Những lưu ý khi phòng chống bệnh tay chân miệng ở trẻ em
Chuyên gia y tế chỉ ra những triệu chứng lâm sàng, diễn tiến của bệnh tay chân miệng ở trẻ em để người dân chủ động các biện pháp phòng tránh.

Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Hà Nội Đỗ Thị Thúy Nga chia sẻ các thông tin liên quan đến bệnh tay chân miệng.
Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế Hà Nội, sáng 25/4, Bệnh viện Nhi Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học chủ đề "Phòng chống bệnh tay chân miệng ở trẻ em" năm 2025. Sự kiện thu hút sự tham gia trực tiếp của nhiều chuyên gia y tế, y bác sĩ ở các cơ sở y tế trên địa bàn Thủ đô; hội thảo cũng được kết nối trực tuyến để các đại biểu có thể theo dõi từ xa.
Chia sẻ tại đây, TS.BS Đỗ Thị Thúy Nga - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Hà Nội nhấn mạnh: Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do virus đường ruột gây ra và lây từ người sang người, chủ yếu qua đường tiêu hóa và dễ phát triển thành dịch. Bệnh này xảy ra rải rác quanh năm và với mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Các triệu chứng lâm sàng của bệnh tay chân miệng được chuyên gia y tế chỉ rõ.
Khi mắc bệnh, trẻ thường có triệu chứng như: Sốt , loét miệng gây đau rát, bỏ ăn, nôn, tiêu chảy, phát ban kèm mụn nước trên tay, chân và vùng mông. Tác nhân chính gây ra bệnh tay chân miệng ở trẻ em bởi virus đường ruột họ Picornaviridae, thường gặp nhất là Coxsakie A16 virus và Enterovirus A71 (EV71).
Bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng qua đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp, nhất là trong môi trường nhà trẻ, trường học và khu vui chơi. Căn bệnh này hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, phần lớn tự khỏi sau 10 - 14 ngày. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể chuyển biến nghiêm trọng dẫn đến tử vong nếu không được xử trí kịp thời.




Các đại biểu cùng nhau trao đổi ý kiến về cách phòng chống và điều trị bệnh tay chân miệng.
Bệnh tay chân miệng có thể gây ra các biến chứng về tim mạch (viêm cơ tim, tăng huyết áp, suy tim); biến chứng hô hấp như khó thở, tím tái, phù phổi cấp; biến chứng thần kinh (viêm não, viêm não tủy...). Do đó, khi trẻ gặp các biểu hiện lâm sàng ban đầu cần được đưa tới các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị theo phác đồ của bác sĩ chuyên khoa.


Những trao đổi chuyên môn về bệnh tay chân miệng được các y bác sĩ trao đổi tại hội thảo.
Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống sôi; các vật dụng sinh hoạt phải vệ sinh sạch sẽ. Trẻ cần được vệ sinh cá nhân thường xuyên, nhất là rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.