Những hành động không ngờ giúp 'giải cứu Trái Đất'
Bỏ phiếu, giảm đi máy bay, ăn ít thịt hay sinh ít con hơn - những hành động cá nhân tưởng như không liên quan này lại có thể góp phần chống biến đổi khí hậu.
Tại một số nơi trên thế giới, nhiều người đang phải đối mặt với tác động ngày càng tồi tệ của tình trạng biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh đó, câu hỏi làm gì để chống lại sự nóng lên toàn cầu ngày càng được quan tâm.
Guardian đã hỏi và thu thập quan điểm của hàng trăm nhà khoa học khí hậu hàng đầu thế giới.
Hành động hiệu quả nhất
Hầu hết chuyên gia (chiếm khoảng 76%) ủng hộ việc bỏ phiếu cho chính trị gia cam kết triển khai biện pháp mạnh mẽ nhằm đối phó với biến đổi khí hậu tại các cuộc bầu cử.
Khuyến nghị này có thể tác động mạnh mẽ trong năm tới - khi cử tri ở một số khu vực và quốc gia bao gồm Mỹ, Anh, Ấn Độ, EU, Mexico, Nam Phi cùng nhiều nơi khác đều đi bầu cử.
“Tôi cảm thấy lý do đằng sau việc thiếu phản ứng (với vấn đề biến đổi khí hậu) cho đến nay xuất phát từ sự lo ngại của các chính trị gia”, giáo sư Bill Collins tại Đại học Reading (Anh) cho biết.
“(Nhưng) cuộc thăm dò cho thấy cử tri thực sự đã sẵn sàng hơn để chính phủ thực hiện những hành động chống biến đổi khí hậu mạnh mẽ”, ông nói.
Cuộc khảo sát của Guardian đã cố gắng thu thập ý kiến từ các tác giả chính và biên tập viên thực hiện báo cáo của Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu kể từ năm 2018. 380 trong số 843 người phản hồi.
Nhìn chung, các nhà khoa học thể hiện sự bi quan về triển vọng giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới mục tiêu được cộng đồng quốc tế thống nhất.
“Khoa học đã ở đó, nhưng sự thiếu ý chí của một số chính trị gia trên toàn thế giới đang làm chậm lại (hành động) chống biến đổi khí hậu”, giáo sư Alexander Milner tại Đại học Birmingham (Anh) cho hay.
Giảm di chuyển bằng máy bay
Theo các chuyên gia, phương pháp hiệu quả thứ hai mà mỗi cá nhân có thể hành động để đối phó biến đối khí hậu là giảm di chuyển bằng máy bay, hay phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Thay vào đó, cá nhân nên chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng và xe điện.
Biện pháp này được 56% chuyên gia tham gia khảo sát ủng hộ là hiệu quả nhất và 2/3 cho biết họ đã cắt giảm số lượng chuyến bay của mình.
Đi máy bay là được cho là hoạt động cá nhân gây ô nhiễm nhất, đặc biệt đối với giới giàu có.
Oxfam công bố báo cáo cho thấy vào năm 2019, top 1% người giàu nhất thế giới (77 triệu người) xả 16% khí thải carbon toàn cầu, tương đương lượng phát thải từ 66% người nghèo nhất thế giới (5 tỷ dân).
Lượng khí thải carbon từ 1% người giàu nhất thế giới cao hơn lượng khí thải mà toàn bộ ôtô và phương tiện giao thông đường bộ toàn cầu thải ra năm 2019. 10% người giàu nhất thế giới thải ra một nửa lượng khí thải carbon toàn cầu vào năm đó.
"Người dân hiểu sự bất bình đẳng và tác động của nó tới biến đổi khí hậu. Các mức thuế riêng dành cho những hoạt động phát thải cao đang được công chúng ủng hộ", giám đốc Viện Môi trường Sydney tại Đại học Sydney David Schlosberg nói.
Chúng ta còn có thể làm gì khác?
Sản xuất thịt có tác động lớn đến môi trường. Nhưng hầu hết người dân ở nước giàu được cho ăn nhiều thịt hơn mức có lợi cho sức khỏe.
Trước tình trạng đó, hơn 60% các nhà khoa học tham gia khảo sát cho biết họ đã tự cắt giảm lượng thịt tiêu thụ. Gần 30% chuyên gia nhận định ăn ít thịt hơn là hành động cá nhân chống biến đổi khí hậu hiệu quả nhất.
Trong khi đó, một tỷ lệ tương tự ủng hộ việc cắt giảm khí thải từ hệ thống sưởi hoặc làm mát nhà cửa, chẳng hạn bằng cách lắp đặt máy bơm nhiệt.
Ngoài ra, gần 1/4 số nhà khoa học tham gia khảo sát cho biết họ đã tham gia các cuộc biểu tình về khí hậu với tư cách là những công dân lo lắng về tình trạng nóng lên toàn cầu. Họ đến từ mọi châu lục, bao gồm Mỹ, Argentina, Đức, Bangladesh, Kenya và Ausstralia.
Việc sinh ít con hơn cũng được 12% chuyên gia ủng hộ. Bên cạnh đó, một số người còn đưa ra đề xuất bổ sung.
Mọi người nên “nói về biến đổi khí hậu như mối đe dọa hiện hữu hàng đầu đối với sự ổn định xã hội”, một chuyên gia nhận định.
Việc chuyển hướng quỹ tiết kiệm hay hưu trí, vốn đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch, sang đầu tư xanh cũng được nhiều chuyên gia nhắc đến.
“Hãy ngừng làm việc cho ngành nhiên liệu hóa thạch”, giáo sư Vanesa Castán Broto, tại Đại học Sheffield (Anh), đã đề xuất hành động thẳng thừng.
Trong khi đó, một nhà khoa học đến từ Cameroon ủng hộ việc tránh sử dụng sản phẩm gây ra nạn phá rừng, như một số loại thịt bò, gỗ và cacao.
Nhưng liệu hành động cá nhân có thực sự giúp ích được không? Theo Guardian, chúng có tác động nhưng cũng có giới hạn.
“Nó chỉ có thể đi xa đến một mức độ”, tiến sĩ Shobha Maharaj - nhà khoa học về tác động khí hậu đến từ Trinidad và Tobago - nói
“Cần phải cắt giảm nhanh chóng và nhiều nhất lượng khí thải carbon từ dầu khí, cũng như ở lĩnh vực khác, chẳng hạn giao thông vận tải - vốn nằm ngoài tầm kiểm soát của cá nhân bình thường”, bà nhấn mạnh.
Trong khi đó, giáo sư David Wrathall tại Đại học bang Oregon (Mỹ) nhận định: “Hành động của mỗi cá nhân có thể chỉ là hạt muối bỏ biển - chỉ những thay đổi mang tính hệ thống mới đủ”.
Dù vậy, giáo sư Hiroyuki Enomoto tại Viện Nghiên cứu Địa cực Quốc gia Nhật Bản chia sẻ hành động này có tác động nhỏ nhưng chúng rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức chung về vấn đề môi trường.