Những ký ức trong tim
Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.
Mái trường – hai tiếng thân thương ấy, suốt đời khắc ghi trong tâm trí mỗi người. Đó là nơi chúng ta được học tập và trau dồi kiến thức, là nền tảng cho sự trưởng thành của mỗi chúng ta ngày qua ngày. Đó là nơi chắp cánh ước mơ, là nơi lưu trữ bao nhiêu kỷ niệm đẹp, những bài học quý giá về cuộc sống, về tình thầy trò, tình bạn bè.
Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt. Từng lời giảng của thầy, từng cái nhìn ân cần của cô, từng lời động viên hay lời phê bình, đều để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng ta; những giờ học căng thẳng, những tiết kiểm tra đầy hồi hộp, hay những tiếng cười đùa trên sân trường vào giờ ra chơi, tất cả trở thành một trang đáng quý trong cuốn sách về chặng đường khôn lớn của tôi.
Đối với tôi, trường Trần Đại Nghĩa là nhà, là một phần không thể thiếu nay đã khắc sâu trong trái tim tôi.
Tôi đã không nghĩ bản thân có thể đặt chân vô ngôi trường này. “Mẹ cho con thi thử cho vui thôi, để thử khả năng của mình xem sao” – tôi luôn cảm thấy xót xa mỗi lần mẹ nói câu đó. Vì tôi biết mẹ muốn tôi có thể vô một ngôi trường tốt, nhưng không muốn tôi chịu áp lực học tập để có thể làm mẹ vui.
Tất nhiên, tôi lúc 11 tuổi không nghĩ vậy, nhưng mà tôi vẫn cố gắng để có thể “ra oai”, để có thể đi khoe với mọi người khi nhận được kết quả. Và với một năm học luyện thi “cho vui”, với sự tự tin ngất ngưởng của một cô bé có phần tự cao, sự căng thẳng vẫn không thể nào nguôi. Tôi khóc khi bước ra khỏi phòng thi, khóc với mẹ, khóc vì đề toàn những thứ mình không học. Mẹ an ủi tôi, cho đến khi ngày có điểm và tôi nhảy lên giường và la hét, là lúc tôi biết mình đậu. Mình được vô trường Trần Đại Nghĩa danh tiếng rồi!
Đó là bắt đầu của những tháng năm bên mái trường này, bên thầy cô, bên những đứa bạn thân gắn bó đến năm nay – năm tôi học lớp 8. Những năm học Trung học cơ sở mang đến cho tôi một cảm giác rất khác so với Tiểu học, như mình đã trưởng thành lên rất nhiều rồi, như mình “người lớn” thật sự rồi!
Thời gian trôi qua nhanh thật, mặc dù tôi còn chưa tốt nghiệp cấp 2 nhưng dường như giờ này tôi còn không thể nhớ rõ ngày đầu tiên bước vào trường Trần Đại Nghĩa bên cơ sở hai. Nhưng tất nhiên tôi vẫn còn nhớ cô chủ nhiệm năm lớp 6, Cô Sương, dạy bộ môn Anh Văn, nhớ sự dịu dàng và tỉ mỉ của Cô.
Hình ảnh Cô mà tôi luôn ghi nhớ trong tim, một người mẹ thứ hai, Cô thật kiên nhẫn và ấm áp. Điều tôi nhớ nhất và thỉnh thoảng, vẫn hay cười đùa khi nói với bạn bè, là Cô hay cho chúng tôi tịnh tâm mỗi sáng tiết sinh hoạt chủ nhiệm. Mỗi lần lớp được hạng thấp, cô bắt chúng tôi đứng lên, hít thở đều đặn, đồng thanh nói “I’m sorry, please forgive me, I thank you, I love you” với tiếng cười thút thít. Điều này diễn ra trong suốt hai năm học kỳ lớp 6, cũng là điều tôi ấn tượng nhất về cô, ngoài cách giảng dạy ân cần, chu đáo và sự dễ thương của Cô Sương.
Cô đặc biệt chỉ chúng tôi nhiều thứ lắm, dạy chúng tôi cách sống, cách làm người, những lần cô trò tâm sự, đã giúp cho tôi hiểu hơn về bản thân và về cuộc sống xung quanh. Là một cô gái ngây ngô mới bước vào ngôi trường cấp 2, Cô đã giúp tôi rất nhiều, như cô đã nói, “Be a better version of yourself” – hãy luôn cố gắng vượt qua bản thân, làm một phiên bản tốt nhất, tốt hơn của chính mình, và đừng bao giờ bỏ cuộc.
