Những hồi ức quý giá về người lính

Cả 2 ấn phẩm Bầu trời - Trường đại học của tôi và Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, được ra mắt vào đúng dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, mang đến cho bạn đọc tư liệu quý giá về người lính ở những cương vị khác nhau.

1. Trung tướng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Soát nhập ngũ vào không quân ngày 4-7-1965, sau khi thi tốt nghiệp phổ thông. Chỉ hơn 20 ngày sau khi nhập ngũ, vào ngày 27-7-1965, ông cùng 58 học viên khác đã lên tàu từ ga Hàng Cỏ (nay là ga Hà Nội) sang Liên Xô học lái máy bay chiến đấu, bỏ lại đằng sau giấy báo tập trung đi học đại học ở Cộng hòa Dân chủ Đức, một tờ giấy mà không ít người tốt nghiệp lớp 10 cùng thời với ông mơ ước. “Đời bay” của ông được bắt đầu từ đó.

 Tác giả - Đại tá Phạm Công Chững (phải) cùng một số nhân chứng lịch sử tại chương trình giao lưu, giới thiệu ấn phẩm

Tác giả - Đại tá Phạm Công Chững (phải) cùng một số nhân chứng lịch sử tại chương trình giao lưu, giới thiệu ấn phẩm

Như một sự tiếp nối từ Nhật ký phi công tiêm kích vào năm 2020, năm nay, Trung tướng Nguyễn Đức Soát ra mắt Bầu trời - Trường đại học của tôi (NXB Trẻ). Thay vì hình thức viết nhật ký như trước, ở ấn phẩm lần này, ông tự mình chấp bút, ghi lại cuộc đời của mình cũng như của những người lính từng chiến đấu trên bầu trời. Cả cuộc đời gắn liền với nghiệp bay, vậy nên, không có gì khó hiểu khi ông gọi bầu trời chính là trường đại học của mình: “Tôi có cảm tưởng đời bay của mình giống cuộc đời của một sinh viên trong một trường đại học đặc biệt. Mình học mãi không hết, vì kỹ thuật không ngừng phát triển, các loại máy bay tiên tiến hơn liên tục xuất hiện, thay thế các máy bay thuộc thế hệ trước…”.

Bầu trời - Trường đại học của tôi hấp dẫn, lôi cuốn bởi những trận không chiến ác liệt, vừa cho thấy những hiểm nguy, “có thể hy sinh bất cứ khi nào” của những người lính Không quân Nhân dân Việt Nam. Nhưng dẫu vậy, theo tác giả, ông kể về những mất mát không chỉ trong chiến đấu, mà trong cả thời bình và tai nạn xảy ra với cả những phi công chiến đấu đã có thành tích, có kinh nghiệm, không phải để các bạn trẻ có nguyện vọng trở thành phi công chiến đấu khi đọc những đoạn này sẽ nản chí. “Tôi chỉ muốn khẳng định, đây là một công việc nguy hiểm, đòi hỏi người phi công lúc nào cũng phải tập trung mọi tinh lực để có thể học lái tốt, bay tốt và sẵn sàng xử lý thành thục mọi tình huống bất trắc có thể gặp trong các chuyến bay”, Trung tướng Nguyễn Đức Soát bày tỏ.

2. Hầu như ai cũng biết, một trong những đơn vị tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam chính là Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, được đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị thành lập, giao đồng chí Võ Nguyên Giáp tổ chức thành lập vào ngày 22-12-1944. Nhưng những thông tin chi tiết, những câu chuyện về các nhân vật trong đội thì không phải ai cũng biết. Vì lẽ đó, ấn phẩm Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (NXB Kim Đồng) của Đại tá - PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (Bộ Quốc phòng), nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), được xem là tư liệu quý giá cho những bạn trẻ ngày nay.

Thông qua ấn phẩm này, bạn đọc sẽ hiểu hơn về quá trình hình thành và phát triển của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân với những trận đánh giành thắng lợi đầu tiên, tờ báo đầu tiên, liệt sĩ đầu tiên của quân đội ta... Cũng qua cuốn sách, bạn đọc sẽ hiểu được vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn Cao Bằng làm căn cứ địa cách mạng mà không phải là một tỉnh nào khác ở vùng núi phía Bắc...

Bên cạnh đó, ấn phẩm còn cung cấp cho bạn đọc danh sách 34 đội viên của những ngày đầu thành lập đội. Đây có lẽ là lần đầu tiên, danh sách, tiểu sử của 34 đội viên này đến với bạn đọc một cách đầy đủ và chính xác đến vậy. Theo chia sẻ của tác giả, việc xác minh chính xác 34 đội viên này rất khó, bởi hôm thành lập đội tại khu rừng Trần Hưng Đạo, những người được triệu tập về khá đông, từ các địa phương (mà chủ yếu ở Cao Bằng) cùng đại biểu các đoàn thể và bà con địa phương quanh vùng. Khi làm lễ thành lập và tuyên thệ, lúc đó trời sẩm tối, giữa rừng già heo hút và mùa đông giá rét âm u nên không nhìn rõ hết mặt nhau, chưa kể khi ấy nhiều đội viên chỉ mang bí danh hoạt động...

Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 - 22-12-2024), Sở TT-TT phối hợp một số đơn vị tổ chức Tuần lễ Sách và các hoạt động chào mừng. Tuần lễ đang được diễn ra tại Đường sách TPHCM đến ngày 22-12, có sự tham gia của 24 đơn vị với gần 20 chương trình giới thiệu sách, hoạt động trải nghiệm, biểu diễn, giao lưu về âm nhạc dân tộc chủ đề Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong dịp này, tại Đường sách TPHCM còn diễn ra triển lãm, giới thiệu 343 tư liệu, hình ảnh, xuất bản phẩm chủ đề “Quân đội anh hùng - Quốc phòng vững mạnh” và “Lực lượng vũ trang TPHCM viết tiếp truyền thống anh hùng”.

HỒ SƠN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhung-hoi-uc-quy-gia-ve-nguoi-linh-post773775.html
Zalo