Những 'hạt giống đỏ' của đoàn Cảnh sát cơ động kỵ binh

Buổi sáng hôm ấy, như thường lệ, đoàn Cảnh sát cơ động kỵ binh (CSCĐ) lại ra sân tập luyện cho đợt xuất quân vào TP Hồ Chí Minh tham gia lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trời vẫn còn se lạnh và hơi ẩm của mùa nồm miền Bắc vẫn còn. Thế nhưng, trong đội quân thiện chiến ấy, có một chú ngựa vắng chủ vẫn ra sân nghiêm túc luyện tập.

1.Chú ngựa ấy tên là Red, thuộc biên chế của Đoàn CSCĐ kỵ binh (Bộ Tư lệnh CSCĐ, Bộ Công an) đóng quân tạm tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền núi xã Bình Sơn, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên (cách Hà Nội khoảng 90 km). Red là chú ngựa giống Mông Cổ được tuyển chọn đưa về Việt Nam huấn luyện từ 5 năm nay.

Red nghiêm chỉnh đứng vào hàng quân và khi hiệu lệnh dứt, chú lên thẳng vị trí của mình là khối trưởng. Red là một trong những chú ngựa cao lớn, khỏe mạnh và thông minh của đoàn kỵ binh. Chú có ngoại hình ưa nhìn, phục tùng, kỷ luật. Huấn luyện viên của Red là Trung úy Đặng Xuân Hoạt, người dân tộc Tày, ở Sín Mần (Hà Giang), đang bị ốm.

Các chiến sĩ Cảnh sát cơ động kỵ binh tập luyện.

Các chiến sĩ Cảnh sát cơ động kỵ binh tập luyện.

Theo lời kể của Thượng tá Lê Sỹ Hà, Phó Trưởng đoàn CSCĐ kỵ binh, thì Hoạt có một tình yêu đặc biệt với người bạn của mình. “Ở đơn vị, anh Hoạt là một trong những chiến sĩ chịu khó tắm, chải, chăm sóc cho ngựa thường xuyên, thường đứng ở chuồng cho ngựa ăn, hết bữa mới đi về. Cán bộ nào thường xuyên quan tâm, yêu ngựa, giao lưu, trò chuyện với ngựa thì ngựa rất nghe lời, mối quan hệ hai bên rất thân thiện. Khi chủ đến bên, ngựa có cảm giác an toàn, yên tâm, hân hoan khi được gặp chủ".

Vắng chủ, đôi mắt Red đượm buồn nhưng tinh thần tập luyện vẫn say mê. Có được sự kỷ luật và nghiêm túc luyện tập của những chiến binh ấy phải kể đến những huấn luyện viên mà Thượng tá Lê Sỹ Hà gọi họ bằng tất cả sự trân trọng: “Những hạt giống đỏ của đội kỵ binh Việt Nam”.

2.Thao trường lộng gió. Đoàn CSCĐ tham gia khối diễu binh gồm 64 kỵ binh, trong đó có 54 kỵ binh khối chính và 10 kỵ binh dự bị. Cả khối chia thành 3 nhóm nhỏ để tập các động tác chạy nước kiệu qua khán đài. Sau 5 năm thành lập, những chú ngựa của đơn vị đã to khỏe, rắn chắc, hình thể dũng mãnh và tuân thủ kỷ luật tốt.

Thượng tá Lê Sỹ Hà chia sẻ: “Các huấn luyện viên là những hạt giống đỏ của đội kỵ binh Việt Nam. Họ là những thanh niên đến đến từ nhiều vùng quê, trong Nam, ngoài Bắc, miền ngược, miền xuôi, có người Kinh và người dân tộc thiểu số, nhưng đều làm việc với một tinh thần và kỷ luật tốt nhất. Sau 5 năm huấn luyện ngựa, họ đã thành thạo những động tác khó, không chỉ tham gia diễu binh, diễu hành mà có thể tham gia những nhiệm vụ đặc biệt trong chiến đấu”.

Sau nhiệm vụ ở hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội nhân kỷ niệm 70 năm CAND làm theo lời Bác, đoàn lại gấp rút luyện tập cho chuyến hành quân hàng ngàn km vào TP Hồ Chí Minh, tham gia vào đợt diễu binh quan trọng kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước. Thiếu úy Quyền Minh Hoàng, cán bộ huấn luyện gắn bó với chú ngựa Kimi hào hứng chia sẻ về niềm vui được góp một phần nhỏ của mình vào ngày lễ đặc biệt của dân tộc.

“Yêu từ cái nhìn đầu tiên”, khi Hoàng thấy một đốm nâu to phía sau lưng Kimi, Hoàng liền chọn. Nó là giống ngựa hoang rất bướng và nguy hiểm, phải mất 3 tháng làm quen, làm thân, vỗ về chăm sóc, Hoàng mới có thể trèo lên lưng ngựa và huấn luyện. Kimi đi công tác cùng Hoàng từ Bắc vào Nam. Với Thiếu úy Quyền Minh Hoàng, công việc huấn luyện ngựa là một cơ duyên, từ niềm yêu thích tò mò về động vật. Đoàn kỵ binh tuyển người, Hoàng viết một lá đơn dài đăng ký, trong đó bày tỏ tình yêu với động vật. Thế là được nhận, rồi gắn bó và yêu. Hiện, Hoàng phải tạm hoãn ngày cưới để hoàn thành nhiệm vụ.

