Những gương mặt tiềm năng cho chính quyền Trump
Ông Donald Trump đang bắt đầu công bố dần nhân sự trong chính quyền mới, trong đó người đầu tiên được bổ nhiệm là chiến lược gia Susie Wiles cho chức chánh văn phòng Nhà Trắng.
Đội ngũ của tổng thống đắc cử Mỹ đang xem xét một loạt ứng viên cho các vị trí chủ chốt trong chính quyền mới, trước khi ông trở lại Nhà Trắng vào ngày 20/1/2025.
Nhiều người từng phục vụ trong nhiệm kỳ đầu tiên không có kế hoạch quay trở lại, dù truyền thông Mỹ đồn đoán một số nhân vật trung thành có ý định làm việc lại với sếp cũ.
Chánh văn phòng Nhà Trắng
Ngày 7/11, Susie Wiles là nhân sự đầu tiên lộ diện, nắm giữ chức chánh văn phòng Nhà Trắng. Bà cùng ông Chris LaCivita là người đứng đầu chiến dịch tranh cử tổng thống 2024 của ông Trump.
Chánh văn phòng là trợ lý hàng đầu của tổng thống, giám sát các hoạt động hàng ngày và quản lý đội ngũ nhân viên dưới trướng ông chủ Nhà Trắng.
Bà Wiles, 67 tuổi, làm việc cho đảng Cộng hòa trong nhiều thập niên, từ chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1980 của ông Ronald Reagan đến việc đưa doanh nhân Rick Scott trở thành thống đốc Florida chỉ trong 7 tháng vào năm 2010.
Theo đảng Cộng hòa, trong đội ngũ ông Trump, bà được tôn trọng và có khả năng kiểm soát được cái tôi lớn của những người làm việc cùng tổng thống đắc cử. Trong bài phát biểu chiến thắng hôm 6/1, ông Trump gọi bà là "thiếu nữ băng giá" - ám chỉ sự điềm tĩnh - và tuyên bố bà "thích ẩn mình".
Bộ trưởng Tư pháp
Bộ trưởng Tư pháp là nhân sự quan trọng hàng đầu trong nhiệm kỳ thứ 2 của ông Trump. Sau mối quan hệ không tốt đẹp với Jeff Sessions và William Barr - những bộ trưởng Tư pháp trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump được cho là sẽ chọn một cá nhân trung thành, sẽ sử dụng quyền công tố để trừng phạt những người chỉ trích và đối thủ.
Một số cái tên sáng giá cho vị trí này có:
- Tổng chưởng lý Texas Ken Paxton - người từng bị truy tố và luận tội giống ông Trump;
- Matthew Whitaker, người đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Tư pháp tạm quyền trong 3 tháng sau khi ông Sessions từ chức theo yêu cầu của ông Trump;
- Mike Davis, nhà hoạt động cánh hữu từng làm thư ký cho Thẩm phán Tòa án Tối cao Neil Gorsuch. Ông cũng công khai đe dọa những người chỉ trích ông Trump và các nhà báo;
- Mark Paoletta, người từng làm việc tại văn phòng ngân sách của ông Trump. Ông từng lập luận không có quy định pháp lý nào để một tổng thống tránh xa các quyết định của Bộ Tư pháp.
Bộ trưởng An ninh Nội địa
Bộ trưởng An ninh Nội địa sẽ dẫn đầu nỗ lực thực thi các lời cam kết của ông Trump: Trục xuất hàng loạt người di cư không có giấy tờ và đóng cửa biên giới Mỹ - Mexico. Người này cũng đi đầu trong phản ứng của chính phủ với các thảm họa thiên nhiên.
