng ngành giáo dục Thủ đô phấn đấu từng bước khắc phục. Chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng những cách làm hay, mô hình sáng tạo trong thời gian tới, để xây dựng môi trường học tập hạnh phúc cho học sinh”.