Những hàng cây bên biển

Tất cả các con đường ở thành phố Nha Trang hầu như đều đổ ra biển. Nếu có người đứng ở đầu con đường phía nam hỏi hướng ra biển, chỉ cần hướng dẫn người ta cứ đi thẳng là sẽ ra tới biển. Con đường song song với biển là nơi mà bất cứ người Nha Trang nào cũng thương nhớ dù cho không phải đi đâu xa. Đó là nơi ấp ủ những kỷ niệm của những ai sinh ra và lớn lên cùng thành phố nhỏ bé, hiền hòa, êm dịu này.

Những cây dừa và cây tra bên bờ biển.

Những cây dừa và cây tra bên bờ biển.

Nói về biển quê mình, tôi thường nghĩ về những hàng dương dọc theo đường Trần Phú, những hàng dương được cắt gọn theo nhiều hình dạng khác nhau nhưng nhìn đều thấy tương tự cái mái nhà. Những hàng dương đó có mặt từ rất lâu, khi con đường Trần Phú còn mang tên Duy Tân, là một con đường nhỏ, không có lề, cát biển còn theo gió tấp vào hai bên đường. Thuở chúng tôi mới mười lăm, mười sáu là học trò của ngôi trường Nữ Trung học Nha Trang thì hàng dương ấy là nơi tụ tập hẹn hò khi có những tiết học trống giữa buổi. Cả bầy học trò con gái mặc áo dài trắng tinh nghịch leo trèo lên những thân cây dương rồi tạo dáng chụp hình. Đến bây giờ, khi có người đưa lên Facebook những tấm ảnh ngày xưa còn giữ được thì rất nhiều người cảm xúc dâng trào, ai cũng nhắc đến thời thanh xuân tươi đẹp của mình mà thương nhớ. Rất nhiều năm tháng trôi qua, hàng dương ấy cũng lớn lên, là những mái nhà xanh vững chãi như để giảm bớt sức gió trong những ngày biển giận dỗi sóng to gió lớn. Phía cuối đường biển còn có một bãi dương đã được trồng rất lâu, khi trước những cây dương được lớn tự do đã tạo thành một rừng dương rậm rạp. Mỗi khi gió biển thổi vào, những ngọn dương nghiêng ngả thành tiếng rì rào như đang trò chuyện cùng nhau. Khu rừng dương ấy tuy đẹp vì nhìn cũng thơ mộng nhưng lại tối tăm nên người ta đã cải tạo thành một khu vườn. Những hàng dương ấy được cắt bớt ngọn để giảm chiều cao và được tạo hình thành những hình dạng vuông tròn khác nhau. Khu vực rừng dương này bên cạnh sân bóng Thanh niên đã là một công viên rất đẹp, sạch sẽ, có nhiều dụng cụ tập thể dục cho những người đi biển vào sáng sớm hoặc chiều tối. Sau này, người ta trồng thêm những cây dương con ở dải phân cách, cũng được chải chuốt thành hình tròn, hình vuông, có khi là những vành trăng khuyết làm cho con đường không đơn điệu và người đi đường lúc nào cũng cảm thấy thú vị khi lướt ngang qua.

Xếp hàng bên trong hàng dương là những hàng dừa. Không ai nhớ dừa đã được trồng hồi nào, khi tôi mới lớn những hàng dừa còn thấp với những cành lá xòe ra vừa đủ nhìn như những cây dù với bóng mát nhỏ che nắng chiều cho vài người ngồi tâm sự. Những hàng dừa ấy cũng tự nhiên như sóng như gió, không nhiều người để ý nên khi nhìn lại thì những hàng dừa trên bờ biển Nha Trang đã rất cao. Rễ dừa ẩn rất sâu trong cát nên thân dừa hứng được gió, không ngã mà chỉ lượn mình theo sức gió. Nếu để ý khách sẽ thấy những cây dừa đứng gần nhau có thân thẳng mạnh mẽ và kiên cường, nhưng những cây dừa đứng một mình thì thân uốn lượn rất mềm mại. Bây giờ hàng dừa ấy đã rất cao, như những người trưởng thành, nhưng cành lá dù đã bạc màu vẫn mỗi ngày duyên dáng ở bên biển cùng nắng, cùng gió.

