Những đường may tử tế nâng đỡ giấc mơ cho người khuyết tật
Ở một con phố nhỏ thuộc quận Hai Bà Trưng (TP Hà Nội) anh Nguyễn Duy Long đã biến căn nhà nhỏ của mình thành lớp học may đặc biệt dành cho những người phụ nữ khuyết tật.
Bén duyên với nghề dạy
Anh Nguyễn Duy Long (38 tuổi, quê quán Hà Nội), người truyền đạt hướng dẫn trong lớp cắt may Phố Xưa. Hơn 10 năm qua, không chỉ tạo ra những bộ trang phục đẹp đẽ, anh Long còn trao tặng niềm hy vọng và cơ hội cho những mảnh đời yếu thế.
Quyết định gắn bó với việc dạy cắt may cho phụ nữ khuyết tật đến từ chính hoàn cảnh cá nhân của anh. Cô con gái bé nhỏ của anh, 14 tuổi, từ khi sinh ra đã vướng vào căn bệnh bại não - một trong những căn bệnh khó chữa.
Trong quá trình làm nghề, anh biết có rất nhiều bạn muốn học ngành may mặc này nhưng gặp nhiều khó khăn, việc học đã khó, việc làm còn khó hơn. "Con mình đã không theo được nghề, nên anh sẽ truyền nghề cho mọi người" - anh tâm sự.
Từ đó, anh bén duyên dần dần với dạy học cắt may, ươm mầm những hạt giống tốt cho sau này. Khi mở lớp, không ít lần anh bắt gặp những hoàn cảnh khó khăn và cùng sự đồng cảm với các bạn học viên khuyết tật, anh Long càng có động lực dạy học.
Anh Long chia sẻ, anh mong muốn giúp đỡ các bạn hoàn cảnh có hoàn cảnh tương tự như con gái anh, để họ có một nghề có thể nuôi sống được bản thân và tiến xa hơn là có thể lo toan cho gia đình. Chính trong hoàn cảnh ấy, tình yêu thương vô bờ bến đã trở thành động lực mạnh mẽ giúp anh kiên cường vượt qua khó khăn để đồng hành và chăm sóc con gái.
Lớp học may cá nhân hóa
Dù đối diện với nhiều khó khăn trong cuộc sống cá nhân, anh Long vẫn quyết tâm mở lớp dạy may cho phụ nữ khuyết tật tại nhà. Với anh, lớp học may không chỉ là nơi chia sẻ kỹ năng, mà còn là một không gian của sự thấu hiểu và yêu thương. Mỗi người học viên đến với anh đều có những khiếm khuyết khác nhau, và điều đó đòi hỏi anh phải đưa ra những điều chỉnh cá nhân hóa cho từng người.
Với mỗi dạng khiếm khuyết, từ phần chân đến phần tay, anh Long luôn tìm cách thích nghi để đảm bảo người học có thể tiếp cận dễ dàng. Những chiếc máy may được điều chỉnh, bàn ghế được hạ thấp hoặc thêm các phụ kiện cần thiết, tất cả đều được chuẩn bị chu đáo. Anh không chỉ là một thầy giáo, mà còn là một người bạn đồng hành, lắng nghe và đồng cảm với mỗi người học viên.
Chị Vũ Thị Lan (34 tuổi, quê Nam Định) - một trong những học viên chia sẻ: “Tôi kém may mắn hơn người khác và đã gặp phải rất nhiều khó khăn trong cả cuộc sống. Khoảng 1 năm trước tôi là một người sống rất khép kín, nhưng kể từ khi quen và học cùng anh Long, tôi thay đổi rất nhiều. Anh Long như một người anh trong gia đình, luôn dành sự quan tâm đặc biệt, ân cần tới các học viên của mình từ việc học cho tới sức khỏe. Dần dần trở nên tự tin hơn, tôi thoải mái chia sẻ hình ảnh của mình trên mạng xã hội, rồi mở một tiệm may nho nhỏ ở nhà và tự xây một kênh TikTok để truyền động lực cảm hứng cho mọi người.”
Không chỉ giúp đỡ cho những người yếu thế học tập và định hướng nghề nghiệp, lớp học cắt may Phố Xưa còn tạo ấn tượng qua cách giảng dạy và tổ chức lớp học của anh Nguyễn Duy Long. Bên cạnh việc truyền đạt cho học viên những phương pháp thiết kế, cắt may sáng tạo, lớp học của anh Long còn được yêu thích bởi mô hình học cá nhân hóa 1 thầy 1 trò, thời gian học linh động và học viên được kèm sát sao, kỹ lưỡng.
Đối với anh Long, sự thành công của học viên chính là niềm hạnh phúc và tự hào lớn nhất. Anh không ngại khó khăn, không nề hà vất vả, tất cả vì anh mong muốn nhìn thấy các học trò của mình có thể tự lập, đứng vững bằng chính đôi chân của họ. Anh nói: “Cần phải tự tin, đừng ngại ngần, điều hạn chế lớn nhất của các bạn khiếm khuyết là ngại va chạm. Nhưng bước đầu tiên bao giờ cũng là khó khăn nhất, chỉ cần bước được bước đầu tiên này, chắc chắn có thể thay đổi được cuộc đời”.
Những thành quả từ lớp học của anh Long không chỉ là bộ trang phục đẹp, mà còn là những con người đầy nghị lực, những tấm gương sáng về ý chí và lòng nhân ái. Trong xã hội đầy biến động, những đường may của anh Long chính là những đường may tử tế” - những mảnh ghép giúp làm dịu đi những nỗi đau, những khó khăn của cuộc sống. Bằng tấm lòng trân quý của mình, anh đã xây dựng một cộng đồng đặc biệt, nơi mỗi người đều cảm nhận được sự yêu thương và hy vọng.