Tom Homan - cựu Giám đốc tạm quyền của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan - nổi lên là ứng viên sáng giá nhất. Người đàn ông 62 tuổi này ủng hộ tách trẻ em di cư khỏi cha mẹ như một biện pháp ngăn chặn tình trạng vượt biên trái phép, đồng thời khẳng định nên buộc tội các chính trị gia ủng hộ chính sách bảo vệ người di cư. Dù từ chức vào năm 2018, ông vẫn là người ủng hộ cách tiếp cận của ông Trump trong vấn đề nhập cư.
Chad Wolf - từng giữ chức quyền Bộ trưởng Nội địa năm 2019-2020, cho đến khi có phán quyết bác bỏ việc bổ nhiệm ông, và Chad Mizelle - cựu cố vấn tạm quyền của Bộ Nội địa - cũng là 2 ứng viên tiềm năng.
Stephen Miller - người được coi là “kiến trúc sư” chương trình nghị sự về nhập cư của ông Trump - dự kiến một lần nữa đóng vai trò cố vấn cấp cao tại Nhà Trắng.
Ngoại trưởng
Ngoại trưởng Mỹ là cố vấn chính của tổng thống về các vấn đề đối ngoại.
Thượng nghị sĩ Florida Marco Rubio - người gần đây nhất được cân nhắc làm phó tổng thống - là một cái tên đáng chú ý. Ông Rubio là người theo đường lối cứng rắn với Trung Quốc, nhưng cũng phản đối ông Trump trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa năm 2016, song lại hàn gắn mối quan hệ. Ông là thành viên cấp cao của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện.
Ông Richard Grenell - cựu Đại sứ Mỹ tại Đức - cũng đang được cân nhắc. Ông từng ủng hộ và tham gia nỗ lực lật ngược thất bại năm 2020 của ông Trump, thậm chí còn tham dự cuộc họp riêng của tổng thống đắc cử với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 9.
Những ứng viên khác cho vị trí này bao gồm: Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O'Brien; Thượng nghị sĩ Tennessee Bill Hagerty - cựu Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản; và Brian Hook - cựu đặc phái viên tại Iran.
Các vị trí tình báo/an ninh quốc gia
Ngoài ra, phong cách hiếu chiến của ông Grenell có thể phù hợp với vị trí cố vấn an ninh quốc gia - một vị trí không yêu cầu Thượng viện phê chuẩn - hơn là ngoại trưởng.
Những người cũng nằm trong danh sách gồm:
- Cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia John Ratcliffe;
- Keith Kellogg - Cố vấn An ninh Quốc gia cho cựu Phó tổng thống Mike Pence;
- Eldridge Colby - cựu quan chức quốc phòng;
- Kash Patel - chánh văn phòng cho quyền bộ trưởng quốc phòng trong những tháng cuối ông Trump tại nhiệm.
Ông Trump cũng tuyên bố sẽ sa thải Giám đốc Cục Tình báo Liên bang (FBI) Chris Wray, người được ông đề cử vào năm 2017. Jeffrey Jensen đang được cân nhắc ngồi vào vị trí này.
Bộ trưởng Quốc phòng
Cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo là một trong số ít cựu thành viên nội các có thể trở lại nhiệm kỳ thứ hai. Ông Pompeo có thể đóng vai trò bộ trưởng Quốc phòng, chịu trách nhiệm giám sát quân đội Mỹ. Là một nhân viên trung thành, ông thường xuyên tranh cãi với báo chí trước những tuyên bố sai trái của ông Trump về gian lận bầu cử cuối năm 2020.
Michael Waltz - một nhà lập pháp từ Florida, trong Ủy ban Quân vụ tại Hạ viện Mỹ - và Robert O'Brien cũng là những cái tên đang được cất nhắc.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc
Hạ nghị sĩ Elise Stefanik - một người bảo vệ ông Trump mạnh mẽ tại Điện Capitol - trở thành ứng viên hàng đầu cho vị trí Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc.
Song bà cũng có thể phải cạnh tranh với Morgan Ortagus - cựu phát ngôn viên Bộ Ngoại giao; David Friedman - cựu Đại sứ Mỹ tại Israel; và Kelly Craft - người từng là Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc vào cuối nhiệm kỳ của ông Trump.