Ngày xưa còn nhỏ, tôi thấy biển rất xa bờ, bãi cát màu vàng nhạt có vài nơi được làm màu bằng những đám rau muống biển. Những nhánh rau muống biển lá xanh mượt, nở hoa màu tím bò tràn trên bờ cát đã thành thơ, thành nhạc và người Nha Trang nhớ rất lâu. Bây giờ, bờ biển đã gần hơn, xinh đẹp hơn xưa nhưng bãi cát trắng tinh có khi làm cho một số người nhớ tiếc những bãi rau muống biển ngày ấy. Tình yêu của con người rất lạ, đôi khi chỉ một hình ảnh, một nơi chốn, một cành cây ngọn cỏ có thể làm người ta nhớ cả quê nhà. Người Nha Trang đi xa sẽ nhớ biển, nhớ những gì thuộc về biển và cái bồn nước trên bờ biển, chỗ giáp với đầu đường Lê Thánh Tôn là nơi bất cứ ai cũng nhớ. Cái bồn nước ở biển Nha Trang có từ hồi nào không nhớ, người bạn ở xa nhà nhắn hỏi, cái bồn nước còn chỗ cũ không, chụp cho mình tấm hình nhìn cho đỡ nhớ. Cái bồn nước đơn giản chỉ là một hồ nước có vòi sen nhiều tầng khi nước phun lên sẽ tạo thành những vòng xoáy rất đẹp và thú vị. Đó là chỗ để các cô học trò ngày ấy hẹn gặp nhau mỗi khi muốn xuống biển, cứ đạp xe đến gần cuối con đường Lê Thánh Tôn là thấy cái bồn nước lồ lộ, vững chãi đứng chờ. Cái bồn nước xưa cũ ấy bây giờ không còn cô đơn nữa vì người ta đã trồng rất nhiều hoa màu sắc rực rỡ ở chung quanh. Nhưng nếu có ai đó chọn bồn nước làm chỗ hẹn như chúng tôi ngày xưa chắc sẽ khó tìm thấy vì hoa lá hình như cũng che khuất nó một chút rồi.

Trên bờ biển Nha Trang còn có một loài cây cũng đã có mặt từ rất lâu, không có hoa nhưng vẫn rất đẹp tùy theo mỗi mùa trong năm. Đó là những cây bàng dọc suốt bờ biển, những cây bàng đã già với những thân cây to lớn, da sù sì cằn cỗi, tàng lá xòe rộng tỏa ra những bóng mát cho các bác lớn tuổi ngồi chơi cờ vào mỗi buổi chiều. Những cây bàng cổ thụ trên biển chuyển màu lá theo mùa, thấy tán lá chuyển vàng sang đỏ rồi rơi rụng trải trên mặt đất là biết mùa đông đến. Khi nhìn những búp non xanh biếc mềm mại tựa bàn tay trẻ con vẫy trong gió là biết xuân đang về. Mùa nào đi ngang biển cũng thấy những cây bàng rất đẹp không phải chỉ để nhìn mà còn để nhớ, ai đó sẽ kể rằng ngày xưa đã từng nhặt trái bàng đập vỏ lấy hạt để ăn. Thế nào cũng vừa kể chuyện vừa chép miệng như thể vừa mới nhai xong mấy hạt bàng bùi bùi, thơm thơm. Cũng sẽ có ai đó kể ngày xưa đã từng leo cây bàng hái lá cho mẹ gói xôi, kể chuyện mà mắt nhìn xa xôi như vẫn còn nhìn thấy mình trong ngày xưa ấy.

Còn một loài cây có lẽ cổ nhất và già nhất, loài cây không chịu lớn khi đã rất nhiều năm tháng trôi qua, đó là cây tra. Những cây tra thân thấp, năm tháng qua mà không cao thêm, dấu hiệu thời gian chỉ hằn lên những cành lá có nhiều góc cạnh vì đã oằn mình hứng chịu từng cơn gió biển. Tục ngữ có câu: "Cây tra có trái, con gái có chồng", trái cây tra mọc thành chùm giống như chùm nho nên còn được gọi là nho biển. Trái tra ăn được, có vị chua chua chát chát, đây cũng là những hoài niệm trong lòng của nhiều người khi nhắc về loài cây này.

Bây giờ có thêm rất nhiều loại cây được trồng trên bờ biển Nha Trang, có hoa lá đủ màu và có cả những bãi cỏ xanh mượt mà. Bờ biển Nha Trang bây giờ được gọi là công viên biển và được chăm sóc cẩn thận, không chỉ du khách mà chính người Nha Trang vẫn tự hào về bờ biển của quê mình nên đi đâu, gặp ai cũng khoe. Những điều khoe khoang ấy chỉ là nói lên tình yêu trong lòng người Nha Trang đối với quê nhà của mình.

LƯU CẨM VÂN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/nha-trang-ky-uc-va-khat-vong/202409/nhung-hang-cay-ben-bien-8b849fc/
Zalo