Những lỗ hổng của Quỹ Nhân đạo Gaza
Các chuyên gia nhận xét rằng cách sắp xếp phân phối viện trợ của Quỹ Nhân đạo Gaza (GHF) đã phạm sai sót, gián tiếp làm nhiều người dân Gaza thiệt mạng.
Từ cuối tháng 5, các vụ nổ súng liên tiếp nổ ra gần các trung tâm phân phối viện trợ nhân đạo của Quỹ Nhân đạo Gaza (GHF). Một cuộc điều tra của tờ The Washington Post cho thấy các vụ nổ súng đã xảy ra ít nhất 3 lần chỉ trong tuần đầu tiên các trung tâm phân phối này hoạt động.
Theo các chuyên gia về các chương trình viện trợ nhân đạo và các nhân chứng, những vụ nổ súng nói trên là hậu quả của tính toán sai lầm trong hoạt động viện trợ của GHF.
Ngay trước khi các trung tâm viện trợ nhân đạo này mở cửa, Liên Hợp Quốc (LHQ) cũng đã cảnh báo rằng mô hình này có thể dẫn đến bạo lực bùng phát do tình trạng quá nhiều người đến nhận viện trợ.
"Lực lượng Israel hoặc các công ty an ninh quân sự tư nhân có thể sử dụng vũ lực để kiểm soát đám đông" – Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ cho biết.

Người dân Gaza nhận hàng cứu trợ của Quỹ Nhân đạo Gaza, gần một trung tâm phân phối viện trợ ở miền trung Dải Gaza. Ảnh: Eyad Baba/AFP
Thiệt mạng gần điểm nhận viện trợ
Các trung tâm phân phối viện trợ nhân đạo của GHF được một nhóm cựu quan chức tình báo và quốc phòng Mỹ cùng các giám đốc điều hành doanh nghiệp phát triển. GHF mở trung tâm phân phối viện trợ đầu tiên ở Gaza vào cuối tháng 5.
Tuy nhiên, theo The Washington Post, bên cạnh việc có đóng góp cho việc giải quyết tình trạng khủng hoảng nhân đạo ở Gaza thì mô hình này cũng gây ra nhiều vấn đề. Trong đó, theo Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ, đến nay, hơn 400 người thiệt mạng và hàng ngàn người dân Gaza bị thương gần các trung tâm phân phối hàng viện trợ của GHF tại Gaza.
The Washington Post nhận định rằng bạo lực này một phần là do việc phớt lờ các quy tắc lâu đời về phân phối hàng viện trợ ở Gaza và hậu quả của việc lực lượng Israel nổ súng vào đám đông. Trong đó, trong tuần đầu tiên mô hình trên hoạt động, lực lượng Israel cho biết họ đã bắn cảnh cáo ít nhất 5 lần vào những "người tình nghi" đang tiến về phía căn cứ của lực lượng Israel, đóng gần một trung tâm phân phối hàng viện trợ ở Rafah (nam Gaza).
Trong các cuộc phỏng vấn của The Washington Post, 10 nhân chứng kể lại rằng vào các ngày 27-5, 1-6 và 3-6, họ đã nhìn thấy các phát súng bắn về phía hoặc bắn trực tiếp vào đám đông người dân Gaza.
Trong những ngày đó, ít nhất 48 người đã thiệt mạng khi được đưa đến bệnh viện dã chiến của Cơ quan Chữ thập đỏ. Cơ sở này cũng đã tiếp nhận thêm khoảng 400 người bị thương. Theo Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế, nguyên nhân thiệt mạng và bị thương của những người này là do trúng đạn.
Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết họ đang xem xét các báo cáo về các vụ dân thường bị thương khi đến các trung tâm phân phối GHF và đang nỗ lực "giảm thiểu tối đa các xung đột có thể xảy ra" giữa binh lính và người dân địa phương.
"Lực lượng Phòng vệ Israel gần đây đã nỗ lực tái tổ chức khu vực thông qua việc lắp đặt hàng rào, đặt biển báo, mở thêm các tuyến đường và các biện pháp khác. Sau các vụ việc gây thương tích cho dân thường đến các cơ sở phân phối hàng viện trợ, [chúng tôi đã] thực hiện các cuộc kiểm tra kỹ lưỡng tại Bộ Tư lệnh miền Nam và ban hành các hướng dẫn cho các lực lượng trên thực địa" - theo tuyên bố của Lực lượng Phòng vệ Israel.

