Những dự báo về chính sách với thế giới của ông Donald Trump

Các đồng minh và cả đối thủ đều đã chuẩn bị cho những thay đổi về chính sách kinh tế và đối ngoại của Mỹ trong 4 năm tới sau khi ông Donald Trump chiến thắng trong cuộc đua Nhà Trắng.

Lãnh đạo nhiều quốc gia trên thế giới đã nhanh chóng gửi lời chúc mừng chiến thắng đến ông Donald Trump sau khi truyền thông Mỹ xác định ông đắc cử tổng thống trong cuộc bầu cử năm nay.

Nhưng các quốc gia trên toàn thế giới cũng đã chuẩn bị tâm thế đón nhận những thay đổi được cho là sẽ diễn ra chóng vánh, về các vấn đề về kinh tế cũng như chính sách đối ngoại của Mỹ, trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.

Về vấn đề Trung Đông và Ukraine

Tại điểm nóng Trung Đông, chính quyền ông Trump nhiệm kỳ thứ hai có khả năng sẽ quay lại chính sách “gây sức ép tối đa” lên Tehran, giống như họ đã làm trong nhiệm kỳ đầu tiên của nhà lãnh đạo này, theo nhận định của báo Wall Street Journal.

 Nhiều chuyên gia đang đặt dấu hỏi về khả năng Mỹ duy trì sự hỗ trợ lớn cho Ukraine dưới thời ông Trump. Ảnh: Reuters

Nhiều chuyên gia đang đặt dấu hỏi về khả năng Mỹ duy trì sự hỗ trợ lớn cho Ukraine dưới thời ông Trump. Ảnh: Reuters

“Điều đó có thể định hình lại động lực trong một khu vực nơi Iran và các lực lượng ủng hộ họ đang tham gia vào một cuộc xung đột đa mặt trận với Israel”, tờ Wall Street Journal viết. “Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, một người ủng hộ ông Trump đã nhanh chóng chúc mừng ông, có thể phản công mạnh mẽ hơn với Iran”.

Đối với Ukraine, nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump sẽ làm gia tăng sự không chắc chắn về khả năng Kiev tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tài chính và vật chất to lớn từ Mỹ.

Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskyy đã chúc mừng ông Donald Trump về "chiến thắng bầu cử ấn tượng". Nhưng những nhân vật nổi tiếng thân cận với ông Trump đã bày tỏ sự cảnh giác về sự ủng hộ của Mỹ dành cho Ukraine.

Bản thân ông Trump trong chiến dịch tranh cử cũng đã hơn một lần đề cập đến việc muốn giúp chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine và có thể đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin để tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình.

 Tổng thư ký mới của NATO Mark Rutte, người từng có phản ứng khá “gắt” với ông Trump vào năm 2018 khi còn thủ tướng Hà Lan, cũng đã sớm chúc mừng ông Trump. Ảnh: AP

Tổng thư ký mới của NATO Mark Rutte, người từng có phản ứng khá “gắt” với ông Trump vào năm 2018 khi còn thủ tướng Hà Lan, cũng đã sớm chúc mừng ông Trump. Ảnh: AP

Tại trụ sở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels, các quan chức hiện đang phải đối mặt với những câu hỏi về tương lai của tổ chức do Mỹ lãnh đạo. Ông Trump đã nhiều lần chỉ trích gay gắt liên minh quân sự này vì hầu hết các thành viên châu Âu từ lâu đã tụt hậu so với Mỹ về chi tiêu quân sự.

Chi tiêu của châu Âu đã đảo ngược trong những năm gần đây, tăng mạnh sau cuộc xung đột Nga - Ukraine. Liệu sự gia tăng này có đủ để xoa dịu chính quyền ông Trump hay không vẫn là một ẩn số khiến các nhà ngoại giao châu Âu lo lắng.

Tổng thư ký mới của NATO Mark Rutte, người từng có phản ứng khá “gắt” với ông Trump vào năm 2018 khi còn thủ tướng Hà Lan, gần đây đã nói về nhu cầu chi tiêu và hành động nhiều hơn của NATO. Vào sáng thứ Tư, ông Rutte đã nhanh chóng chúc mừng ông Trump.

“Tôi mong muốn được làm việc với ông ấy một lần nữa để thúc đẩy hòa bình thông qua sức mạnh thông qua NATO,” Tổng thư ký Rutte nói. “Thông qua NATO, Mỹ có 31 người bạn và đồng minh giúp thúc đẩy lợi ích của Mỹ, nhân lên sức mạnh của Mỹ và giữ cho người Mỹ an toàn.

Nhưng việc tăng thêm chi tiêu quân sự sẽ đòi hỏi hành động từ chính phủ và cơ quan lập pháp của 32 thành viên NATO - trong đó có 29 thành viên đến từ châu Âu - nên việc hành động nhanh chóng là rất khó khăn.

Từ Liên minh châu Âu...

Tại Brussels, các quan chức Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch ứng phó với áp lực từ ông Trump, người đã nhiều lần lên tiếng bày tỏ sự không hài lòng về thâm hụt thương mại của Mỹ với EU trong suốt chiến dịch tranh cử.

