Những giải pháp cho bài toán sạc xe máy điện

Trong khi mở rộng mạng lưới trạm sạc là giải pháp cơ bản thì Trung Quốc và Đài Loan đang đẩy mạnh cả các trạm đổi pin, cũng như cải tiến công nghệ pin xe máy điện.

Mở rộng mạng lưới trạm sạc là bắt buộc

Tại Trung Quốc, quốc gia dẫn đầu về số lượng xe điện, mạng lưới trạm sạc theo đó cũng phát triển đạt tới quy mô khổng lồ. Tính đến cuối tháng 5/2024, tổng số trạm sạc điện trên cả nước đã lên tới 9,92 triệu trạm, trong đó các trạm sạc công cộng đạt 3,05 triệu trạm.

Các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu đã ban hành nhiều quy định và chính sách khuyến khích, thậm chí bắt buộc, các bãi đỗ xe mới phải trang bị trạm sạc điện.

Đơn cử như Bắc Kinh, thành phố này mới ban hành “Tiêu chuẩn Thiết kế và Quy hoạch cơ sở hạ tầng sạc xe điện” sửa đổi. Theo đó, các tòa nhà thương mại nếu có quy hoạch bãi đỗ xe có trạm sạc điện trực tiếp, chỉ tiêu xây dựng là 40% và phải được bố trí ở trên mặt đất.

Đối với công trình công cộng như cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện, tỷ lệ chỗ đỗ xe có trạm sạc điện là 25%. Các điểm sạc này thường kết hợp cả sạc nhanh và sạc chậm, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của người dùng.

Một điểm nổi bật trong mô hình trạm sạc xe máy điện công cộng tại Trung Quốc chính là sự phát triển của một mạng lưới phân tán, quy mô nhỏ nhưng dày đặc. Các trạm tại đây thường chỉ có từ 6 đến 20 cổng sạc, được lắp đặt tại những vị trí dễ tiếp cận như: tầng hầm chung cư, các ki-ốt nhỏ ven đường, bãi đỗ xe công cộng, gần siêu thị, trạm xe buýt hay ngay trong các khu phố đông dân.

Hầu hết trạm đều tích hợp ứng dụng điều khiển từ xa thông qua smartphone, cho phép người dùng định vị trạm gần nhất, chọn lịch sạc để tránh giờ cao điểm, theo dõi điện năng, dung lượng pin và thanh toán trực tuyến qua ví điện tử.

Về mặt an toàn, Trung Quốc đã cấm hoàn toàn việc sạc trong hành lang, lối thoát hiểm. Các trạm sạc công cộng bắt buộc tích hợp cảm biến nhiệt, hệ thống tự ngắt dòng và kết nối giám sát từ xa với cơ quan phòng cháy địa phương.

Trạm đổi pin

So với cắm sạc thông thường, việc đổi pin diễn ra cực kỳ nhanh chóng và tiện lợi hơn rất nhiều. Thay vì phải chờ đợi ít nhất 3 tiếng để sạc đủ pin, người lái xe máy điện giờ đây chỉ mất vỏn vẹn 1-2 phút ghé vào trạm đổi pin, thậm chí còn nhanh hơn thời gian đổ xăng cho xe máy truyền thống.

Tại Đài Loan, Gogoro là thương hiệu đi đầu với mạng lưới hơn 13.000 trạm đổi pin phủ rộng khắp cả nước. Đáng chú ý, hệ thống trạm đổi pin của Gogoro còn có khả năng tương thích cả các mẫu xe máy điện từ các thương hiệu khác, từ đó thu hút thêm nhiều lượt khách sử dụng dịch vụ.

 Một trạm đổi pin xe máy điện của Gogoro.

Một trạm đổi pin xe máy điện của Gogoro.

Trong khi đó ở Trung Quốc, Hello đã hợp tác với nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới là CATL và Ant Group để đầu tư vào lĩnh vực đổi pin xe hai bánh, với cam kết xây dựng mạng lưới năng lượng cơ bản lớn nhất Trung Quốc cho xe hai bánh.

China Tower thông qua công ty con Tower Energy cũng được coi là "ngôi sao" trong ngành dịch vụ hoán đổi pin. Hãng này được cho là có mạng lưới đổi pin và lượng người dùng lớn nhất tại Trung Quốc, bao gồm xe máy điện của tài xế công nghệ, nhân viên giao hàng và người dùng cá nhân.

Theo Battery Swap Cabinet, mạng lưới đổi pin của China Tower hiện đã phủ sóng hơn 280 thành phố trên 31 tỉnh của Trung Quốc. Đặc biệt, tại Trùng Khánh, họ đã triển khai hơn 520 trạm đổi pin, phục vụ khoảng 12.000 lượt khách mỗi ngày.

