Những 'đòn bẩy' cho doanh nghiệp vật liệu xây dựng bứt phá
Kết thúc năm 2024 với những kết quả có phần chững lại, các doanh nghiệp trong ngành Vật liệu xây dựng (VLXD) kỳ vọng vào năm 2025 sẽ có những bứt phá với các động lực thúc đẩy tăng trưởng, trở thành lĩnh vực dẫn dắt thị trường trong thời gian tới.
Năm 2025 đánh dấu giai đoạn tập trung vào các dự án đầu tư công trọng điểm về giao thông, đô thị và phát triển vùng, tạo ra nhu cầu lớn về VLXD như xi măng, sắt thép, cát, đá. Qua đó, hỗ trợ sự phục hồi và tăng trưởng của các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.

Các doanh nghiệp VLXD đang có hướng mở rộng thị trường ra nước ngoài trong thời gian tới.
Theo dữ liệu của Vietnam Report, các động lực chính thúc đẩy tăng trưởng của doanh nghiệp ngành VLXD trong năm 2025 được xác định qua 6 yếu tố nổi bật. Đứng đầu là “Đầu tư công được đẩy mạnh, cơ sở hạ tầng cải thiện trong năm 2025”. Điều này phù hợp với thực tế được ghi nhận trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, khi năm 2025 đánh dấu giai đoạn nước rút với tổng vốn đầu tư 885.755,52 tỷ đồng, tập trung vào các công trình giao thông, đô thị và phát triển vùng, tạo ra nhu cầu lớn về VLXD như xi măng, sắt thép, cát, đá.
Sự phát triển hạ tầng không chỉ thúc đẩy nhu cầu xây dựng dân dụng và thương mại mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa đến toàn bộ hệ sinh thái ngành xây dựng, từ sản xuất bê tông, nhựa đường đến nội thất và sơn phủ, qua đó hỗ trợ sự phục hồi và tăng trưởng của các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.
Bên cạnh yếu tố đầu tư công, “các chính sách hỗ trợ của Chính phủ” cũng được các doanh nghiệp đánh giá cao. Những năm gần đây, Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ rào cản pháp lý và cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt thông qua việc ban hành các luật quan trọng như Luật Đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở, và Luật Kinh doanh bất động sản, có hiệu lực từ năm 2024.
Các điều chỉnh này đã giải quyết nhiều vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư và bất động sản, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt dự án, giải phóng nguồn lực và kích thích dòng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản, từ đó tác động trực tiếp đến nhu cầu VLXD.
Chính phủ cũng triển khai các chính sách tài chính – tín dụng, như giảm lãi suất vay vốn và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, giúp các doanh nghiệp VLXD duy trì hoạt động và mở rộng sản xuất.
Ngoài các yếu tố tăng trưởng nội địa, thị trường xuất khẩu mở ra dư địa rộng lớn cho ngành VLXD nước ta trong giai đoạn 2024-2025, nhờ vị thế ngày càng vững chắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Sau 5 năm chịu ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, Việt Nam đã tận dụng lợi thế địa chính trị, trở thành điểm đến chiến lược thay thế Trung Quốc cho các doanh nghiệp Mỹ và phương Tây.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn đánh giá rất cao tiềm năng xuất khẩu. Theo Vietnam Report, có 92,3% doanh nghiệp được khảo sát, lên kế hoạch mở rộng thị trường ra nước ngoài trong 1-3 năm tới, nhắm đến thị trường châu Á, châu Mỹ và châu Âu. Sự bứt phá này không chỉ phản ánh sự phục hồi kinh tế toàn cầu mà còn cho thấy quyết tâm quốc tế hóa của các doanh nghiệp đổi mới quản trị, hứa hẹn khai thác mạnh mẽ thị trường xuất khẩu trong thời gian tới.