Những hành vi vi phạm giao thông vừa bị phạt tiền, vừa bị tịch thu ô tô, xe máy có thể nhiều người chưa nắm rõ

Bốc đầu xe, buông hai tay khi điều khiển xe, lạng lách, đánh võng... là những hành vi vi phạm giao thông sẽ vừa bị phạt tiền, vừa bị tịch thu xe theo Nghị định 168/2024.

Từ 1/1/2025, Nghị định 168/2024 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có hiệu lực, thay thế cho Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021). Trong đó quy định về các hành vi vi phạm giao thông bị tịch thu ô tô, xe máy.

Nhiều hành vi vi phạm giao thông sẽ bị tịch thu phương tiện như sau:

Đối với xe máy, mô tô vi phạm giao thông:

Khoản 11, Điều 7, Nghị định 168/2024, tịch thu phương tiện đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe; nằm trên yên xe điều khiển xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy; quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe; điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh; tái phạm hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng.

Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm trên còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng.

Khoản 17, Điều 32, Nghị định quy định tịch thu phương tiện đối với chủ xe mô tô, xe máy thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Cắt, hàn, tẩy xóa, đục sửa, đóng lại trái phép số khung, số động cơ (số máy); đưa phương tiện đã bị cắt, hàn, tẩy xóa, đục sửa, đóng lại trái phép số khung, số động cơ (số máy) tham gia giao thông.

Khoản 3, Điều 35 quy định tịch thu phương tiện đối với người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm: Đua xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy, xe đạp trái phép trên đường giao thông.

Ngoài việc bị tịch thu phương tiện, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi trên bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng.

Khoản 4, Điều 14 quy định về tịch thu phương tiện đối với hành vi điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông.

Cụ thể: Người thực hiện hành vi điều khiển, sử dụng xe không có chứng nhận đăng ký xe do cơ quan có thẩm quyền cấp, không đúng số khung, số động cơ của xe hoặc bị tẩy xóa mà không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của phương tiện (không có giấy tờ, chứng nhận nguồn gốc xe, chứng nhận quyền sở hữu hợp pháp) thì bị tịch thu phương tiện.

Theo Nghị định 168/2024, nhiều hành vi vi phạm giao thông sẽ bị tịch thu phương tiện. Ảnh minh họa: TL

Theo Nghị định 168/2024, nhiều hành vi vi phạm giao thông sẽ bị tịch thu phương tiện. Ảnh minh họa: TL

Đối với ô tô vi phạm giao thông

Khoản 14, Điều 6 quy định tịch thu phương tiện đối với người điều khiển ô tô tái phạm hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng.

Khoản 9, Điều 13 quy định tịch thu phương tiện đối với người điều khiển xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Điều khiển xe quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông; điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông (bao gồm cả xe công nông thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông, rơ moóc và sơ mi rơ moóc được kéo theo).

Khoản 17, Điều 32 quy định tịch thu phương tiện đối với chủ xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Cắt, hàn, tẩy xóa, đục sửa, đóng lại trái phép số khung, số động cơ; đưa phương tiện đã bị cắt, hàn, tẩy xóa, đục sửa, đóng lại trái phép số khung, số động cơ tham gia giao thông; cải tạo xe ô tô loại khác thành xe ô tô chở người; đưa phương tiện quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông;

Chủ phương tiện tái phạm hành vi chở vượt trên 100% số người quy định được phép chở của phương tiện; đưa ô tô tải (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) có kích thước thùng xe không đúng với thông số kỹ thuật được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe tham gia giao thông;

Tái phạm hành vi trực tiếp điều khiển phương tiện hoặc giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi: Điều khiển xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) chở hàng vượt trọng tải cho phép tham gia giao thông được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 150%; điều khiển xe kéo theo rơ moóc, sơ mi rơ moóc mà khối lượng toàn bộ của rơ moóc, sơ mi rơ moóc vượt khối lượng cho phép kéo theo được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 150%.

Điểm b, Khoản 3, Điều 35 cũng quy định tịch thu phương tiện đối với người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm sau đây: Đua xe ô tô trái phép trên đường giao thông.

Ngoài ra, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi này bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - đến 24 tháng.

Có được lấy lại tang vật, phương tiện vi phạm giao thông bị tạm giữ để sử dụng?

Theo Khoản 2 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định như sau:

- Việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải được chấm dứt ngay sau khi xác minh được tình tiết làm căn cứ quyết định xử phạt, hành vi vi phạm không còn gây nguy hiểm cho xã hội hoặc quyết định xử phạt được thi hành.

- Trường hợp được nộp tiền phạt nhiều lần theo quy định, sau khi nộp tiền phạt lần đầu thì người vi phạm được nhận lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ.

Đồng thời, theo Khoản 1 Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 65 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định như sau:

- Người ra quyết định tạm giữ phải xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo biện pháp ghi trong quyết định xử phạt hoặc trả lại cho cá nhân, tổ chức nếu không áp dụng hình thức xử phạt tịch thu đối với tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

- Đối với tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp; Cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ngân sách nhà nước.

Trường hợp chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp có lỗi cố ý trong việc để người vi phạm sử dụng tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì tang vật, phương tiện đó bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước.

- Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu nhưng đã đăng ký biện pháp bảo đảm thế chấp tài sản theo quy định của pháp luật dân sự thì bên nhận thế chấp được nhận lại tang vật, phương tiện hoặc trị giá tương ứng với nghĩa vụ được bảo đảm; cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ngân sách nhà nước.

Theo quy định nêu trên, nếu tang vật, phương tiện vi phạm không bị áp dụng hình thức tịch thu thì người ra quyết định tạm giữ sẽ phải trả lại cho cá nhân, tổ chức sau khi hoàn thành các biện pháp cần thiết.

Đối với tang vật, phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp.

Do đó, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính người dân vẫn có thể lấy lại để sử dụng được.

L.Vũ (th)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/tat-tan-tat-thong-tin-nhung-hanh-vi-vi-pham-giao-thong-vua-bi-phat-tien-vua-bi-tich-thu-o-to-xe-may-co-the-nhieu-nguoi-chua-nam-ro-172250109162529117.htm
Zalo