Những kỷ lục độc nhất vô nhị được thiết lập vào dịp Tết Nguyên Đán
Tết Nguyên Đán không chỉ là dịp để người Việt sum họp, mà còn là lúc có sân chơi sáng tạo, nơi những kỷ lục độc đáo được thiết lập.
Mâm ngũ quả khổng lồ ở Cao Lãnh
Tết năm 2010, một mâm ngũ quả đặc biệt với quy mô khổng lồ đã xuất hiện tại công viên Văn Miếu, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
![Mâm ngũ quả được phát họa nổi bật với hình hai con Rồng ở hai bên. (Ảnh: Phương Hà)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_01_30_83_51383129/bb8c77204a6ea330fa7f.jpg)
Mâm ngũ quả được phát họa nổi bật với hình hai con Rồng ở hai bên. (Ảnh: Phương Hà)
Với trọng lượng lên đến 5 tấn, mâm ngũ quả này là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, kết hợp hài hòa giữa các loại trái cây đặc sản của miền Tây Nam Bộ như vú sữa lò rèn Tiền Giang, dừa xiêm Bến Tre, xoài cát Hòa Lộc ở Cao Lãnh, quýt hồng Lai Vung ....
Ngoài ra, điểm nhấn của mâm ngũ quả là câu đối "Hà Nội 1.000 năm dâng hiến. Cao Lãnh trăm năm sen hồng" được làm từ trái cây và ngũ cốc vô cùng đặc sắc.
Đòn bánh tét dài hơn 35m
Năm 2014, Nha Trang chứng kiến chiếc bánh tét dài 35 mét, nặng gần 860 kg, với 5 loại nhân hấp dẫn bao gồm: đậu phộng, gấc, chuối, đậu đen, đậu xanh nhân thịt heo.
![Chiếc bánh tét khi nấu xong được nhân viên trải dài khắp con phố. (Ảnh: Khuê Việt Trường)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_01_30_83_51383129/e1dd2f71123ffb61a22e.jpg)
Chiếc bánh tét khi nấu xong được nhân viên trải dài khắp con phố. (Ảnh: Khuê Việt Trường)
Chiếc bánh tét khổng lồ này thu hút sự chú ý của đông đảo du khách và người dân địa phương, bởi nó không chỉ là một kỷ lục ẩm thực mà còn là tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Toàn bộ số tiền từ việc bán chiếc bánh tét này, đơn vị sản xuất đã dùng để từ thiện cho những hoàn cảnh khó khăn.
Cây mai vàng 'cổ xù kỳ mỹ' được xác lập kỷ lục Việt Nam
Với chiều cao và ngang tán đều đạt 5 mét, cây mai vàng của ông Đinh Văn Trọng như một bức tượng thiên nhiên. Thân cây xù xì, uốn lượn tạo nên những đường nét độc đáo, kết hợp với tán lá xanh mướt và những bông hoa vàng rực rỡ đã tạo nên một tác phẩm nghệ thuật sống động.
![Cây mai "cổ xù kỳ mỹ" đã được xác lập kỷ lục ngày 29/9/2024. (Ảnh: Việt Hương)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_01_30_83_51383129/59d2927eaf30466e1f21.jpg)
Cây mai "cổ xù kỳ mỹ" đã được xác lập kỷ lục ngày 29/9/2024. (Ảnh: Việt Hương)
Theo quan niệm của người chơi mai kiểng, một cây mai đẹp phải hội tụ đủ các yếu tố "nhất gốc, nhì thân, tam cành và tứ nụ". Và cây mai của ông Trọng đã đáp ứng đầy đủ những tiêu chí khắt khe này. Chính vì vậy, cây mai vàng này được gọi là "cổ xù kỳ mỹ".
Ngày 20/9/2024, Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam chính thức trao bằng xác nhận cho cây mai vàng "cổ xù kỳ mỹ", khẳng định giá trị độc đáo và hiếm có của cây. Đây là một niềm tự hào lớn không chỉ đối với ông Trọng mà còn cho cả người dân Rạch Giá.
Cặp linh vật Rồng làm bằng gốm nung
Bình Dương đã làm nên kỳ tích khi cho ra đời cặp rồng gốm nung dài nhất Việt Nam, một tác phẩm nghệ thuật độc đáo và ấn tượng.
Hơn 14.000 chiếc lu hũ gốm nung, được bàn tay khéo léo của các nghệ nhân kết nối với nhau, tạo nên một con rồng uy nghi, sải cánh giữa đất trời. Mỗi chiếc vảy rồng đều được nung ở nhiệt độ cao, tạo nên một bề mặt bóng mịn và bền đẹp. Đôi mắt rồng long lanh, như đang dõi nhìn về tương lai, mang đến cảm giác bình yên và an lành.
![Cặp rồng được lắp ghép hai bên thành cầu Bà Sảng, đường Hồ Văn Cống. (Ảnh: Huỳnh Nhi)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_01_30_83_51383129/5b7391dfac9145cf1c80.jpg)
Cặp rồng được lắp ghép hai bên thành cầu Bà Sảng, đường Hồ Văn Cống. (Ảnh: Huỳnh Nhi)
Cặp rồng không chỉ là một biểu tượng của sức mạnh và quyền lực, mà còn là biểu tượng của sự trường tồn và phát triển. Hình ảnh con rồng từ lâu gắn liền với văn hóa Việt Nam, tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng và sức sống mãnh liệt.
Tết Nguyên Đán với những kỷ lục độc đáo trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Việt. Những kỷ lục này không chỉ mang lại niềm vui, sự thích thú mà còn góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của cộng đồng.