Tôi rất biết ơn Cô, Cô là khởi đầu, người dẫn dắt tôi khi bước vào ngôi trường mới mẻ, và tôi, cũng như là tập thể lớp, nhớ Cô lắm! Tôi còn nhớ lúc Cô nói rằng lớp nào Cô chủ nhiệm đều thường xuyên được hạng nhất nhì trong tuần, mà hình như lớp tôi là ngoại lệ, nhỉ?
Trong lớp, mỗi bạn một cá tính, nhưng khi hòa vào nhau, lớp chúng tôi là một tập thể không thể tách rời. Những buổi họp nhóm chuẩn bị cho bài kiểm tra, những lần tranh luận sôi nổi về một bài toán khó, hay những khoảnh khắc cả lớp “nổi dậy” đồng lòng xin giáo viên dời lịch kiểm tra - tất cả đều là một phần của tuổi học trò đầy sôi động.
Giờ ra chơi, lúc thì tôi và các bạn tụm lại nơi hành lang, khi nói chuyện rôm rả, lúc lại lặng lẽ nhìn sân trường đầy nắng vàng, nhìn từng góc dường như tôi đã cảm thấy quen thuộc, tôi cũng cảm thấy một thứ tình cảm khó tả dành cho ngôi trường này - có lẽ là sự tự hào, sự hãnh diện chăng?
Những lần đi cổ vũ bóng rổ, bóng đá hay kéo co rất vui, nhưng cũng rất mệt. Dưới cái nắng trưa chói chang vàng hoe ngả trên sân trường, những khu vực dưới bóng cây là nơi “đặc quyền”, mọi người ai cũng tập trung bên ấy, vì ôi thôi, cái nóng thật ác nghiệt làm sao.
Sự tập trung vào cái nóng liền chuyển sang sân bóng rổ ngay giữa sân trường khi nghe tên lớp tôi và lớp đối thủ, mọi người lớp tôi ùa vào ngay rìa sân, reo hò khi trận đấu còn chưa bắt đầu. Thắng hay thua, ai cũng hét lên cổ vũ đến lúc khàn họng, nhưng mà đó là thứ vui của tuổi trẻ, mà nhỉ? Thắng thì được cha mẹ học sinh tổ chức đi ăn liên hoan, thua thì cũng vậy, cứ tận hưởng khoảnh khắc vui chơi ấy.
Thời gian thấm thoát trôi qua, lên năm lớp 7, tôi đã là đàn chị trong trường vì lúc ấy cơ sở 2 chỉ gồm khối 6, 7, oai thật! Cô Ngân có trùng tên với tôi, nên tôi hay bị Cô “dí” lắm. Tôi thì lại hơi dở môn Sinh, Cô lại là giáo viên dạy bộ môn Sinh học. Nhưng tôi cũng không bị gọi nhiều hơn tôi tưởng, hay là tôi cũng không nhớ lắm, nhưng năm học lớp 7 của tôi trải qua rất êm đềm, mượt mà mặc dù có lẽ đó là năm tôi khóc nhiều nhất.
Vì chưa hết năm lớp 8 nên tôi không so sánh được, nhưng giờ tôi mạnh mẽ hơn nhiều rồi, không còn mít ướt như xưa nữa đâu, tôi mong vậy.
Tôi nhớ rõ như in lần được điểm môn Địa thấp, tôi chưa khóc, Thầy biết điểm của lớp và thấy khuôn mặt ủ rũ của những cô cậu học sinh, dành nguyên tiết đó để kể lại câu chuyện của chính mình, đưa cho chúng tôi lời khuyên. Lúc ấy tôi không kiềm được cảm xúc, vì tôi thấy thất vọng với thành quả của mình, thấy thất vọng khi thầy phải an ủi chúng tôi khi chúng tôi là người đã không ôn tập kĩ bài học, mặc dù vẫn có vài bạn được điểm cao.
