Mỹ vừa 'quay lưng', Trung Quốc liền chớp cơ hội vượt lên trong cuộc đua làm chủ năng lượng xanh

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump cắt giảm ngân sách đang làm tê liệt các nỗ lực thúc đẩy năng lượng sạch của Washington, trong khi Bắc Kinh lại đang củng cố vị thế là nhà đầu tư lớn nhất thế giới trong lĩnh vực này.

Trung Quốc đang vươn lên dẫn đầu trong cuộc đua làm chủ năng lượng xanh. (Nguồn: Cipher News)

Trung Quốc đang vươn lên dẫn đầu trong cuộc đua làm chủ năng lượng xanh. (Nguồn: Cipher News)

Cuộc chạy đua làm chủ năng lượng xanh trên thế giới đang nóng lên nhanh chóng khi các quốc gia đang cần nhiều năng lượng sạch hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi công nghệ tiên tiến thúc đẩy nhu cầu.

Trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ tiên tiến khác đều cần một lượng điện năng đáng kể để vận hành do phụ thuộc khá nhiều vào các trung tâm dữ liệu và cơ sở hạ tầng điện toán mạnh mẽ.

Các quốc gia trên thế giới đang cố gắng tăng sản lượng năng lượng bằng cách đầu tư vào các trung tâm dữ liệu hoạt động liên tục 24/7, Mỹ và Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu trong cuộc chạy đua này.

"Bước lùi" của Washington

Chính quyền Tổng thống Trump mới đây đã đề xuất một số sắc lệnh hành pháp và đặc biệt là "Dự luật lớn tuyệt vời" (One Big Beautiful Bill) bao gồm việc gia hạn các khoản cắt giảm thuế năm 2017, tăng chi tiêu cho quốc phòng và an ninh biên giới, đồng thời cắt giảm một số chương trình an sinh xã hội.

Động thái này được đánh giá là một "bước lùi" trong cuộc đua năng lượng xanh của nước Mỹ, giữa bối cảnh Bắc Kinh tiếp tục củng cố vị thế là nhà đầu tư năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới.

Theo Viện Nghiên cứu năng lượng lưới điện quốc gia, Trung Quốc dự kiến sẽ tăng cường lưới điện quốc gia thêm 500 Gigawatt (GW) công suất năng lượng tái tạo trong năm 2025.

Khi cạnh tranh về công nghệ là động lực chính của những căng thẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, Bắc Kinh tiếp tục theo đuổi vị thế dẫn đầu thông qua việc thúc đẩy các mục tiêu về năng lượng tái tạo và tăng cường đầu tư vào công nghệ.

Ngược lại, chính quyền Mỹ lại đang từ bỏ các khoản tín dụng cho năng lượng tái tạo và coi các nguồn năng lượng lượng xanh như gió và mặt trời và "không đáng tin cậy" và "gây nguy hại cho lưới điện của Mỹ".

Tổng thống Trump thậm chí còn gọi các trang trại gió là "tai họa cho đất nước chúng ta" và các dự án năng lượng mặt trời lớn là "rất, rất kém hiệu quả".

Đây là sự thay đổi chính sách đột ngột của Nhà Trắng, dù năng lượng mặt trời từng được lưỡng đảng ủng hộ và là nguồn năng lượng tăng trưởng nhanh nhất tại quốc gia Bắc Mỹ trong năm 2024, theo dữ liệu của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ.

Để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho AI, Washington dự định đầu tư vào than đá - vốn được biết đến là nhiên liệu hóa thạch bẩn nhất và là tác nhân chính gây ô nhiễm không khí - cùng với các nhà máy khí đốt tự nhiên, hạt nhân và thủy điện.

Tuần trước, một số công ty tư nhân Mỹ đã cam kết đầu tư hàng chục tỷ USD vào năng lượng và công nghệ tại Pennsylvania, nhưng lại không bao gồm năng lượng tái tạo. Tác động của các chính sách mới đối với lĩnh vực này trong dài hạn vẫn còn phải chờ xem xét.

Bước tiến đáng kể của Bắc Kinh

Trái ngược với "kỳ phùng địch thủ", Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng năng lượng và các đường dây truyền tải mới để tích hợp các dự án năng lượng sạch vào lưới điện hiện có.

Theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), mặc dù nền kinh tế số một châu Á vẫn phụ thuộc rất nhiều vào than đá và dầu thô, năng lượng tái tạo đã đóng góp 35% tổng sản lượng điện của cả nước vào năm 2024.

Tencent, một trong những Tập đoàn Internet và công nghệ lớn nhất Trung Quốc, đã khởi động một dự án lưới điện siêu nhỏ vào năm ngoái tại Trung tâm dữ liệu đám mây công nghệ cao Tencent Thiên Tân. Theo website của Tập đoàn, đây là "một dự án lưới điện siêu nhỏ năng lượng mới phân tán, kết nối với lưới điện công cộng chính và tạo ra điện xanh".

Tấm pin mặt trời và turbin gió tại một dự án phát điện năng lượng mới ở Tân Châu, tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc. (Nguồn: Getty)

Tấm pin mặt trời và turbin gió tại một dự án phát điện năng lượng mới ở Tân Châu, tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc. (Nguồn: Getty)

Tập đoàn này đã lắp đặt các tấm pin mặt trời trên đỉnh Trung tâm dữ liệu - đóng vai trò như một nhà máy điện thu nhỏ. Dù chưa thể đáp ứng được toàn bộ nhu cầu năng lượng của Tập đoàn nhưng "dự án là một bước tiến quan trọng trong cam kết của Tencent nhằm đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2030" - website của Tập đoàn cho hay.

Nhiều tập đoàn công nghệ khác của Trung Quốc cũng đang tìm cách gắn kết chiến lược hoạt động của tập đoàn với mục tiêu "trung hòa carbon" vào năm 2060 mà Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất.

Báo cáo về môi trường, xã hội và quản trị năm 2025 của Tập đoàn Alibaba cho thấy, 64% các trung tâm dữ liệu do Tập đoàn tự xây dựng được cung cấp điện sạch. Con số này bao gồm tất cả các nguồn năng lượng tái tạo cũng như các nguồn năng lượng không tái tạo không thải ra các chất ô nhiễm độc hại, như năng lượng hạt nhân.

(theo SCMP)

Ly Ly

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-vua-quay-lung-trung-quoc-lien-chop-co-hoi-vuot-len-trong-cuoc-dua-lam-chu-nang-luong-xanh-321802.html
Zalo