Những hy sinh thầm lặng vì Thành phố thân yêu

Trong công cuộc giữ bình yên cho Thành phố, không ít lần máu các chiến sĩ Công an TPHCM đã đổ xuống. Nhân kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống lực lượng CAND (19/8/1945 - 19/8/2024); 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng thời nhân dịp Công an TPHCM vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, chúng tôi một lần nữa xin nhắc lại sự hy sinh anh dũng, cao quý của các anh như một lời nguyện cầu; đồng thời nhắc nhở các thế hệ mai sau hãy ghi nhớ và phải trân quý những gì chúng ta đang có được.

Những dòng hồi ký đẫm lệ

Cách đây tròn 18 năm, người dân Thành phố và nhiều địa phương vô cùng xúc động khi biết tin người chiến sĩ hình sự trẻ tuổi CAQ11 đã trút hơi thở cuối cùng, để lại đứa con thơ mới lên 10 và tài sản duy nhất là quyển hồi ký viết vội trong những ngày chống chọi bệnh tật. Đó chính là Liệt sĩ, Thượng úy Nguyễn Thành Dũng công tác tại Đội Cảnh sát hình sự Công an Quận 11. Trong quá trình đấu tranh, truy bắt tội phạm anh đã bị nhiễm HIV, sau đó vô tình lây nhiễm cho vợ của mình.

Tháng 8/1994, Nguyễn Thành Dũng nhận quyết định về công tác tại Đội Cảnh sát hình sự Công an Quận 11. Với một địa bàn phức tạp, có nhiều tụ điểm mua bán ma túy và nhiều thành phần bất hảo, Nguyễn Thành Dũng bắt đầu cuộc chiến đấu cam go khốc liệt. Tháng 10/1998, tại khu vực bãi đất trống (bấy giờ là trường học Chu Văn An, Quận 11) là một tụ điểm mua bán ma túy. Qua truy xét, Nguyễn Thành Dũng cùng đồng đội ập vào khống chế một đối tượng cao to với những hình xăm vằn vện. Anh đã bị hắn đâm nhiều nhát dao vào người. Cả hai vật lộn, cuối cùng đối tượng phải chịu tra tay vào còng trước sự dũng cảm của Dũng.

Quyển hồi ký của Thượng úy Nguyễn Thành Dũng đang được trưng bày tại Bảo tàng CAND

Quyển hồi ký của Thượng úy Nguyễn Thành Dũng đang được trưng bày tại Bảo tàng CAND

Tháng 4/2001, sau một đợt truy quét những đối tượng tổ chức lấy chồng Đài Loan tại công viên Lãnh Binh Thăng, phát hiện nhiều kim tiêm còn dính máu của con nghiện (khu vực này có nhiều trẻ con thường xuyên chạy nhảy nô đùa), sợ người khác dẫm phải, anh lặng lẽ nhặt từng chiếc đem bỏ vào bịch và sơ ý bị một ống kim rơi xuống làm chảy máu ở chân. Tháng 02/2002, anh bị sốt cao kéo dài vào mỗi lúc hoàng hôn, nghĩ bị sốt rét, anh vào Bệnh viện 30/4 để xét nghiệm máu. Cầm tờ kết quả trên tay, vợ anh bật khóc nức nở, còn anh thì chết lặng... Anh không biết mình bị lây nhiễm HIV trong trường hợp nào mà chỉ ân hận một điều rằng: "Mình không biết sớm để tránh lây nhiễm cho vợ".

Đầu năm 2006, trong bệnh viện, khi sức khỏe ngày càng xuống dốc, anh bảo sẽ viết hồi ký để lại cho con trai. Con anh còn quá nhỏ, những lời dặn dò của anh bây giờ sợ bé sẽ mau quên. Anh muốn ghi lại một phần đời ngăn ngủi của mình để sau này con anh đọc, nó sẽ tự hiểu về người cha, người mẹ của mình.

Nhìn những dòng chữ ngoằn ngoèo trong quyển hồi ký viết tay: "... Ngày 26/1/1995 thì đám cưới của ba và mẹ được tiến hành. Một đám cưới giản dị nhưng tràn đầy hạnh phúc. Đầu tháng 4/1995, mẹ báo tin vui cho ba biết là mẹ đã có thai, ba mừng quá ôm mẹ nâng cao và hôn nhẹ vào bụng mẹ: "Cảm ơn em, anh ước gì nó là con trai...". Mẹ cười: "Em thì trai gái gì cũng được". Lúc này, lương chiến sĩ cũng nghèo lắm, nhưng ba cũng cố dành dụm để lo cho con. Rồi 9 tháng cũng qua, ngày 24/1/1996, ba mừng đến rơi nước mắt khi nghe tiếng khóc chào đời của con. Cuộc sống của gia đình ta thật hạnh phúc...".

"Con là hoàng tử của ba, con đi học về lại hát cho ba nghe... Ba cầu mong cuộc sống cứ êm đềm như thế. Dự định đến đầu năm 2003 thì sẽ sanh cho con một đứa em nữa cho vui cửa vui nhà...".

"... Nhưng nỗi đau của mẹ con quá lớn. Có lúc mẹ lén lấy thuốc ngủ của nội con ra uống định chết cho xong, nhưng không hiểu sao chính lúc ấy con thức giấc và khóc làm mẹ chợt tỉnh ngộ bỏ qua ý định ấy. Còn ba thì luôn bỏ ăn, bỏ uống cho đến lúc suy kiệt rồi bất tỉnh. Ngày 4/3/2002, khi tỉnh dậy thì thấy ba đang nằm ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, lại có mẹ bên cạnh nuôi ba... Mẹ an ủi ba đừng bi quan "rồi anh sẽ khỏe về với em, hai đứa mình nương tựa nhau mà sống để nuôi con".