Đó là chuyện bình thường của những người lính đã lựa chọn cuộc đời quân ngũ và những chuyến công tác dài ngày. Với Hoàng, Kimi là bạn. “Những buổi sáng mùa hè nóng bức, Kimi sẽ dễ nổi nóng. Tôi phải dắt Kimi đi dạo vài vòng, vỗ về, trò chuyện rồi mới bắt đầu tập luyện. Với tôi, được tham gia nhiệm vụ đặc biệt này là một vinh dự, được góp vào niềm vui chung của đất nước”. Hoàng quan niệm, công việc nào cũng sẽ vất vả, nếu mình làm bằng tình yêu và trách nhiệm, công việc ấy sẽ trở thành niềm vui...

Vắng chủ nhưng chú ngựa Red vẫn nghiêm túc luyện tập.

Vắng chủ nhưng chú ngựa Red vẫn nghiêm túc luyện tập.

Trung úy Đỗ Quang Thanh và chú bạch mã của mình được giao đảm nhiệm tổ Công an kỳ. Ngựa của anh Thanh cũng sắc vóc khỏe mạnh, cao ráo, lông đuôi óng mượt. "Ngựa đi tổ Công an kỳ sẽ khó hơn một chút vì phải giữ được ổn định, căn được hàng, làm chuẩn để kỵ binh đi sau thẳng hàng hơn. Đồng thời, chiều cao và bước chân của ngựa trong hàng đều nhau thì khi diễu binh sẽ đều và đẹp hơn".

Vất vả khổ luyện, Trung úy Thanh cho biết, mỗi cán bộ, chiến sĩ trong hàng ngũ của Đoàn CSCĐ kỵ binh cảm thấy rất vinh dự, tự hào được cống hiến, luôn quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, điều khiển ngựa bảo đảm đội hình đồng đều, khỏe khoắn để được lên báo chí, truyền hình nhiều hơn, lan tỏa hình ảnh đẹp về lực lượng CSCĐ kỵ binh đến với công chúng, với người dân...

Thiếu úy Nguyễn Trác Thiên đến từ Phú Xuyên, Hà Nội, thuộc biên chế Đội 2, Đoàn CSCĐ kỵ binh chia sẻ: “Tôi đăng ký tham gia đội kỵ binh ngay từ những ngày đầu mới thành lập. Gia đình tôi nuôi chó, mèo nên tôi rất yêu động vật. Qua báo đài, mạng xã hội, tôi xem cách huấn luyện ngựa và thấy rất thú vị, vì thế khi có thông tin, tôi đăng ký tham gia”. Chiến mã của Thiên tên Bi, lông màu vàng.

“Khi tôi nhận, Bi còn nhỏ, tính tình hung dữ, hiếu động. Nhưng, theo thời gian, thân hòa và yêu thương thì Bi là một chú ngựa tình cảm, gặp là biết cắn đùa, nô giỡn. Tôi xa Bi nhiều nhất là 1 tuần, khi gặp lại, tôi cảm nhận được là nó cũng nhớ mình, nó cứ dụi đầu vào bụng rồi cắn áo. Tôi coi Bi là một người bạn, đôi khi có chuyện buồn, tôi vẫn hay trò chuyện với nó”. Thiên chăm sóc, tắm rửa, lên mạng tìm hiểu việc cắt tỉa lông cho ngựa... Thế nhưng, trên mặt Thiên còn nguyên vết sẹo do khi đóng móng bị Bi giơ chân đá vào mặt, phải khâu 6 mũi. Đó là những tai nạn mà các chiến sĩ CSCĐ gặp phải trong quá trình huấn luyện. Nhưng, với họ, đó là những tai nạn nghề nghiệp không tránh khỏi...

3.Có thể nói, những chiến sĩ Đoàn CSCĐ kỵ binh đến từ nhiều vùng quê, nhiều dân tộc khác nhau nhưng cùng chung một tình yêu với công việc. Có mặt tại khu chăm sóc và huấn luyện ngựa, mới cảm nhận rõ sự tận tụy, tình yêu của họ dành cho công việc, cùng hệ thống chuồng trại, khi chăm sóc y tế, khi thả riêng được trang bị đầy đủ. Để đưa ra được "thực đơn" phù hợp cho 4 bữa ăn mỗi ngày của ngựa bao gồm cỏ khô alfalfa, cỏ tươi, cám và đá liếm là cả một quá trình nghiên cứu, điều chỉnh. Công tác huấn luyện được bắt đầu từ 6h30-10h, buổi chiều từ 13h30-16h. Buổi huấn luyện ngoài thao trường kết thúc, trở về khu nuôi nhốt ngựa, các cán bộ, chiến sĩ huấn luyện mỗi người một việc, từ vệ sinh chuồng trại, chia cỏ, tắm, chải cho ngựa.

Dù công việc rất vất vả nhưng họ đều là những chiến sĩ trẻ giàu nhiệt huyết, không nề hà bất cứ việc gì. Thiếu úy Danh Phước Thọ, người Khơ Me, đến từ Đắc Lắc xa xôi, chia sẻ: ngựa là một loài động vật dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh, đặc biệt là tiếng động lớn. Vì vậy, trong quá trình huấn luyện trước khi tham gia biểu diễn ở các sự kiện lớn, chúng tôi rất coi trọng việc huấn luyện ngựa làm quen với các tiếng ồn, tiếng nổ, khói lửa từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp.

Khi tôi viết bài này thì đoàn CSCĐ kỵ binh đang trên đường hành quân vào TP Hồ Chí Minh để sẵn sàng chuẩn bị nhiệm vụ. Hành trình dài, gian nan nhưng với những chiến sĩ của CSCĐ kỵ binh thì đó là một nhiệm vụ có ý nghĩa, xúc động, được có mặt vào những thời khắc lịch sử của đất nước.

Hà - Hiền

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen-thong/nhung-hat-giong-do-cua-doan-canh-sat-co-dong-ky-binh-i764692/
Zalo