Những lưu ý khi điều khiển ôtô, xe máy qua vùng nước ngập

Người điều khiển ôtô, xe máy cần lưu ý một số điều quan trọng khi buộc phải di chuyển qua khu vực ngập nước để tránh những rủi ro hư hỏng hay tai nạn.

Do ảnh hưởng của bão số 3, mực nước các con sông trên địa bàn thành phố Hà Nội dâng lên mức cao gây ra tình trạng ngập úng ở một số khu vực.

Dưới đây là một số lưu ý với chủ xe khi phải điều khiển ôtô, xe máy qua khu vực trũng ngập.

Đừng để ôtô bị thủy kích

Một trong những điều quan trọng nhất mà chủ xe cần phải lưu ý là nếu không thật sự cần thiết, cần hạn chế điều khiển ôtô qua vùng trũng ngập.

Trong trường hợp cần thiết phải di chuyển khi đường ngập, cần hạn chế điều khiển xe qua những tuyến đường lạ. Việc quen thuộc địa hình sẽ phần nào giúp tài xế hiểu rõ điều kiện mặt đường, vị trí các nắp cống và gốc cây, từ đó chủ động hơn khi di chuyển.

Tài xế cũng được khuyên nên quan sát các xe đi trước và di chuyển theo đúng tuyến đường mà xe trước đã vượt qua thành công.

 Người điều khiển ôtô cần hạn chế đi qua vùng trũng ngập khi không thật sự cần thiết. Ảnh: Hoàng Việt.

Người điều khiển ôtô cần hạn chế đi qua vùng trũng ngập khi không thật sự cần thiết. Ảnh: Hoàng Việt.

Việc ước lượng chiều cao mực nước ngập so với thân xe cũng đóng vai trò quan trọng. Nếu nước ngập quá nửa bánh xe, tốt nhất không nên điều khiển ôtô qua khu vực này.

Sau khi thoát khỏi đoạn đường ngập, tài xế cần di chuyển chậm, vừa đi vừa nhấp/nhả chân phanh để làm khô má phanh. Nếu cần thiết, tài xế có thể rời khỏi xe để kiểm tra xem lá cây, túi ni-lông hay rác có kẹt lại ở các bánh xe và lưới tản nhiệt hay không.

Trong trường hợp không may xe bị chết máy, tài xế không nên cố khởi động ôtô vì có thể khiến nước tràn vào sâu hơn bên trong động cơ, làm trầm trọng tình trạng hư hỏng.

Tốt nhất sau khi thoát khỏi vùng trũng ngập, tài xế cần đưa ôtô đến các xưởng dịch vụ để kiểm tra toàn diện, cả bên ngoài lẫn bên trong khoang lái nhằm loại bỏ những nguy cơ hư hỏng, nấm mốc do nước tràn vào xe.

Xe máy cần di chuyển đều ga

Tương tự lời khuyên với ôtô, người điều khiển xe máy cũng cần hạn chế di chuyển qua khu vực trũng ngập khi không thật sự cần thiết.

Nếu buộc phải di chuyển qua vùng ngập, người điều khiển xe máy cần lưu ý di chuyển với tốc độ chậm, duy trì đều đặn suốt hành trình.

Bên cạnh giúp đảm bảo khả năng phản xạ, phán đoán các trường hợp bất ngờ, việc giữ tay ga đều khi di chuyển qua chỗ ngập cũng hạn chế khả năng nước đi ngược vào ống xả.

 Xe máy cần giữ đều ga khi buộc phải di chuyển qua vùng ngập nước. Ảnh: Quỳnh Danh.

Xe máy cần giữ đều ga khi buộc phải di chuyển qua vùng ngập nước. Ảnh: Quỳnh Danh.

Một trong những lưu ý quan trọng khác là hạn chế điều khiển xe máy gần các phương tiện kích thước lớn như ôtô, xe buýt hay xe tải. Khi trời mưa, tầm nhìn tài xế xe lớn bị hạn chế, kết hợp với điểm mù lớn của các phương tiện này sẽ vô tình làm cho người điều khiển xe máy tự đặt bản thân vào nguy hiểm khi di chuyển quá gần.

