Những lĩnh vực nào cần ưu tiên phát triển kinh tế tuần hoàn?

Trong điều kiện nguồn lực có hạn, phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam cần ưu tiên một số ngành hàng, lĩnh vực tạo lực kéo và tác động lan tỏa.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo các chuyên gia, kinh tế tuần hoàn là nội dung mới nhưng quan trọng trong phát triển bền vững nền kinh tế. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra, nếu triển khai đồng bộ kinh tế tuần hoàn trong tất cả ngành hàng, lĩnh vực chắc chắn sẽ khó khăn. Thay vào đó cần xác định các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên để hành động hiệu quả nhất.

Về nội dung, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, Phó Tổng thư ký VCCI cho rằng, triển khai kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam có thể ưu tiên một số ngành hàng gắn với thương mại quốc tế vừa góp phần thúc đẩy xuất khẩu vừa tác động lớn đến việc thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam.

Cụ thể, 5 ngành hàng cần ưu tiên được ông Đậu Anh Tuấn đề cập là ngành nhựa, dệt may, thực phẩm và nông nghiệp, xây dựng và năng lượng tái tạo. Đây là những ngành hàng Việt Nam có thế mạnh cũng như có lợi thế tích hợp tuần hoàn, tìm kiếm giải pháp công nghệ tái chế, giảm phát thải, giảm khai thác tài nguyên.

Đồng quan điểm, bà Fleur Gribnau - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam cho rằng, cần ưu tiên những ngành hàng có tác động đến môi trường, có chuỗi cung ứng như điện tử, dệt may, nhựa, xây dựng, nông nghiệp. Phát triển bền vững trong những ngành hàng trên cũng thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu trong việc đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe hơn của một số thị trường lớn như EU. Cụ thể là yêu cầu liên quan đến thiết kế sinh thái, chỉ thị đánh giá tính bền vững của sản phẩm hàng hóa xuất khẩu…

Ngoài ra, để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, bà Fleur Gribnau đề cập thêm ba lĩnh vực chính mà Việt Nam nên ưu tiên.

Thứ nhất, phát triển khu vực tư nhân đóng vai trò then chốt trong triển khai các mô hình kinh doanh tuần hoàn và bảo vệ môi trường nên cần tạo ra môi trường thuận lợi cho khu vực này phát triển.

Thứ hai, tăng cường hợp tác công tư (PPP) như trong ngành nhựa để giải quyết vấn đề rác thải nhựa, một thách thức lớn hiện nay. Những quan hệ đối tác này không chỉ tạo điều kiện để hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà còn có thể giải quyết những khó khăn trong áp dụng các giải pháp kinh tế tuần hoàn.

Cuối cùng, củng cố và cải thiện các vấn đề tài chính - yếu tố cốt lõi để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tuần hoàn, trong đó đổi mới sáng tạo có vai trò quan trọng. Đó là lý do mà Hà Lan đã triển khai Quỹ Đổi mới kinh tế tuần hoàn cung cấp vốn cho các dự án đổi mới trong lĩnh vực này, lấp đầy khoảng trống tài chính và hỗ trợ các doanh nghiệp hiệu quả các giải pháp tuần hoàn, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Ông Michael Siegner - Trưởng Đại diện Tổ chức Hanns Seidel (HSF) tại Việt Nam nhấn mạnh, trong thời điểm hiện nay, không chỉ tập trung ưu tiên vào các ngành nghề trên mà cần ưu tiên hành động, hành động nào cấp thiết phải thực hiện ngay để tạo tác động lan tỏa.

Bên cạnh đó, ông Michael Siegner cho rằng, cần thúc đẩy sự hợp tác mạnh mẽ hơn giữa các nhà hoạch định chính sách với khu vực tư nhân, đặc biệt là các startup và các doanh nghiệp nhỏ và vừa; thiết lập mạng lưới và nền tảng quốc gia để các startup và doanh nghiệp SME học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, mở rộng quy mô, nhân rộng các mô hình kinh doanh tuần hoàn.

Theo Hạnh Lê/diendandoanhnghiep.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/nhung-linh-vuc-nao-can-uu-tien-phat-trien-kinh-te-tuan-hoan.html
Zalo