Những lưu ý khi thả cá chép ngày ông Công ông Táo
Thả cá chép phóng sinh là phong tục không thể thiếu trong ngày ông Công ông Táo. Tuy nhiên, việc thả cá như thế nào cho đúng là điều không phải ai cũng biết.
Ý nghĩa tục phóng sinh cá chép trong ngày Tết ông Công ông Táo
Theo quan niệm dân gian, vào ngày 23 tháng Chạp, Táo Quân sẽ lên thiên đình để báo cáo những sự việc xảy ra trong một năm qua ở địa phận mình cai quản.
Theo truyền thuyết, cá chép là phương tiện duy nhất có thể đưa Táo Quân về trời. Bởi thế, vào ngày này, các gia đình đều cúng cá chép. Một số gia đình có thể mua cá chép giấy, tuy nhiên phần lớn các gia đình thường mua 3 con cá chép thả vào chậu nước đặt cạnh mâm cỗ, sau khi làm lễ xong đem ra sông thả, ngụ ý cá sẽ hóa rồng, vượt vũ môn, làm phương tiện cho Táo Quân cưỡi về trời.
Ngoài ra, trong tâm thức người Việt, “cá vượt Vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công, biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn hoặc hướng đến một kết quả tốt đẹp.
Phóng sinh cá chép ngày Tết ông Công ông Táo không chỉ là một nét đẹp văn hóa, đồng thời còn thể hiện sự từ bi quý báu của người Việt Nam.
Cách lựa chọn cá chép
Ngày nay, nhiều người lựa chọn cá chép giấy để cúng ông Táo cho tiện dụng, nhất là ở các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam cho rằng, nên mua cá chép sống bởi vì ngoài ý nghĩa thờ cúng để dâng Táo Quân phương tiện đi lại, tục lệ phóng sinh cá chép cũng có một ý nghĩa văn hóa quý báu, thể hiện tinh thần nhân đạo của người Việt.
Thường thì lễ cúng ông Công ông Táo được thực hiện với 3 con cá chép đỏ. Con số này không chỉ là tượng trưng cho 3 vị Táo Quân mà còn mang ý nghĩa của sự cân bằng và hoàn hảo. Mỗi con cá chép được coi là đại diện cho một vị thần, đồng thời là nguồn lực để họ trở về thiên đình.
Những con cá để dâng lên Táo Quân không nhất thiết phải là con cá to, miễn sao cá khỏe mạnh, không bị trầy xước, mất vảy.
Để thử độ khỏe mạnh của cá, người mua có thể chạm nhẹ vào mặt nước chậu đựng cá, nếu thấy cá bơi nhanh, quẫy mạnh thì đó là con cá khỏe mạnh.
Nếu kỹ hơn, người mua có thể lật nhẹ mang cá lên để kiểm tra, nếu mang cá đỏ tươi nghĩa là đó là cá khỏe mạnh.
Sau khi mua về, hãy đặt cá vào thau nước sạch, sử dụng nước sông hồ để tránh clo trong nước máy làm chết cá. Nếu có thể, thêm rong vào để tạo môi trường thích hợp cho cá.
Khi cúng bát (chậu) cá chép được để cạnh mâm cỗ cúng.
Cách thả cá chuẩn nhất
Sách Phong tục Thờ cúng của người Việt của tác giả Song Mai - Quỳnh Trang, NXB Văn hóa Thông tin cho rằng, nếu cúng cá chép sống thì sau khi làm lễ xong, gia chủ đem cá ra sông, hồ thả với tâm thế vui vẻ, thoải mái, cùng niềm tin cá sẽ đưa ông Táo về trời. Điều này sẽ mang lại nhiều may mắn cho gia đình.
Trong lúc thả cá, nên nhẹ nhàng, từ tốn, tránh va chạm mạnh làm cá chết.
Sau khi thả cá xong, lưu lại xem cá đã bơi đi chưa, tránh tình trạng cá mắc kẹt chưa bơi đi được. Không nên phóng sinh cá ở nơi nguồn nước bẩn, ô nhiễm. Cũng không nên thả cá ồ ạt hoặc có hành vi quăng, ném, vứt cả núi nilon xuống hồ nước.
Theo quan niệm dân gian, cá chép nên được thả trước giờ Ngọ - 12h trưa ngày 23 tháng Chạp.