Những khó khăn khi các công ty phương Tây rút khỏi Nga

Việc rút lui khỏi thị trường Nga không chỉ đơn giản là quyết định kinh doanh, mà còn khiến các công ty phương Tây đối mặt với những khó khăn về pháp lý và tài chính, đồng thời đặt họ vào tình thế khó xử lý giữa áp lực quốc tế và lợi ích kinh tế.

Bất chấp áp lực từ phương Tây, các doanh nghiệp của họ vẫn hoạt động tại Nga vì nhiều lý do khác nhau. Ảnh minh họa: TASS

Bất chấp áp lực từ phương Tây, các doanh nghiệp của họ vẫn hoạt động tại Nga vì nhiều lý do khác nhau. Ảnh minh họa: TASS

Theo bình luận của nhà phân tích Stefania Kolarz tại Viện Các vấn đề Quốc tế Ba Lan (PISM) mới đây, cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra vào năm 2022 đã tạo ra một cuộc khủng hoảng lớn đối với các doanh nghiệp phương Tây hoạt động tại Nga.

Trước cuộc xung đột, khoảng 2.400 công ty từ EU và các nước G7 có mặt tại Nga. Tuy nhiên, theo số liệu từ Trường Kinh tế Kiev, tính đến cuối tháng 9 năm nay, hơn 420 công ty trong số trên đã rời khỏi, bán cổ phần hoặc ngừng toàn bộ hoạt động kinh doanh tại Nga (ví dụ: IKEA) và gần 790 công ty đã chính thức đình chỉ hoạt động ở đây (ví dụ: BP, BMW, Chanel, Apple).

Cùng với đó, hơn 360 công ty đã giảm phạm vi dịch vụ hoặc sản phẩm được cung cấp (ví dụ: Pirelli) và gần 140 kế hoạch đầu tư bị trì hoãn. Một số công ty tự mình rút lui, một số khác do áp lực của dư luận phương Tây, chẳng hạn như Shell và Total Energies. Mặc dù vậy, vẫn có hơn 1 nghìn công ty phương Tây tiếp tục hoạt động ở Nga, ví dụ như Storck và Orange.

Những công ty quyết định ở lại thị trường Nga vì nhiều lý do khác nhau. Trong các lĩnh vực như thực phẩm, dược phẩm và hóa chất nông nghiệp, các doanh nghiệp này biện minh rằng họ cần ở lại để cung cấp các nhu cầu cơ bản cho dân thường, đặc biệt là vấn đề nhân đạo liên quan đến lĩnh vực y tế và chống nghèo đói. Họ cũng đề cập đến vấn đề việc làm, ví dụ như công ty Auchan, với khoảng 29.000 nhân viên tại Nga, cho rằng việc duy trì hoạt động là cần thiết để duy trì công việc.

Các công ty khác, như Bonduelle của Pháp, viện dẫn rằng các quy định của quốc gia và EU trong một số lĩnh vực không cấm hoạt động tại Nga. Tuy nhiên, vẫn có mối lo ngại rằng việc nộp thuế tại Nga đồng nghĩa với việc gián tiếp tài trợ cho cuộc xung đột ở Ukraine. Một số doanh nghiệp, trong khi duy trì sự hiện diện tại Nga, đã thực hiện các biện pháp giảm thiểu tổn thất hình ảnh, như Pfizer và Nestle đã quyên góp lợi nhuận để hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine.

Ngoài ra, nhiều công ty hoạt động theo mô hình nhượng quyền thương mại gặp khó khăn trong việc rút lui hoàn toàn. Ví dụ, Burger King với hơn 800 nhà hàng và Subway với khoảng 450 chi nhánh tại Nga đang phải đối mặt với thách thức khi không thể kiểm soát hoạt động của các đối tác nhượng quyền tại thị trường này. Các công ty này, dù chính thức tuyên bố rút lui, vẫn không có quyền lực đủ mạnh để buộc các đối tác dừng hoạt động dưới tên thương hiệu của họ.

Một yếu tố khác khiến việc rời khỏi thị trường Nga trở nên phức tạp là các thay đổi pháp lý trong nước. Kể từ khi cuộc chiến bắt đầu, Nga đã ban hành các quy định mới cho phép chuyển giao quyền sở hữu các doanh nghiệp thuộc về "các quốc gia không thân thiện" cho cơ quan quản lý tài sản nhà nước Rosimushchestvo, trong trường hợp có hành động "thù địch" từ các quốc gia đó.

Việc rút lui khỏi thị trường Nga cũng ngày càng trở nên khó khăn và tốn kém đối với các doanh nghiệp phương Tây, do chi phí pháp lý và các yêu cầu về sự đồng ý của chính quyền Nga để chuyển tài sản ra nước ngoài hoặc bán cổ phần trong các lĩnh vực chiến lược như năng lượng và ngân hàng. Hơn nữa, chế độ trừng phạt của EU cũng làm giảm khả năng vận chuyển tài sản cố định và chuyển tiền, khiến việc tìm kiếm người mua phù hợp càng trở nên khó khăn.

Các công ty phương Tây còn lo ngại rằng nếu bán tài sản cho các đối tác từ Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Ấn Độ, những đối thủ này sẽ chiếm lĩnh thị trường và tiếp quản bí quyết kinh doanh của họ. Một số công ty cũng tìm cách duy trì quyền từ chối đầu tiên (Right Of First Refusal) trong trường hợp họ muốn quay trở lại thị trường Nga sau khi xung đột kết thúc.

Chi phí pháp lý liên quan đến việc rút lui còn bao gồm các khoản bồi thường và tiền phạt hợp đồng, điều này khiến nhiều doanh nghiệp phương Tây do dự trong việc đưa ra quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, các công ty đình chỉ hoạt động mà không có lý do chính đáng có thể bị điều tra và quản lý bởi chính quyền Nga. Điều này đã thuyết phục nhiều công ty, như Auchan, tiếp tục điều hành các công ty con của họ để tránh bị cáo buộc chống Nga hoặc bị tiếp quản với lý do bảo hộ phá sản.

Có thể nói, Nga đã sử dụng hiệu quả các công cụ pháp lý và kinh tế để gây áp lực lên các doanh nghiệp phương Tây, nhằm giữ họ trên thị trường. Nhưng xung đột càng kéo dài, lợi nhuận của các công ty này càng giảm, buộc họ phải đưa ra quyết định khó khăn giữa việc rút lui hay tiếp tục hoạt động tại một thị trường đầy rủi ro.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo PISM)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/nhung-kho-khan-khi-cac-cong-ty-phuong-tay-rut-khoi-nga-20241015164014988.htm
Zalo