Những giải pháp khả thi để điện ảnh Việt cất cánh
Hội thảo ' Điện ảnh Việt Nam từ khi đất nước thống nhất: 50 năm - một chặng đường' diễn ra ngày 10/9 tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) nằm trong khuôn khổ Giải thưởng Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam.
Nhiều ý kiến khá sôi nổi, thẳng thắn thực sự chất lượng mang tính giải pháp khả thi. TS Trần Phương Lan - Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ Ban Tuyên giáo T.Ư - trình bày đề dẫn hội thảo nêu rõ, hội thảo cần tổng kết, đánh giá toàn diện sâu sắc những thành tựu của điện ảnh trong 50 năm, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn để điện ảnh Việt Nam là ngành nghệ thuật và còn là ngành kinh tế. Và nhiều vấn đề khác như xây dựng thêm các văn bản pháp lý để thực thi Luật Điện ảnh có hiệu quả, huy động nguồn lực xã hội hóa, đào tạo nhân lực, xây dựng công nghiệp điện ảnh… và đề xuất các giải pháp hữu ích xây dựng điện ảnh thời gian tới - đều cần được các đại biểu tập trung thảo luận.
PGS.TS Vũ Ngọc Thanh - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP Hồ Chí Minh: 50 năm phim truyện điện ảnh Việt Nam, có thể chia làm 4 phân kỳ. Từ 1975 đến 1986 là điện ảnh hậu chiến và bao cấp, dấu mốc là tháng 12/1986 Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI với chủ trương đổi mới toàn diện, cởi trói văn nghệ sĩ. Từ 1986 đến 2002 là điện ảnh của đổi mới, thị trường. Từ 2002 đến 2020 là thời kỳ nhiều dòng phim. Từ 2020 đến nay là sự phát triển của số lượng phim với nhiều phương pháp sáng tác, trong đó 18 phim truyện dự thi Cánh diều năm nay là bức tranh sáng tác thu nhỏ của điện ảnh Việt Nam.
Trong đó, giai đoạn 1975-1986 tạo bước nhảy vọt 220 phim truyện, nhiều phương pháp sáng tác được kế thừa, biến đổi và phát huy. Nhiều phim tiêu biểu như “Tướng về hưu” của cố đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi, “Cô gái trên sông”- Đặng Nhật Minh, Gánh xiếc rong” - đạo diễn Việt Linh. Năm 1986-2002 có “Đời cát” của đạo diễn Thanh Vân, “Mùa ổi” của đạo diễn Đặng Nhật Minh, “Lưới trời” - Phi Tiến Sơn, “Mê Thảo thời vang bóng” - Việt Linh, rồi sau này là “Gái nhảy” của Lê Hoàng...
Ông cũng nêu rõ: một xu hướng đáng chú ý của điện ảnh Việt là việc chuyển thể từ tác phẩm văn học nổi tiếng lên phim. Dòng phim của đạo diễn Việt kiều đã kết hợp phương pháp làm phim Hollywood. Dòng phim độc lập - diện mạo góp phần vào dòng chảy chủ đạo với 3 đặc điểm điện ảnh Việt Nam: tính chiến đấu, phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa và tính dân tộc.
Theo ông, vấn đề xây dựng nhân vật trung tâm của phim truyện đã có thay đổi đáng mừng là đã có nhiều nhân vật người lao động như trong các phim “Bà già đi bụi”, “Làm giàu với ma”, “Hai muối”… PGS.TS Vũ Ngọc Thanh nêu lên một số gợi mở như cần thể hiện bản sắc dân tộc trong phim truyện. Hài hòa dòng chủ đạo (dòng sử thi, dòng đấu tranh, dòng điện ảnh thơ), chú trọng giá trị căn cốt phim Việt. Nâng cao tầm tư tưởng trong phản ánh hiện thực như các phim của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh… Thay đổi tư duy sáng tác. Sự tiến bộ về nội dung, mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Tái đầu tư cho phim truyện.
GS.TS Trần Thanh Hiệp - Hội đồng thẩm định và phân loại phim truyện, phim kết hợp nhiều loại hình nhiệm kỳ 2023-2025 - nêu lên mấy suy nghĩ về phim tài liệu (phim TL), phim khoa học (phim KH) Việt Nam trong 50 năm qua. Ông đặt ra 3 câu hỏi: phim TL, phim KH có gắn với thời cuộc không, và nếu gắn thì gắn như thế nào và các giải pháp phát triển trong thời gian tới. Phim TL, phim KH được Nhà nước bao cấp, đặt hàng đã luôn đồng hành cùng Đảng, cùng nhân dân, động chạm đến tất cả những vấn đề lớn của đất nước.
Nghị quyết 23-NQ/ TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, khuyến khích các phương pháp sáng tác khác nhau. Nhờ đó, phong cách làm phim tài liệu đã cởi mở hơn, đổi mới hơn như phong cách Varan..., người xem được hưởng thụ tốt hơn. Và đặc biệt, tư thế của người làm phim tài liệu đã thay đổi, không đóng vai trò như người tuyên truyền, khai sáng mà là người đồng hành, đối thoại với người xem… Tuy nhiên, chúng ta vẫn hiếm hoi những tài năng, tác phẩm mang tính đột phá. GS.TS Trần Thanh Hiệp cũng nêu rõ: Phim TL, phim KH cần đầu ra, để phim có nhiều người xem. Nhưng đừng mong phim TL, phim KH kinh doanh được. Phim không có người xem sẽ không khích lệ được tác giả.
Nhà biên kịch Phạm Thanh Hà nêu ra một số giải pháp thúc đẩy sự phát triển của phim hoạt hình như tăng cường số lượng phim hoạt hình. Khuyến khích các nhà làm phim tư nhân đầu tư làm phim hoạt hình chất lượng cao, đa dạng hóa sản phẩm. Nâng cao chất lượng phim, ngành sản xuất hoạt hình cần có chiến lược lâu dài. Mở rộng đề tài phản ánh, làm phong phú các câu chuyện phim. Mở rộng cần lực lượng sáng tác trẻ. Đa dạng hóa hình thức tiếp cận, liên kết với các nhà phát hành quốc tế.
NSƯT Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh - nêu lên một số phim, dấu ấn khắc ghi trong một số giai đoạn, chặng đường điện ảnh Việt Nam. Bà cũng nêu rõ tác động của Luật Điện ảnh với điện ảnh Việt, như khái niệm mới của luật thế nào là phim cũng rất đáng chú ý. Đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng trường quay, đẩy mạnh công tác số hóa kho dữ liệu điện ảnh Việt... là những vấn đề và mong mỏi của ngành cần được quan tâm.