Những hòn ngọc xanh giữa dòng Sông Hậu
Dọc theo tuyến đường Nam sông Hậu, ở giữa dòng sông Hậu chở nặng phù sa có rất nhiều dải đất cù lao xanh um bạt ngàn cây trái. Với vẻ đẹp từ thiên nhiên, không khí trong lành được sông Hậu hào phóng ban tặng để hình thành nên dải đất cù lao này. Ngày nay, đất cù lao không còn là 'ốc đảo' chơi vơi giữa lòng sông Hậu mà đã bắt đầu chuyển mình vươn ra biển lớn.
Kỳ 2: Cù Lao Dung - "Ốc đảo xanh" chuyển mình vươn ra biển lớn
Rời cồn Phong Nẫm của huyện Kế Sách, chúng tôi tiếp tục hành trình xuôi dòng sông Hậu đến với huyện Cù Lao Dung. Nơi đây, không khí trong lành, đất đai trù phú; đây chính là sự hào phóng mà sông Hậu đã ban tặng để hình thành nên dải đất cù lao này. Đất cù lao không còn là "ốc đảo" chơi vơi giữa lòng sông Hậu mà đã bắt đầu chuyển mình vươn ra biển lớn.
Chuyến phà sớm đưa chúng tôi từ vàm Đại Ngãi sang xã An Thạnh 1 (xã thuộc huyện Cù Lao Dung, đây là xã nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng) trong một ngày cuối năm 2024. Phà cặp bến, dòng người tấp nập ngược xuôi ngày cuối năm với nụ cười tươi rói khi vụ mùa bội thu. Cù Lao Dung hiện ra với những nếp nhà khang trang thay thế cho những ngôi nhà tạm bợ; trên những tuyến đường, từng chuyến xe chở nặng các loại trái cây đặc sản đang vào mùa thu hoạch chính vụ đi về các chợ đầu mối.

Xoài vào mùa thu hoạch chính vụ. Ảnh: HOÀNG PHÚC
Chị Đặng Thị Thảo Ly, xã An Thạnh 1 chia sẻ: “Tôi có vườn cây ăn trái hơn 1ha trồng xoài cát chu, xoài Đài Loan, mỗi năm thu hoạch 2 vụ, nguồn thu cũng ổn định. Tận dụng vườn xoài, tôi làm du lịch sinh thái đón du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Khách du lịch đến đông nhất là vào các ngày lễ, Tết, ngày nghỉ cuối tuần”.
Cũng giống như cồn Phong Nẫm, dải đất Cù Lao Dung cũng được mệnh danh là “đảo ngọt”. Tên gọi đảo ngọt thuở xa xưa ấy, giờ chính là huyện Cù Lao Dung nằm giữa dòng sông Hậu mênh mang, hiền hòa với đặc thù là vùng nước ngọt, vùng nước lợ và cả vùng nước mặn. Cù Lao Dung này là nơi duy nhất ở Sóc Trăng có tới 3 cửa biển trong số 9 cửa biển hình thành nên Cửu Long giang đổ thẳng ra biển Đông được ghi danh trong sử sách xưa. Hiện nay, nơi đây chỉ còn 2 cửa biển là cửa Định An giáp ranh với tỉnh Trà Vinh và cửa Trần Đề thuộc tỉnh Sóc Trăng. Về địa danh Cù Lao Dung thì được đề cập khá nhiều trong văn bản hành chính của thời nhà Nguyễn và thời Pháp thuộc với các tên gọi khác nhau như Huỳnh Dung Châu (theo Di cảo của Trương Vĩnh Ký), Cù lao vuông... Và khi ngược dòng lịch sử trở về quá khứ, Cù Lao Dung trước kia chỉ có 3 làng là An Thạnh Nhất, An Thạnh Nhì và An Thạnh Tam (3 địa danh này được ghi lại trong địa danh Trương Vĩnh Ký), với 3 cửa biển Định An, Trấn Di (nay là cửa Trần Đề) và Ba Thắc. Trong thời kỳ bôn tẩu ven các vùng biển phía Nam, chúa Nguyễn Ánh (sau này là vua Gia Long) đã có một thời gian khá dài nương náu nơi đây. Những con rạch nơi chúa Nguyễn trú ngụ được người dân địa phương gọi là rạch Long Ẩn (nơi vua trú ngụ), rạch Trường Tiền (xưởng đúc tiền lưu hành trong quá trình bôn tẩu). Cuối năm 1998, Sóc Trăng kéo điện lưới quốc gia bằng hai trụ điện cao hơn 90 mét vượt sông Hậu về 4 xã cù lao, phục vụ hơn 4.000 hộ khi đó. Đến năm 2002, huyện Cù Lao Dung được thành lập trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính của huyện Long Phú với 8 xã, thị trấn nằm ở cuối lưu vực sông Mê Kông, giáp với biển Đông.