Những người nhận hàng viện trợ của GHF đi dọc theo đường Salah al-Din, gần trại tị nạn Nuseirat ở miền trung Gaza vào ngày 25-6. Ảnh: Eyad Baba/AFP
Những lỗ hổng của GHF
Từ cuối năm 2024, Israel đã ủng hộ dự án GHF. Phía Israel cho rằng hệ thống viện trợ nhân đạo khi đó – vốn dựa vào các cơ quan của LHQ và mạng lưới các tổ chức phi chính phủ để cung cấp viện trợ ở Gaza – cần phải được cải tổ vì bị Hamas lợi dụng. Tuy nhiên, phía Israel chưa đưa ra bằng chứng cụ thể cho nhận định này.
Những nỗ lực của LHQ trong việc cung cấp viện trợ tại Gaza sau đó đã bị Israel cắt giảm. Hầu hết xe tải viện trợ của tổ chức này đã bị ngăn không cho vào bên trong Gaza. LHQ cũng cho biết các hoạt động của họ bên trong Gaza đã bị hạn chế đáng kể.
Theo mô hình hiện có, GHF vận hành 4 trung tâm phân phối bên trong Gaza. Các trung tâm này phụ thuộc vào các nhà thầu tư nhân của Mỹ. Các trung tâm này có giờ mở cửa khác nhau và sẽ được thông báo mạng xã hội trước đó một ngày.
Theo các chuyên gia, việc các trung tâm phân phối viện trợ của GHF đặt gần nơi Israel đóng quân là một trong những sai sót.
"Thiết kế, lắp đặt, bố trí và thực hiện việc phân phối đều góp phần tạo nên một môi trường làm gia tăng căng thẳng, áp lực, hoảng loạn và các tình huống nguy hiểm cho những người nhận hàng" – chuyên gia Alex Davies thuộc Ủy ban Tị nạn Na Uy cho biết.
Các chuyên gia làm việc cho các cơ quan LHQ và các nhóm cứu trợ khác cho biết việc các trung tâm phân phối nằm cách khá xa các trại tị nạn của người dân Gaza là nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải và hoảng loạn nghiêm trọng.
GHF cũng không áp dụng các biện pháp mà các cơ quan nhân đạo thường sử dụng để tránh tình trạng quá tải và hỗn loạn, chẳng hạn đăng ký người nhận, thông báo cho họ bằng tin nhắn văn bản và các phương tiện khác,… Thay vào đó, GHF cung cấp thực phẩm theo nguyên tắc ai đến trước được phục vụ trước.
“Nếu không được quản lý đúng cách, bạn có thể dễ dàng tạo ra sự nhầm lẫn, cho phép thông tin sai lệch lan truyền nhanh chóng và gây ra sự hoảng loạn, sợ hãi cho những người đang chờ nhận thực phẩm. Nỗi sợ hãi lớn nhất là không có đủ thức ăn cho tất cả mọi người. Sự sống còn của họ đang bị đe dọa” – ông Davies nói.
Trả lời The Washington Post, GHF cho biết hoạt động của họ đã được tính toán kỹ lưỡng.
“Đội ngũ của chúng tôi bao gồm các chuyên gia nhân đạo giàu kinh nghiệm, những người đã thiết kế mô hình của chúng tôi để tránh những thất bại của LHQ và các tổ chức khác khi hàng cứu trợ không đến được tay người cần nhận” – GHF cho biết.

Khu vực gần một trung tâm phân phối viện trợ của GHF tại Gaza vào ngày 30-5. Ảnh: PLANET LABS/THE WASHINGTON POST. Việt hóa: KHOA ĐIỀM
Tổ chức này cũng khẳng định: “Cho đến nay, chưa có bất kỳ thương vong nào tại hoặc xung quanh các địa điểm phân phối hàng viện trợ của chúng tôi. Chúng tôi tiếp tục chứng kiến tình trạng thông tin sai lệch ngày càng gia tăng, dường như do cơ quan y tế Gaza đưa ra và được LHQ hưởng ứng. Thật không may là LHQ tiếp tục đưa ra thông tin sai lệch về các hoạt động của chúng tôi”.
Tuy nhiên, The Washington Post dẫn lời một thành viên GHF thừa nhận rằng đã có tình trạng bạo lực liên quan các hoạt động phân phối hàng viện trợ. Người này cũng cho biết nhiều người dân bị lực lượng Israel tình nghi và nổ súng do đi đường tắt để tránh tuyến đường đông đúc được quy định. Đôi khi, họ cũng bị tấn công do bị lạc và đi đến các vị trí của lực lượng Israel.