Những lời khai đầu tiên của người tự xưng ' đại đức Thích Tâm Phúc' tại tòa

Ông Nguyễn Minh Phúc từng gây ra nhiều tranh cãi trên mạng xã hội với hình ảnh mặc trang phục nhà sư, đầu cạo trọc, tự xưng là 'đại đức Thích Tâm Phúc'

Ngày 6-8, TAND huyện Củ Chi (TP HCM) đưa ra xét xử đối với bị cáo Nguyễn Minh Phúc (SN 1983, ngụ huyện Củ Chi). Bị cáo Phúc bị VKSND huyện Củ Chi truy tố về tội "Làm giả tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Vụ án này từng bị hoãn xét xử do bị hại và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt.

Hơn 8 giờ, bị cáo Phúc được đưa vào phòng xét xử. Nhìn thấy nhiều người thân có mặt tại tòa, bị cáo Phúc không ngừng sụt sùi. Phiên xử cũng có mặt mẹ bị cáo tham dự.

Khai mạc phiên xét xử, bị cáo Phúc khai là tu sĩ, trình độ học vấn tiến sĩ, độc thân, chưa bị xử lý hành chính hay kết án. Phiên xử vắng mặt bị hại và một số cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Bị cáo Phúc tại phiên xét xử

Bị cáo Phúc tại phiên xét xử

Ông Phúc từng gây ra nhiều tranh cãi trên mạng xã hội với hình ảnh mặc trang phục nhà sư, đầu cạo trọc, tự xưng là "đại đức Thích Tâm Phúc" nhưng có lối sống không phù hợp với đạo hạnh của một tu sĩ. Trong nhiều video và livestream phát tán rộng rãi, ông Phúc đã có nhiều hành vi, phát ngôn khiến dư luận chỉ trích.

Bị cáo Phúc không ngừng khóc thút thít khi vừa bắt đầu phiên tòa

Bị cáo Phúc không ngừng khóc thút thít khi vừa bắt đầu phiên tòa

Trong vụ án này, HĐXX sẽ làm rõ hành vi lừa đảo của bị cáo Phúc. Nội dung vụ án thể hiện, vào năm 2021, bà Lê Thị H.T (SN 1973; ngụ xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn) mua một thửa đất tại xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi với giá 2,4 tỉ đồng nhưng chưa làm thủ tục tách thửa được. Đến ngày 7-10-2022, thông qua Lê Văn V. (SN 1990, ngụ huyện Củ Chi), bà T. nhờ Phúc làm thủ tục tách thửa. Phúc "ra giá" 135 triệu đồng, nhận trước 70 triệu đồng.

Tuy nhiên, thay vì thực hiện đúng cam kết, Phúc đã thuê người làm hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả, sau đó giao một bản cho bà T. và giữ lại bản còn lại cùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thật.

Khi sự việc bị bại lộ, Phúc đã bỏ trốn sang Thái Lan. Sau đó, Phúc trở về nước thì bị Cơ quan CSĐT Công an huyện Củ Chi triệu tập để làm việc. Qua khám xét khẩn cấp tại nhà Phúc, cơ quan chức năng đã thu giữ một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả và một giấy thật của bà T.

Liên quan đến hành vi làm giả giấy tờ, con dấu của cơ quan, tổ chức, năm 2019, Công an huyện Củ Chi đã kiểm tra, phát hiện nhà người này treo nhiều huân chương, bằng khen các loại cùng 3 con dấu của chùa cổ… Qua công tác giám định, tất cả giấy tờ này là giả.

Trước đó, tại buổi họp báo về các vấn đề kinh tế - xã hội của TP HCM, Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP HCM cho biết, Nguyễn Minh Phúc từng tu học tại chùa trong giai đoạn 2000-2010 nhưng mới làm lễ quy y, chưa xuất gia.

Năm 2010, Phúc về nhà lập "chùa Ngộ Chân Tử", tự xưng "đại đức Thích Tâm Phúc" để sinh hoạt tôn giáo trái phép.

Cơ quan chức năng đã mời làm việc, xử phạt hành chính, yêu cầu gỡ bảng hiệu chùa và đề nghị không tổ chức sinh hoạt tôn giáo trái phép nhưng sau đó, ông Phúc tiếp tục sinh hoạt tôn giáo trái phép, ngụy trang dưới dạng các doanh nghiệp hoạt động từ thiện.

Ý Linh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhung-loi-khai-dau-tien-cua-nguoi-tu-xung-dai-duc-thich-tam-phuc-tai-toa-196240806083459773.htm
Zalo