Ở Đông Nam Á, công ty startup Oyika có trụ sở tại Singapore hiện cung cấp dịch vụ hoán đổi pin nhằm thúc đẩy việc sử dụng xe máy điện ở Đông Nam Á. Doanh nghiệp này có mặt tại Campuchia, Indonesia, Malaysia và Thái Lan.

Ban đầu, Oyika tập trung phục vụ đối tượng khách hàng là các tài xế giao hàng, shipper, nhưng đang có kế hoạch mở rộng sang các đối tượng khác như sinh viên, nhân viên văn phòng và khách hàng doanh nghiệp.

Ở Việt Nam, Selex là đơn vị tiên phong trong mô hình đổi pin xe máy điện với 90 trạm trên cả nước. Trong khi Honda cũng đang từng bước nhập cuộc với mẫu CUV e: được trang bị 2 pin có thể tháo rời và thay đổi dễ dàng và linh hoạt tại các đại lý ủy nhiệm.

 Pin của Honda CUV e: có thể tháo rời và hoán đổi nhanh chóng.

Pin của Honda CUV e: có thể tháo rời và hoán đổi nhanh chóng.

Nhìn chung, để mô hình này phát triển, cần có sự hỗ trợ chính sách từ Chính phủ, cùng với sự chung tay từ các hãng xe và công ty công nghệ. Điều này là tối cần thiết để chuẩn hóa bộ pin, cho phép tương thích với nhiều loại xe máy điện khác nhau, đồng thời giải quyết bài toán chi phí khổng lồ trong phát triển cơ sở hạ tầng và vận hành các trạm đổi pin.

Từ năm 2021, KTM AG, Honda, Yamaha và Piaggio đã chính thức công bố kế hoạch hợp tác để xây dựng bộ tiêu chuẩn toàn cầu cho pin có thể hoán đổi để sử dụng trên xe máy điện.

Trước đó, vào năm 2020, 4 nhà sản xuất xe máy lớn nhất Nhật Bản là Honda, Kawasaki, Suzuki và Yamaha cũng đã công bố lập một liên minh để xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật chung cho pin xe máy điện trong tương lai.

Sạc nhanh và cải tiến công nghệ pin

Thường được gọi là bộ sạc nhanh Cấp độ 3 hoặc sạc DC, giải pháp này cho phép sạc lại pin xe máy điện lên khoảng 80% trong vòng chưa đầy 30 phút. Mặc dù không nhanh bằng việc đổi pin, nhưng đây vẫn là sự cải thiện đáng kể so với sạc AC thông thường.

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất đối với sạc nhanh xe máy điện cũng là chi phí. Các bộ sạc nhanh và cơ sở hạ tầng đi kèm thường có chi phí đầu tư ban đầu lớn hơn đáng kể so với loại sạc thông thường.

 Công nghệ sạc nhanh chuẩn DC thường chỉ có trên các mẫu mô-tô điện cao cấp.

Công nghệ sạc nhanh chuẩn DC thường chỉ có trên các mẫu mô-tô điện cao cấp.

Bên cạnh đó, không phải tất cả các mẫu xe máy điện đều hỗ trợ sạc nhanh DC. Một số cái tên nổi bật được trang bị công nghệ này có thể kể đến như Zero SR/S, Harley-Davidson LiveWire, Verge Motorcycles TS Ultra và Energica Ego. Đây đều là những sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp và rất đắt tiền.

Ở Việt Nam hiện có mẫu Nuen N1-S là mô tô điện có thể sạc nhanh nhất trong 60 phút khi sử dụng trạm sạc nhanh DC do hãng triển khai. Nếu sử dụng điện dân dụng, xe có thể sạc đầy trong 4,5 tiếng. Mẫu xe này có giá từ 180-220 triệu đồng.

Trong nỗ lực rút ngắn thời gian sạc xe máy điện, cho cả xe phổ thông, hãng Yadea của Trung Quốc đã phát triển công nghệ pin natri. Không giống như pin lithium vốn phụ thuộc nhiều vào kim loại hiếm, pin natri sử dụng nhiều tài nguyên tái tạo hơn, giảm thiểu tác động đến môi trường đồng thời nâng cao độ ổn định và hiệu suất của pin.

Xe điện công nghệ pin natri Yadea sở hữu mật độ năng lượng cao, cho phạm vi hoạt động dài, hiệu suất sạc và độ an toàn cũng được cải thiện. Hãng này cũng có Hệ sinh thái sạc siêu nhanh HuaYu Natri, cho phép người dùng có thể sạc pin lên 80% chỉ trong 15 phút.

Lê Tuấn

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhung-giai-phap-cho-bai-toan-sac-xe-may-dien-post1761320.tpo
Zalo