Bộ trưởng Tài chính
Ông Trump được cho là đang cân nhắc Robert Lighthizer. Ông Lighthizer là người hoài nghi về thương mại tự do, đi đầu trong cuộc chiến thuế quan với Trung Quốc với tư cách đại diện thương mại Mỹ.
Song vị trí chủ chốt này cũng có 4 cái tên sáng giá khác, bao gồm:
- Scott Bessent, cố vấn kinh tế của tổng thống đắc cử;
- John Paulson, nhà quản lý quỹ đầu cơ;
- Jay Clayton, cựu Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC);
- Larry Kudlow, nhà bình luận tài chính của Fox Business Network, người điều hành Hội đồng Kinh tế Quốc gia của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Bộ trưởng Thương mại
Linda McMahon - từng là quản trị viên doanh nghiệp nhỏ trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump - có thể trở thành bộ trưởng Thương mại.
Những cá nhân khác có thể lấp đầy vị trí này gồm Brooke Rollins; Robert Lighthizer; và Kelly Loeffler - một doanh nhân giàu có phục vụ trong Thượng viện một thời gian ngắn.
Bộ trưởng Nội vụ
Thống đốc South Dakota Kristi Noem và Thống đốc North Dakota Doug Burgum có thể lãnh đạo Bộ Nội vụ, nơi quản lý đất công và tài nguyên thiên nhiên.
Bộ trưởng Năng lượng
Ông Doug Burgum cũng là ứng cử viên cho vị trí lãnh đạo Bộ Năng lượng.
Từng là một doanh nhân bán công ty cho Microsoft vào năm 2001, ông Burgum chạy đua trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa vào năm 2024, sau đó bỏ cuộc và quay sang ủng hộ ông Trump.
Một người khác đang cạnh tranh cho vị trí này là cựu Bộ trưởng Năng lượng Dan Brouillette.
Thư ký báo chí
Karoline Leavitt - 27 tuổi - gây ấn tượng với ông Trump khi là thư ký báo chí quốc gia trong chiến dịch tranh cử. Do đó, khả năng cao bà sẽ được chọn làm phát ngôn viên của chính quyền mới.
Robert F Kennedy Jr
Ông Kennedy - cháu trai cựu Tổng thống John F. Kennedy - là luật sư về môi trường và là một người hoài nghi vaccine.
Quá khứ rắc rối có thể khiến ông khó đảm nhận được một vị trí trong nội các. Song sau khi lãnh đạo sáng kiến vận động tranh cử “Làm cho nước Mỹ khỏe mạnh trở lại” của ông Trump, có đồn đoán ông Kennedy sẽ trở thành cố vấn về y tế công cộng.
Dù không có bằng cấp y khoa nào, người đàn ông 70 tuổi này có khả năng gây ảnh hưởng đến Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh, Bộ Nông nghiệp, Cơ quan Bảo vệ Môi trường, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) và Cục Quản lý An toàn Thực phẩm và Dược phẩm (FDA).
Elon Musk
Người đàn ông giàu nhất thế giới đã đổ hàng triệu USD vào nỗ lực tái tranh cử của ông Trump. Do đó, nhiều người lo ngại giờ đây, ông sẽ có quyền làm suy yếu hoặc định hình hoàn toàn các quy định gây ảnh hưởng đến những công ty của tỷ phú này.
Cả hai đều tập trung vào ý tưởng vị tỷ phú lãnh đạo "Bộ Hiệu quả Chính phủ" mới, nơi sẽ cắt giảm chi phí và hợp lý hóa "bộ máy quan liêu liên bang khổng lồ, ngột ngạt". Song ông Musk cũng có thể đóng vai trò nào đó trong ngoại giao toàn cầu, khi tham gia vào cuộc gọi đầu tiên của ông Trump với ông Zelensky hôm 6/11.