Và vợ anh đã sống với anh hơn 4 năm nữa. Đến cuối năm 2005, chị qua đời. Căn nhà nhỏ quạnh hiu giữa cánh đồng lộng gió thuộc xã Hưng Long, huyện Bình Chánh chỉ còn lại anh và người mẹ già. Tuy bị bệnh tâm thần nhưng nhìn dáng vẻ tiều tụy, buồn bã của Dũng, dường như bà cũng hiểu được nỗi lòng của cậu con trai. Vừa tự chăm sóc mình, hàng ngày Dũng đi chợ, nấu cơm, giặt giũ cho mẹ. Dồn hết sức lực còn lại báo hiếu cho mẹ, hàng ngày Dũng đút cơm cho mẹ ăn, đưa bà đi tắm. Trước ngày hôn mê, Dũng còn nhẹ nhàng chăm mẹ.

Vợ và con Liệt sĩ Phùng Trung Thành sau một năm anh mất

Vợ và con Liệt sĩ Phùng Trung Thành sau một năm anh mất

Niềm an ủi của vợ chồng anh là đứa con trai không bị nhiễm bệnh. Để con được an toàn, hai vợ chồng quyết gửi con về bên ngoại. Những ngày nhớ con, chiều nào cũng vậy, Dũng khoác lên người bộ quân phục công an rồi đi ra đầu đường Tân Liễu, nơi có chiếc ghế đá. Anh ngồi đấy... chờ con đi học về, cố ngoái nhìn mặt con, dẫu chỉ thoáng qua. Có hôm, ông ngoại để cháu xuống xe, chào ba một tiếng rồi đi ngay. Dẫu đau nhưng Dũng không dám ôm con vì anh sợ căn bệnh kia có thể tấn công cơ thể non nớt của con bất cứ lúc nào.

Ai đã từng một lần đọc quyển hồi ký của anh đều không thể cầm lòng mình trước những điều tâm huyết tận đáy lòng của một chiến sĩ CAND đã hết mình cống hiến cho Tổ quốc và kiên trì chống chọi với bệnh tật, làm sáng ngời phẩm chất của người chiến sĩ Công an. Ở đó, mọi người sẽ bắt gặp hình ảnh một người cha yêu thương con hết mực, chăm lo cho gia đình và lúc nào cũng tận tụy với công việc. Ngôn ngữ thân thiện, giản dị của quyển hồi ký đã làm rung động trái tim của những ai đã từng đọc nó.

Cùng một nỗi đau

Không cùng màu áo xanh CSHS với Nguyễn Thành Dũng, nhưng cả hai đều có điểm chung nhất là sẵn sàng hy sinh vì bình yên của Thành phố thân yêu. Đó chính là tấm gương của Liệt sĩ Phùng Trung Thành, Trung úy CSGT (thuộc Phòng CSGT Công an TPHCM). Ngày anh hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ, hạnh phúc gia đình nhỏ đầm ấm phút chốc tan vỡ. Ngày ấy, khi cậu con trai của anh sắp bước vào lớp 1, bất ngờ đã mất cha. Chị Phạm Thị Kim Chi vẫn còn nhớ như in hình ảnh người chồng lúc nào cũng thương yêu vợ. Thế nhưng, vào đêm định mệnh đó, trước khi ra khỏi nhà, anh còn căn dặn chị khóa cửa cẩn thận. Ấy vậy mà không thể nào ngờ, đó là những lời nói cuối cùng của anh....

Chôn giấu niềm đau, chị Chi chỉ biết trải lòng vào từng trang nhật ký "... Trưa nay, làm việc xong, em về nhà. Căn phòng nhỏ vốn ấm cúng khi có anh, giờ lạnh lẽo quá. Em vẫn nhớ những buổi trưa anh về sớm, cặm cụi vào bếp nấu cơm. Anh nấu ăn ngon lắm, món thịt bò xào sả nghệ, lúc nào anh cũng phải tự cắt gọt từng củ sả, củ nghệ. Nhờ anh, em ăn nhiều hơn...".

"... Em nhớ có tối em đi làm về, đầu tóc dơ lắm, nhưng vì mệt quá nên vào buồng ngủ luôn. Anh chẳng nói gì, lẳng lặng dậy nấu nước cho em tắm. Rồi anh ngồi bên ngắm em hong tóc, bàn với nhau chuyện về quê thăm ba. Lúc đó, em thấy hạnh phúc. Nhưng đến tận bây giờ em mới hiểu mình đã hạnh phúc đến thế nào...". Đã bao đêm chị giật mình thức giấc. Tiếng gió khẽ lùa vào cánh cửa làm chị ngỡ chồng mình vừa đi trực về nhưng rồi chị chợt nhận ra. "Tất cả những mong ước bình dị nhất giờ cũng trở nên quá xa vời với mẹ con em...". Sau gần 20 năm anh rời xa chị và con, giờ đây, khi nhắc về anh, người thân và đồng đội vẫn luôn nhắc về sự hy sinh quả cảm của người chiến sĩ CAND hết lòng, tận tụy vì công việc.

Chẳng ai muốn giữa thời thanh bình lại có thêm những liệt sĩ. Nhưng rồi đâu đó trên đất nước này vẫn có những người như các anh Nguyễn Thành Dũng, Phùng Trung Thành đã ngã xuống để giữ gìn bình yên cho Thành phố thân yêu.

Quỳnh Hương

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/nhung-hy-sinh-tham-lang-vi-thanh-pho-than-yeu_166129.html
Zalo