Tôi lúc ấy, chỉ biết ngồi khóc thút thít, tôi thấy Thầy nhìn tôi, ánh mắt Thầy ân cần, dịu dàng biết bao. Tôi không thích môn Địa, tôi cũng không thích Thầy vì Thầy hay cho tôi những cơn đau tim với những đợt kiểm tra bài cũ đột xuất. Cũng vì thế mà tôi cũng hay nói xấu Thầy, với bạn bè hay tự thì thầm trong lòng. Việc là một đứa trẻ vị thành niên trong giai đoạn nổi loạn không phải là biện minh cho sự thiếu tôn trọng đối với giáo viên của chính chúng ta.
Có lẽ như mỗi người chúng ta ai cũng sẽ có lúc ghét, không thích khi người khác không làm theo ý mình, làm mình tức, nhục nhã. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải biết nhận lỗi, phải biết sửa sai. Đó cũng là một trong những điều mà thầy cô đã dạy cho tôi.
Có thể là do chuyện cũng đã lâu rồi, tôi cũng không còn nhớ về những lần xấu hổ khi bị gọi lên bảng, không nhớ cảm giác bị Thầy la, hay những ánh nhìn trìu mến mỗi khi an ủi cũng như là sự nghiêm túc trong đôi mắt Thầy khi giảng bài. Tôi cảm thấy có lỗi, vì biết mình đã không tôn trọng Thầy nhiều hơn khi còn có cơ hội, vì giờ đây nghĩ lại, tôi nhận ra Thầy đã dạy cho chúng tôi bài học về sự chuẩn bị và tính kỷ luật. Tôi rất biết ơn, cảm ơn Thầy, Thầy Thái.
Có thể nói rằng, tôi thường không thích những giáo viên dạy môn tôi không thích. Đúng thật là một cách suy nghĩ xấu, nhưng mà nói thật là tôi không thích học tí nào, cũng không thích môn nào cả, vì tôi cũng không giỏi nổi bật môn nào hết. Vậy có lẽ, tôi không thích giáo viên nào trong trường chăng? Thật lòng mà nói, có thể là tôi nghĩ vậy lúc lớp 6, đầu năm lớp 7 thôi, nhưng mà giờ tôi lớn rồi, mặc dù mới được hai năm trôi qua khi bước vào cấp hai.
Qua cơ sở khác học tôi mới thấy nhớ thầy cô hồi bên cơ sở hai rất nhiều, có thể là do các thầy cô hơi khó, với bài học ngày càng nâng cao và áp lực học tập đối với tôi cũng tăng lên rất nhiều - có thể là do tôi nhớ những ngày tháng bên ngôi trường Trần Đại Nghĩa bên quận Thủ Đức. Lúc lớp 6 thì than bấy nhiêu, lên lớp 7 thì cứ muốn xuống lớp 6 cơ, giờ lên lớp 8 rồi chỉ muốn quay về năm học cơ sở hai, còn tốt hơn nữa thì tôi muốn quay về những năm bên trường Tiểu học…
Nhưng mà, tôi biết bản thân cần trân trọng những năm tháng tuổi trẻ đáng quý này hơn. Thế nên, tôi sẽ cố gắng hết sức, nổ lực hết mình để có thể có một thanh xuân không nuối tiếc. Dù có chuyện gì xảy ra, dù tôi có được điểm thấp thì chỉ có bản thân để trách móc thôi, dù tôi có khóc vì chuyện ấy, dù tôi có những khoảnh khắc xấu hổ.
Dù gì thì, tôi sẽ gắn bó với ngôi trường này năm lớp 8 này và năm lớp 9 đầy thách thức nữa, với thầy cô và bạn bè, với bao nhiêu kỷ niệm và bài học đang chờ tôi. Thời gian này sẽ không kéo dài mãi mãi, rồi một ngày chúng tôi sẽ tốt nghiệp, sẽ tạm biệt mái trường này, và bắt đầu một chặng đường mới do tương lai quyết định, sẽ có người đi và có người ở lại. Nhưng dù đi đến đâu, những ký ức ở đây, với thầy cô và bạn bè, sẽ luôn là một phần trong tim tôi. Mỗi bài học, mỗi lời khuyên, từng kỷ niệm nhỏ đều đã trở thành nền tảng cho bước đường trưởng thành của tôi.
Dù tương lai có ra sao, trái tim tôi vẫn sẽ vẫn luôn hướng về nơi ấy, nơi đã chắp cánh cho những ước mơ và là dấu ấn đẹp nhất của một thời tuổi trẻ không bao giờ phai.