Những điều thú vị lần đầu xuất hiện tại World Cup 2022

Để phục vụ cho sự kiện 4 năm mới diễn ra 1 lần, nước chủ nhà đã chi ra hơn 6,5 tỷ USD để xây dựng 8 sân vận động (SVĐ) mới với hệ thống điều hòa nhiệt độ hiện đại giúp các cầu thủ có thể thi đấu trong điều kiện lý tưởng nhất. Họ cũng bỏ ra 36 tỷ USD cho hệ thống tàu điện ngầm không người lái kết nối các SVĐ để khán giả tiện di chuyển. Sự giàu có giúp Qatar tổ chức 1 kỳ World Cup xa hoa và tốn kém nhất trong lịch sử. Ước tính quốc gia này đã chi đến 300 tỷ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng trong thập kỷ vừa qua.

Điều đặc biệt của World Cup năm nay, đó là nước chủ nhà đã đầu tư 1 nhà máy điện năng lượng mặt trời với 1,8 triệu tấm pin, cung cấp đủ năng lượng cho các công trình hạ tầng phục vụ giải đấu và các hoạt động thi đấu. Bên cạnh đó, với khoảng 220 triệu USD dành cho công tác chuẩn bị, World Cup 2022 được thống kê là giải đấu có chi phí tổ chức cao nhất trong lịch sử.

Bên cạnh cơ sở hạ tầng, vật chất hiện đại, VCK World Cup lần thứ 22 có nhiều điểm mới và những điều thú vị lần đầu xuất hiện trên sân cỏ. Vì tần suất ra sân liên tục nên ban tổ chức cho phép các đội bóng được quyền thay 5 người trong thời gian thi đấu chính thức. Bước vào vòng đấu loại trực tiếp, nếu phải thi đấu hiệp phụ, mỗi đội được thay thêm 1 lượt người nữa, đây là quy định mới lần đầu được áp dụng ở sân chơi đỉnh cao.

Quả bóng Al Rihla được tích hợp cảm biến hiện đại

Quả bóng Al Rihla được tích hợp cảm biến hiện đại

Một điều thú vị khác, đây cũng là lần đầu tiên các cầu thủ được trải nghiệm với quả bóng tròn mang tên "Al Rihla" được thiết kế, chế tạo vô cùng đặc biệt. Trong tiếng Arab, Al Rihla có nghĩa là "cuộc hành trình". Về vật liệu, Al Rihla được cấu tạo từ CRT-Core, một loại vật liệu tổng hợp giúp bảo đảm sự ổn định, độ chính xác và rất thân thiện với môi trường. Bên trong lõi của Al Rihla là cụm cảm biến được gọi là Suspension System với nhiệm vụ đo đạc tốc độ, vị trí của trái bóng và gửi thông tin đó vào mạng lưới công nghệ VAR.

Một trong những cải tiến chính của quả bóng là Speedshell. Speedshell nhằm mục đích tăng tốc độ bay và quay để đạt được khí động học tuyệt vời. Theo tiết lộ của nhà sản xuất, Al Rihla được tạo ra để phục vụ cho các trận đấu có cường độ cao vì nó bay nhanh hơn bất kỳ trái bóng nào trong lịch sử World Cup. Điều này giúp cầu thủ có những cú sút đưa bóng đi nhanh và chính xác, thách thức khả năng phản xạ của các thủ môn. Với những ưu điểm vượt trội này, người hâm mộ sẽ có cơ hội chứng kiến nhiều siêu phẩm làm bàn đẹp mắt. Al Rihla là trái bóng thứ 14 liên tiếp mà một thương hiệu thể thao nổi tiếng sáng tạo riêng cho các kỳ World Cup. Trái bóng này được bán với giá 165 USD, tương đương hơn 4 triệu đồng.

Hệ thống công nghệ bắt việt vị bán tự động

Hệ thống công nghệ bắt việt vị bán tự động

Kết nối cùng với quả bóng Al Rihla còn có công nghệ bắt việt vị bán tự động. Hệ thống này dựa trên 12 camera quang học chuyên dụng gắn dưới mái SVĐ và tất cả được đồng bộ hóa với nhau. Dữ liệu theo dõi sẽ xem xét 29 điểm di chuyển của từng cầu thủ và vị trí bóng, được phân tích ở tốc độ 50 lần mỗi giây. Mặt khác, công nghệ bắt việt vị mới của FIFA sử dụng cả trí tuệ nhân tạo sẽ tổng hợp thông tin và gửi đến phòng VAR trong vòng vài giây. Tổ trọng tài VAR sẽ nhận được cảnh báo nếu hệ thống phát hiện ra việt vị. Nhiệm vụ của tổ VAR là phải đánh giá lại tình hình theo cách thủ công để xem tín hiệu có gì sai sót hay không, rồi tư vấn cho trọng tài chính. Quá trình thử nghiệm cho thấy, công nghệ giúp trọng tài đưa ra quyết định chính xác gần như tuyệt đối.

Ngoài sự hiện diện của quả bóng được tích hợp cảm biến và hệ thống bắt việt vị bán tự động tiên tiến, trên các sân cỏ còn có 3 "nữ vương" làm nhiệm vụ điều hành trận đấu - công việc mà ở sân chơi đỉnh cao chưa bao giờ dành cho phái yếu. Theo danh sách trọng tài đảm trách nhiệm vụ cầm còi ở World Cup được FIFA công bố thì ngoài 33 đấng mày râu, còn có 3 bóng hồng lần đầu tiên được trao vinh dự là Stephanie Frappart (Pháp), Salima Mukansanga (Rwanda) và Yoshimi Yamashita (Nhật Bản).

Tác phong lẫn chuyên môn của nữ trọng tài Stephanie Frappart không thua kém đồng nghiệp nam

Tác phong lẫn chuyên môn của nữ trọng tài Stephanie Frappart không thua kém đồng nghiệp nam

Chủ tịch Hội đồng trọng tài của FIFA, cựu trọng tài lừng danh Pierluigi Collina, nói về sự góp mặt của 3 nữ nhi ưu tú: "Chúng tôi ưu tiên yếu tố chất lượng, chứ không phải giới tính. Tôi hy vọng trong tương lai, việc phụ nữ cầm còi trong các trận đấu của nam giới sẽ trở thành điều bình thường".

Theo dữ liệu được cung cấp từ FIFA, họ đã nhận được 23 triệu yêu cầu mua vé xem giải đấu dự kiến có 5 tỷ người theo dõi trên toàn thế giới. Và bây giờ, Qatar trở thành tâm điểm của cả thế giới với kỳ World Cup được mô tả là có một không hai.

KHÔI NGUYÊN

Nguồn CA TP.HCM: http://thethao.congan.com.vn//tin-tuc/nhung-dieu-thu-vi-lan-dau-xuat-hien-tai-world-cup-2022_140015.html
Zalo