Và đến với Cù Lao Dung hôm nay, mọi người không thể không ngỡ ngàng và say đắm trước những vườn cây trĩu quả, tập trung ở các xã An Thạnh 1, An Thạnh Tây, An Thạnh Đông và thị trấn Cù Lao Dung. Các loại cây trồng này đã và đang mang lại "vị ngọt" cho đời sống bà con. Những vườn cây ăn trái còn tạo điều kiện để phát triển du lịch vườn ở xã An Thạnh 1 và An Thạnh Tây, với rất nhiều chủng loại, có hương vị đặc trưng, trong đó, có những loại trái cây đặc sản mà khi đến đây, du khách rất thích thú và thường mua về làm quà.

Đền thờ Bác Hồ, tại ấp Đền Thờ, xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) là di tích lịch sử và văn hóa cấp quốc gia của tỉnh. Ảnh: HOÀNG PHÚC
Cù Lao Dung còn có những điểm du lịch truyền thống, về nguồn, là những di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và cấp quốc gia, rất thích hợp cho những ai muốn tìm hiểu về nguồn cội, về một thuở hào hùng của ông cha ta trong đấu tranh giữ nước. Nổi tiếng nhất là Đền thờ Bác Hồ, tại ấp Đền Thờ, xã An Thạnh Đông, đây là di tích lịch sử và văn hóa cấp quốc gia của tỉnh. Đền thờ Bác Hồ được Đảng bộ và nhân dân Cù Lao Dung xây dựng lên khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước còn trong giai đoạn ác liệt nhất và đã quyết tâm bảo vệ, gìn giữ cho đến ngày chiến thắng. Đội du kích Long Phú ra đời vào những năm chống thực dân Pháp xâm lược và đã chặn đánh bọn Pháp khi chúng mò sang vùng cù lao lùng sục. Đặc biệt là những trận phục kích ở Rạch Già của du kích xã An Thạnh Nhì và các đơn vị tự vệ chiến đấu của huyện Long Phú làm cho quân thù khiếp vía bạt hồn.
Theo lãnh đạo huyện Cù Lao Dung, năm 2024, tình hình sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định; sản xuất thương mại dịch vụ có bước phát triển ổn định. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, tiến bộ; công tác giáo dục và đào tạo tiếp tục được quan tâm thực hiện, huy động học sinh đi học đúng độ tuổi đạt chỉ tiêu đề ra; duy trì và nâng chất 30/30 trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân thực hiện tốt; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững, ổn định; công tác quân sự, quốc phòng địa phương được triển khai đồng bộ, chặt chẽ, nghiêm túc. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được tăng cường; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoàn thành tốt các nội dung chương trình làm việc của Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy năm 2024.
Trời đã xế chiều, về ngang thị trấn Cù Lao Dung nghe lòng nôn nao khi chứng kiến sự đổi thay của cù lao miệt sông nước. Trong tương lai không xa, khi cầu Đại Ngãi nối nhịp đôi bờ với tỉnh Trà Vinh của Quốc lộ 60, với sự đầu tư điện gió, năng lượng mặt trời, cảng nước sâu… cùng với nguồn lực đầu tư từ các dự án, chương trình hỗ trợ, Cù Lao Dung sẽ có nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, trong đó cơ hội lớn nhất phải kể đến là du lịch với rất nhiều tiềm năng. Đất cù lao không còn là "ốc đảo" chơi vơi giữa lòng sông Hậu mà đã bắt đầu chuyển mình vươn ra biển lớn.