Những kình ngư gắn liền với cuộc sống biển cả đại dương

Một hòn đảo cách phía nam của Bán đảo Triều Tiên 50 dặm (80 km) là nơi sinh sống của một cộng đồng phụ nữ độc đáo và nổi tiếng: Haenyeo.

Nhóm Haenyeo (thợ lặn nữ) đi bộ trên bãi biển sau khi lặn ở Đảo Jeju, Hàn Quốc vào ngày 19.11.2023. Ảnh: Xinhua/Shutterstock

Nhóm Haenyeo (thợ lặn nữ) đi bộ trên bãi biển sau khi lặn ở Đảo Jeju, Hàn Quốc vào ngày 19.11.2023. Ảnh: Xinhua/Shutterstock

Theo hãng CNN, những người phụ nữ trong cộng đồng Haenyeo lặn quanh năm ngoài khơi đảo Jeju để thu thập nhím biển, bào ngư và các loại hải sản khác từ đáy đại dương.

Họ lặn xuống độ sâu tới 60 feet (18 mét) dưới bề mặt nhiều lần trong bốn đến năm giờ mỗi ngày. Dù là trong suốt thời kỳ mang thai và cho đến tận khi về già, họ chỉ cần một bộ đồ lặn, mà không cần bất kỳ thiết bị thở nào.

"Chúng tôi nghĩ rằng trong hàng nghìn năm, những người thợ lặn Haenyeo đã làm những điều đáng kinh ngạc theo kiểu mẫu hệ", Melissa Ann Ilardo, một nhà di truyền học và là trợ lý giáo sư về tin học y sinh tại Đại học Utah cho biết.

Bà Melissa Ann Ilardo cho rằng những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở đây cũng học cách lặn và theo nghề từ mẹ. Họ đi ra ngoài theo nhóm và lặn dưới đại dương sâu trong thời gian dài.

Cùng với các đồng nghiệp ở Hàn Quốc, Đan Mạch và Mỹ, nhà nghiên cứu Ilardo hiện muốn tìm hiểu cách những người phụ nữ này đã làm gì để tạo nên kỳ tích thể chất đáng kinh ngạc này.

Cụ thể, các nhà nghiên cứu tự hỏi liệu những thợ lặn này có gen di truyền để giúp họ lặn sâu mà không cần oxy trong thời gian dài như vậy? Hay đó là kết quả của cả một đời rèn luyện.

Những phát hiện trong cuộc điều tra, được công bố trên tạp chí khoa học Cell Reports vào ngày 2.5, đã phát hiện ra những khác biệt di truyền độc đáo mà cộng đồng Haenyeo thích nghi để đối phó với căng thẳng sinh lý khi lặn tự do.

Các nhà nghiên cứu cho biết đây là một khám phá mới, và có thể một ngày nào đó mang đến một phương pháp điều trị tốt hơn cho bệnh rối loạn huyết áp.

“Đó là một hòn đảo xinh đẹp, đôi khi còn được gọi là Hawaii của Hàn Quốc. Có đường bờ biển ở khắp mọi nơi, giàu tài nguyên, vì vậy bạn có thể tưởng tượng: dù sống ở nơi nào như vậy, chúng ta đều muốn trải nghiệm,” bà Ilardo nói.

Lặn biển đã là một phần của văn hóa Jeju trong nhiều năm. Bà Ilardo không rõ từ khi nào môn thể thao này đã trở thành hoạt động chỉ dành cho phụ nữ. Từ xa xưa, lặn biển là một phần không thể thiếu của người dân đảo Jeju.

Tuy nhiên, phong tục này đang dần biến mất. Ngày nay, rất ít phụ nữ trẻ muốn tiếp tục truyền thống lặn biển theo kiểu mẫu hệ nữa.

"Nhóm thợ lặn Haenyeo hiện tại, với độ tuổi trung bình khoảng 70, có thể được xem là đại diện cho thế hệ cuối cùng", các nhà nghiên cứu lưu ý trong nghiên cứu.

Gen di truyền từ xa xưa

Trong một nghiên cứu, bà Ilardo và các đồng nghiệp đã thực hiện khảo sát ở 30 thợ lặn Haenyeo, 30 phụ nữ không phải thợ lặn đến từ Jeju và 31 phụ nữ từ đất liền Hàn Quốc.

Độ tuổi trung bình của những người tham gia là 65. Các nhà nghiên cứu đã so sánh nhịp tim, huyết áp và số đo trung bình của lá lách từ những người tham gia và giải trình tự bộ gen của họ từ các mẫu máu.

Phân tích cho thấy những người tham gia đến từ đảo Jeju — cả thợ lặn và không phải thợ lặn — có biến thể gen liên quan đến huyết áp thấp.

Ilardo giải thích: "Huyết áp tăng lặn". Các nhà nghiên cứu tin rằng đặc điểm này có thể là quá trình thích nghi giữ an toàn cho thai nhi vì người Haenyeo lặn trong suốt thai kỳ.

Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện những người dân ở Jeju có biến thể gen tăng cường khả năng chịu lạnh và chịu đau.

Mục tiêu cho các loại thuốc mới

Theo ông Ben Trumble, phó Giáo sư tại Đại học Tiểu bang Arizona, biến thể di truyền mà các nhà nghiên cứu xác định được ở cư dân Jeju có liên quan đến huyết áp thấp hơn.

"Những người có gen này có huyết áp giảm hơn 10% so với những người khác. Đó là một phát hiện khá ấn tượng. Nếu có thể tìm ra những thay đổi nào trong protein ảnh hưởng đến huyết áp, chúng ta có khả năng tạo ra các loại thuốc mới", ông Trumble, người không tham gia vào nghiên cứu, nói.

Hầu hết các nghiên cứu y khoa và di truyền đều được thực hiện ở các khu công nghiệp hóa, thường là ở các trung tâm thành phố, khiến cách tiếp cận của nhà di truyền học Ilardo trở nên có giá trị.

Lịch sử loài người bắt đầu từ hoạt động săn bắn hái lượm. Ilardo cho biết bà hy vọng sẽ tiếp tục nghiên cứu về những thợ lặn nữ ở Jeju và hiểu sâu hơn về những tác động y tế.

Theo bà Ilardo, nghiên cứu này cho thấy những người phụ nữ này thật phi thường. Có điều gì đó khác biệt về mặt sinh học, khiến họ trở nên cực kỳ đặc biệt. Những gì họ làm là duy nhất và đáng được tôn vinh.

Trong suốt mùa đông, họ lặn khi trời có tuyết rơi và trong những năm 1980, người Haenyeo thậm chí chỉ lặn trong trang phục cotton mà không hề được bảo vệ.

"Chúng ta cần khám phá thêm và tìm ra câu trả lời cho nhiều điều hơn nữa trong thời gian tới", Ilardo nói.

HỒNG NHUNG

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/du-lich/nhung-kinh-ngu-gan-lien-voi-cuoc-song-bien-ca-dai-duong-131515.html
Zalo