Những giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong kỷ nguyên vươn mình

Trong năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn xác định công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, xuyên suốt quá trình phát triển kinh tế - xã hội, từ đó đã có biện pháp quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản thực hiện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, TC đến toàn thể công chức, viên chức và người lao động của cơ quan, đơn vị thông qua sinh hoạt chi bộ, hội nghị cơ quan, quán triệt chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đồng thời, tập trung xác định các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện có hiệu quả công tác PCTN, TC trong chi bộ, cơ quan, trong đó thực hiện tốt công tác kê khai, công khai, kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định của Đảng và Nhà nước.

Đồng chí Ngô Chí Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo PCTN, TC tỉnh chủ trì hội nghị tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng và hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTNLP, TC cấp tỉnh năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 tại điểm cầu Tỉnh ủy Trà Vinh.

Đồng chí Ngô Chí Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo PCTN, TC tỉnh chủ trì hội nghị tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng và hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTNLP, TC cấp tỉnh năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 tại điểm cầu Tỉnh ủy Trà Vinh.

Tiếp tục tăng cường vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch trong các hoạt động và niêm yết công khai thủ tục hành chính, nội quy, quy chế làm việc...; xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức, đến nay đã chuyển đổi, luân chuyển, điều động 139 người ở vị trí phải chuyển đổi theo quy định. Các cơ quan chức năng tiến hành kiểm soát tài sản, thu nhập đối với 199 trường hợp, qua kiểm soát tài sản, thu nhập đã kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm 04 trường hợp, kiểm điểm rút kinh nghiệm 17 trường hợp.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm trên địa bàn tỉnh. Ban Chỉ đạo PCTN, TC tỉnh thành lập đoàn kiểm tra đối với 05 cấp ủy và 02 cá nhân người đứng đầu cấp ủy đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Châu Thành, Ban Thường vụ Huyện ủy Càng Long và đồng chí Bí thư Huyện ủy; kiểm tra Ban Thường vụ Thành ủy Trà Vinh, Ban Thường vụ Thị ủy Duyên Hải và kiểm tra Đảng ủy Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quy định của Đảng về PCTN, TC.

Qua kiểm tra đã kết luận chỉ đạo khắc phục những hạn chế, thiếu sót, đồng thời kiến nghị kiểm điểm 03 cá nhân và 03 tập thể; kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước số tiền 91.760.000 đồng (do thanh toán thừa chi phí). Công tác thanh tra hành chính; thanh tra, kiểm tra chuyên ngành được 46 cuộc, ban hành 27 kết luận, qua thanh tra đã phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi số tiền 6.414.000.000 đồng, đã thu hồi nộp ngân sách nhà nước số tiền 4.809.000.000 đồng (đạt 75%); kiến nghị xử lý hành chính 04 cá nhân, kiểm điểm trách nhiệm 67 cá nhân và 01 tổ chức, kiểm điểm rút kinh nghiệm và rút kinh nghiệm 197 cá nhân, tổ chức.

Cơ quan Cảnh sát điều tra tiếp nhận 04 vụ có dấu hiệu tội phạm, đã khởi tố mới 03 vụ/07 bị can, nâng tổng số 09 vụ (năm 2023 chuyển sang 05 vụ); truy tố 06 vụ/14 bị can; xét xử 04 vụ/07 bị cáo và đang thụ lý hồ sơ để xét xử theo quy định đối với 02 vụ; còn lại 03 vụ đang tiếp tục xác minh, điều tra làm rõ. Tài sản do tham nhũng, tiêu cực đã thu hồi 5.597.552.832 đồng/5.951.881.638 đồng (đạt tỷ lệ 94%) đối với vụ án đã được khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án được thực hiện đúng quy định pháp luật. Quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác tiếp dân, đối thoại, xử lý, giải quyết các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân đối với hành vi tham nhũng, tiêu cực, nhất là những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên.

Để công tác PCTN, TC trong thời gian tới đạt hiệu quả hơn, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay cần thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất: Đẩy mạnh công tác triển khai, quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, TC, nhất là quan điểm, chủ trương của Đảng về xử lý tham nhũng, tiêu cực “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

Tăng cường giáo dục liêm chính, xây dựng văn hóa liêm chính, biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt là triển khai thực hiện tốt Kế hoạch số 225-KH/TU, ngày 21/10/2024 về thực hiện Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng và tiếp tục xây dựng văn hóa liêm chính trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh, gắn với chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; mỗi cán bộ, đảng viên cần phải ghi nhớ sâu sắc lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng Đảng ta là đảng cầm quyền; Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của Nhân dân.

Thứ hai: Đối với cán bộ, công chức, viên chức phải gương mẫu, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, Nhà nước, đoàn thể, cơ quan, đơn vị phải gương mẫu thực hiện và có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, chủ động tự phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng là thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu.

Xử lý kịp thời, nghiêm minh người đứng đầu để xảy ra tham những trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý nhưng không chủ động phát hiện, xử lý, nhất là đối với trường hợp bao che, ngăn cản việc phát hiện, xử lý tham nhũng, trù dập, trả thù người tố cáo tham nhũng hoặc người lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để gây mất đoàn kết nội bộ, vu khống, hãm hại người khác; đồng thời thực hiện tốt tinh thần Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và Nghị định số 73/2023/NĐ-CP, ngày 29/9/2023 của Chính phủ về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Thứ ba: Lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ có hiệu quả các giải pháp phòng, ngừa tham nhũng theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn; cải cách hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Thứ tư: Nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, giải quyết tố cáo, xử lý tố giác, tin báo tội phạm, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn theo quy định. Kiên quyết xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, rõ đến đâu xử lý đến đó, xử lý cả hành vi tham nhũng, tiêu cực và hành vi dung túng, bao che cho tham nhũng, tiêu cực, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, tiêu cực; quá trình điều tra nếu có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố hình sự để điều tra làm rõ và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật; vụ việc chưa đến mức xử lý hình sự thì xử lý kỷ luật nghiêm theo quy định của Đảng, Nhà nước, đoàn thể. Kịp thời áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng ngay từ giai đoạn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; khuyến khích người phạm tội tự nguyện nộp trả và khắc phục hậu quả.

Tuy nhiên, việc xử lý phải hết sức chặt chẽ, phải đặt trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể về tình hình thực tế và quy định của pháp luật tại thời điểm xảy ra sai phạm; xem xét kỹ động cơ, mục đích sai phạm, hậu quả thiệt hại và nguyên nhân để đánh giá khách quan, toàn diện; từ đó xác định đúng bản chất của vụ việc, hành vi sai phạm, lỗi, động cơ, mục đích; xử lý nghiêm hành vi sai phạm của những người vì động cơ vụ lợi, cá nhân; đồng thời, bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung.

Thứ năm: Thực hiện nghiêm cơ chế phối hợp trong xử lý các vụ án, vụ việc liên quan tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn nữa trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả" tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, “gợi ý”, “lót tay”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Thứ sáu: Gắn công tác PCTN, TC với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; gắn PCTN, TC, lãng phí với xây dựng, chỉnh đốn đảng, học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh; chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Phát huy tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm của xã hội, nhất là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, cơ quan truyền thông, báo chí trong phát hiện tham nhũng, tiêu cực. Triển khai có hiệu quả hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước.

Với kết quả đấu tranh PCTN, TC “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực mới, khí thế mới, niềm tin mới để tỉnh Trà Vinh cùng với đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Bài, ảnh: MINH ANH

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc/nhung-giai-phap-phong-chong-tham-nhung-lang-phi-tieu-cuc-trong-ky-nguyen-vuon-minh-42687.html
Zalo