Các phương tiện kích thước lớn cũng tạo ra sóng nước trong quá trình di chuyển ở khu vực trũng ngập. Những con sóng này sẽ khiến người điều khiển xe máy có nguy cơ bị xô ngã, do đó cần hạn chế di chuyển quá gần ôtô, xe buýt và xe tải.

Người điều khiển xe máy cũng cần tuyệt đối tránh di chuyển qua khu vực có mực nước ngập cao hơn lọc gió. Thông thường, xe máy vẫn có thể tiếp tục di chuyển qua khu vực ngập cao hơn ống xả, nhưng nếu nước cao hơn hộp lọc gió, động cơ xe máy có thể gặp nguy hiểm.

Xe tay ga thường có vị trí hộp lọc gió thấp hơn, do đó cũng có nguy cơ bị nước tràn vào cao hơn so với xe số.

Trong trường hợp không may xe máy bị chết máy đột ngột, người dùng cũng không nên cố khởi động lại xe. Hành động này có thể khiến các chi tiết bên trong động cơ bị hỏng hóc.

Khi này, xe máy cần được nhanh chóng đưa ra khỏi vùng ngập, đồng thời bugi cũng phải được tháo ra và lau chùi. Nếu không có kinh nghiệm, chủ xe cần đưa xe máy đến các tiệm sửa xe để nhờ hỗ trợ.

 Không nên cố khởi động lại xe máy. Ảnh: Phạm Thắng.

Không nên cố khởi động lại xe máy. Ảnh: Phạm Thắng.

Sau khi thoát khỏi khu vực trũng ngập, người điều khiển xe máy cần nhanh chóng đưa xe đi rửa để làm sạch chất bẩn, ngăn ngừa tình trạng gỉ sét và ăn mòn.

Với các xe vừa đi qua vùng nước ngập cao, chủ xe cần lưu ý nhanh chóng thay nhớt, đặc biệt là dầu hộp số ở các xe tay ga. Dầu nhớt bị nhiễm nước sẽ giảm tác dụng bôi trơn và làm mát động cơ, về lâu dài có khả năng làm bào mòn các chi tiết động cơ như bánh răng hay trục khuỷu.

Xe điện cũng cần cẩn trọng

Ôtô điện được cho là có khả năng di chuyển tốt trong điều kiện ngập nước nhờ kháng bụi và nước theo chuẩn IP67 hoặc IP65. Chỉ số này càng cao tương ứng với khả năng chống bụi và nước càng tốt.

Tuy nhiên, người dùng ôtô và xe máy điện cũng không nên chủ quan với vùng ngập nước bởi nếu ngâm xe quá lâu trong nước, những hư hỏng hoàn toàn có thể xảy ra. Điển hình với chuẩn IP67, ôtô điện chỉ được phép "ngâm" dưới nước tối đa 30 phút.

Nếu quá thời gian này, những rủi ro về hư hỏng hoàn toàn có thể xảy ra với pin cũng như các hệ thống điều khiển động cơ, điều khiển phanh hay hệ thống đèn của xe.

 Chuẩn IP67 cho phép xe điện "ngâm nước" trong tối đa 30 phút. Ảnh: Bối Hạ.

Chuẩn IP67 cho phép xe điện "ngâm nước" trong tối đa 30 phút. Ảnh: Bối Hạ.

Vị trí bộ pin ở sàn xe cũng tiềm ẩn rủi ro liên quan đến hư hỏng cho khoang pin do sụp ổ gà hoặc cạ gầm. Trong trường hợp này, nước có thể xâm nhập và làm hư hỏng pin cũng như hệ thống điện trên xe.

Khi xe bị ngập quá lâu, nước có thể thấm vào bên trong khoang cabin thông qua những đường ron trên cửa và làm hư hại các chi tiết nội thất như sàn hay ghế da. Rủi ro này được cho là tương đồng và không có sự khác nhau giữa xe xăng với ôtô điện.

Nếu bắt buộc phải lội nước, chủ ôtô điện cần sớm đưa xe đến các garage để kiểm tra để nhận được những đánh giá từ đội ngũ kỹ thuật có chuyên môn để đảm bảo xe không bị hư hỏng sau ngập nước.

Phúc Hậu

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nhung-luu-y-khi-dieu-khien-oto-xe-may-qua-vung-nuoc-ngap-post1496910.html
Zalo