Những giải mã lịch sử do khoa học thực hiện trong năm 2024
Trong năm 2024, các nhà khoa học đã có thể vén bức màn bí ẩn xung quanh những nhân vật trong lịch sử, cả đã biết và chưa biết, để tiết lộ thêm về những câu chuyện độc đáo của họ.
Trong một số trường hợp, phân tích lại các DNA cổ đại đã giúp lấp đầy những khoảng trống kiến thức và thay đổi những quan niệm cố hữu. Sau đây là một số cách khoa học đã đưa ra kiến giải mới về một sự kiện hay nhân vật lịch sử.
Xác chết dưới núi lửa
Một ví dụ điển hình là cách nghiên cứu DNA đang định hình lại cách chúng ta hiểu về di chỉ khảo cổ Pompeii. Đây là nơi vẫn bị mắc kẹt dưới lớp tro tàn hàng nghìn năm sau khi núi lửa Vesuvius phun trào vào năm 79 sau Công nguyên đã hủy diệt thị trấn La Mã này.
Các dấu vết di truyền thu thập được từ xương của các nạn nhân cho thấy rằng người từng được coi là bà mẹ đang ôm con trai mình trong những giây phút cuối đời thực chất là một người đàn ông trưởng thành không có quan hệ họ hàng. Có thể người đàn ông đã an ủi đứa trẻ trước khi cả chết dưới thảm họa.
Người đầu tiên di cư đến Đan Mạch
Một phân tích chi tiết về men răng, cao răng và collagen xương đã giúp các nhà nghiên cứu khám phá ra thông tin chi tiết về 'Người Vittrup'. Đây là một người di cư thời đồ đá đã chết đầy thảm khốc trong một đầm lầy ở phía tây bắc Đan Mạch cách đây khoảng 5.200 năm.
Hài cốt của ông, được tìm thấy trong một đầm lầy than bùn ở Vittrup, Đan Mạch, vào năm 1915. Người ta cũng tìm thấy bên cạnh một cây gậy gỗ có khả năng được dùng để đánh vào đầu ông. Nhưng người ta biết rất ít về ông.
Sử dụng các phương pháp phân tích tiên tiến, nhà nghiên cứu Anders Fischer tại khoa nghiên cứu lịch sử tại Đại học Gothenburg ở Thụy Điển, cùng các đồng nghiệp đã bắt tay vào dự án "tìm kiếm nhân vật ẩn sau bộ xương" và kể lại câu chuyện về người nhập cư lâu đời nhất được biết đến trong lịch sử Đan Mạch.
'Người Vittrup' lớn lên dọc theo bờ biển Scandinavia và thuộc về một cộng đồng săn bắt hái lượm, ưa thích chế độ ăn uống từ nguồn thực phẩm là cá, hải cẩu và cá voi. Nhưng cuộc sống của người này đã thay đổi hoàn toàn vào tuổi vị thành niên khi di cư đến Đan Mạch. Tại nơi mới, 'Người Vittrup' chuyển sang chế độ ăn kiểu nông dân, ăn thịt cừu và dê. Ông qua đời ở độ tuổi từ 30 đến 40.
'Người Vittrup' có thể đã bị giết để phục vụ cho lễ hiến tế, hoặc có lẽ ông chỉ ở nhầm nơi vào nhầm thời điểm nên bị sát hại. Nhưng nhà nghiên cứu Fischer thấy việc sử dụng nhiều kỹ thuật để khám phá các khía cạnh về danh tính của ông là điều đáng khích lệ với cộng đồng khảo cổ.
Fischer kết luận: "Trong trường hợp của 'Người Vittrup', chúng ta gặp một người nhập cư thế hệ đầu tiên thực sự và có thể theo dõi sự chuyển đổi địa bàn từ Bắc Scandinavia sang Nam Scandinavia và chuyển chế độ ăn uống từ một người đánh cá-săn bắn-hái lượm sang lối sống của một người nông dân".
'Người đàn ông khỏe mạnh' trong sử thi Norse được khai quật
Trong năm 2024, các nhà nghiên cứu đã có thể kết nối danh tính của một bộ xương được tìm thấy trong giếng thuộc một tòa lâu đài ở Na Uy với một đoạn văn bản tiếng Norse 800 năm tuổi.
Văn bản được gọi là Sverris saga kể lại câu chuyện có thật về vua Sverre Sigurdsson. Trong đó gồm đoạn mô tả về một đội quân xâm lược ném xác một người đàn ông đã chết xuống giếng tại lâu đài Sverresborg của Na Uy vào năm 1197 với âm mưu có thể là đầu độc nguồn cấp nước trong lâu đài.
Một nhóm các nhà khoa học gần đây đã nghiên cứu những chiếc xương được phát hiện trong giếng của lâu đài vào năm 1938. Sử dụng phương pháp xác định niên đại bằng cacbon phóng xạ, các nhà nghiên cứu xác định rằng hài cốt này có niên đại khoảng 900 năm. Trình tự gien của các mẫu răng cho thấy 'Người đàn ông khỏe mạnh' có tông màu da trung bình, mắt xanh và tóc nâu nhạt hoặc vàng. Và bất ngờ nhất, di truyền của ông không có kết nối gì với dân bản địa.
Đồng tác giả nghiên cứu Michael D. Martin là giáo sư khoa lịch sử tự nhiên tại Bảo tàng Đại học thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy ở Trondheim. Vào tháng 10, Giáo sư Martin cho biết: "Điều ngạc nhiên lớn nhất đối với tất cả chúng tôi là 'Người đàn ông khỏe mạnh' không phải là người dân địa phương, mà tổ tiên của ông có nguồn gốc từ một khu vực cụ thể ở miền nam Na Uy. Điều đó cho thấy đội quân bao vây đã ném một trong những người chết của họ xuống giếng".
Vén bức màn một 'hoàng tử mất tích'
Những tiến bộ trong di truyền học phân tử trong gần hai thập niên qua đã giúp các nhà nghiên cứu đi đến tận cùng của một câu đố lịch sử lâu đời về người được gọi là "hoàng tử mất tích" xuất hiện rất mơ hồ ở Đức vào giữa thế kỷ 19.
Trong 200 năm, có nhiều đồn đoán rằng một người đàn ông bí ẩn tên là Kaspar Hauser thực chất là thành viên của một hoàng gia ở Đức. Vào tháng 5.1828, Hauser được tìm thấy khi đang lang thang trên đường mà không có giấy tờ tùy thân ở Nuremberg. Lúc đó, thanh niên 16 tuổi được coi là Hauser hầu như không thể giao tiếp với những người thẩm vấn anh ta.
Một câu chuyện về Hauser là một hoàng tử bị bắt cóc khỏi hoàng cung Baden (tây nam nước Đức) đã lan truyền như cháy rừng. Đã có nhiều nghiên cứu về dữ liệu di truyền lấy từ các vật phẩm thuộc về Hauser, nhưng các kết quả mâu thuẫn đã dẫn đến bế tắc không có câu trả lời.
Năm vừa qua, các nhà nghiên cứu đã tiến hành một phân tích mới về các mẫu tóc của Hauser và có thể chứng minh rằng DNA ty thể của ông, hay mã di truyền được truyền từ phía mẹ, không khớp với DNA ty thể từ gia đình Baden. Kết quả này đã bác bỏ trò lừa bịp về một hoàng tử và coi như đã giải quyết được một bí ẩn lịch sử.
(còn nữa)