Các quan chức và nhà ngoại giao EU nhấn mạnh trong những tuần gần đây rằng họ không muốn có chiến tranh thương mại. Nhưng họ cho biết châu Âu sẽ sẵn sàng đáp trả bằng các biện pháp đối phó có mục tiêu nếu chính quyền mới của Mỹ áp dụng thuế quan nặng.

 Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen trao đổi với ông Donald Trump trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế thế giới Davos năm 2020. Ảnh: Reuters

Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen trao đổi với ông Donald Trump trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế thế giới Davos năm 2020. Ảnh: Reuters

Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen cho biết: “Hàng triệu việc làm và hàng tỷ USD trong thương mại và đầu tư ở mỗi bên bờ Đại Tây Dương phụ thuộc vào sự năng động và ổn định của mối quan hệ kinh tế của chúng ta”.

Quyết định về việc hàng hóa nào của Mỹ có thể bị nhắm tới để trả đũa sẽ phụ thuộc vào chi tiết của bất kỳ biện pháp thương mại nào từ bên kia Đại Tây Dương.

Tờ Wall Street Journal nhận định, phản ứng của châu Âu có thể sẽ tuân theo một kịch bản quen thuộc. Sau khi ông Trump áp thuế thép và nhôm lên châu Âu trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, EU đã đáp trả bằng cách áp thuế đối với một loạt sản phẩm của Mỹ, bao gồm rượu whisky bourbon từ Kentucky, quê hương của lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện khi đó là Mitch McConnell, một đảng viên Cộng hòa.

Các quan chức EU cũng đã xem xét những gì khối này có thể cung cấp cho Mỹ về thương mại, bao gồm khả năng hợp tác lớn hơn về máy móc nông nghiệp, các nhà ngoại giao cho biết.

...đến Hàn Quốc và Trung Quốc

Đối với Trung Quốc, sự trở lại của ông Trump có thể sẽ châm ngòi cho một giai đoạn mới trong cuộc chiến thương mại đã bắt đầu từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông khi mối quan hệ rộng hơn giữa Washington và Bắc Kinh đang căng thẳng.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã đưa ra kế hoạch áp thuế 60% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, tăng đáng kể so với mức tăng thuế khiêm tốn hơn đối với một số hàng hóa Trung Quốc vốn là chính sách đặc trưng của ông trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên.

 Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã đưa ra kế hoạch áp thuế 60% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Ảnh: GI

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã đưa ra kế hoạch áp thuế 60% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Ảnh: GI

Các rào cản thương mại mới của Mỹ sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế Trung Quốc. Thuế quan cao sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại với Mỹ, có thể lên tới 70%, theo Oxford Economics, làm giảm thị phần nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ xuống chỉ còn 4%, từ mức khoảng 14% vào năm 2023.

Giống như EU, Trung Quốc cũng có thể cố gắng buộc Mỹ xem xét lại các hành động thương mại bằng biện pháp trả đũa, có khả năng bằng cách tăng thuế đối với các sản phẩm của Mỹ như xe máy và rượu bourbon, hoặc giữ lại nguồn cung cấp các khoáng sản quan trọng cần thiết trong các ngành công nghiệp công nghệ cao như sản xuất chip.

 Hàng nghìn xe hơi Hàn Quốc chuẩn bị xuất khẩu sang Mỹ. Ô tô là một trong những sản phẩm chủ lực giúp Seoul đạt được thặng dư thương mại kỷ lục với Washington vào năm ngoái. Ảnh: Korea Times

Hàng nghìn xe hơi Hàn Quốc chuẩn bị xuất khẩu sang Mỹ. Ô tô là một trong những sản phẩm chủ lực giúp Seoul đạt được thặng dư thương mại kỷ lục với Washington vào năm ngoái. Ảnh: Korea Times

Hàn Quốc đã đặt nhiều kỳ vọng vào nhiệm kỳ tổng thống của ông Joe Biden, khi các tập đoàn hàng đầu của họ đã xuất khẩu hàng chục tỷ USD sản phẩm bán dẫn, xe điện, pin, phụ tùng ô tô và máy tính tới Mỹ. Điều đó giúp Hàn Quốc đạt mức thặng dư thương mại cao kỷ lục với Mỹ trong nửa đầu năm 2024, tăng khoảng 55% so với cùng kỳ năm ngoái, lên khoảng 29 tỷ USD, theo ước tính chính thức của Seoul.

Nhưng ông Trump, người trước đây đã nhắm vào sự mất cân bằng thương mại với các quốc gia khác, có thể sẽ xem xét lại chính sách công nghiệp của người tiền nhiệm. Giá cổ phiếu của các nhà sản xuất pin xe điện và nhà sản xuất tấm pin mặt trời của Hàn Quốc đã lao dốc vào thứ Tư.

Quang Anh (theo Wall Street Journal)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhung-du-bao-ve-chinh-sach-voi-the-gioi-cua-ong-donald-trump-post320299.html
Zalo