Những điều chưa biết về bỏ phiếu bất tín nhiệm

Kể từ cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đầu tiên trên thế giới diễn ra cách đây gần 300 năm, đã có không biết bao nhiêu các động thái tương tự diễn ra ở khắp các nước trên thế giới, như một minh chứng cho quyền giám sát của cơ quan lập pháp. Có nhiều câu chuyện thú vị xung quanh thủ tục đặc biệt này.

Anh: cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đầu tiên trên thế giới

Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đầu tiên trên thế giới diễn ra cách đây gần 300 năm tại Nghị viện Anh. Vào năm 1742, Nghị viện Anh tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm thành công đầu tiên trong lịch sử nước này, cũng là lịch sử thế giới nhằm vào Chính phủ đảng Whig của Robert Walpole, người thường được coi là Thủ tướng thực tế đầu tiên của Vương quốc Anh.

Trong 282 năm qua, Nghị viện Anh đã tiến hành thành công 24 cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nhằm lật đổ các Chính phủ. Chính phủ gần nhất bị lật đổ do bỏ phiếu bất tín nhiệm là Chính phủ Công đảng của Thủ tướng James Callaghan vào năm 1979. Trước cuộc bỏ phiếu năm 1979, cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm thành công gần đây nhất diễn ra vào năm 1924, đánh dấu khoảng thời gian dài nhất giữa các lần bỏ phiếu bất tín nhiệm như vậy trong lịch sử Nghị viện Anh.

 Nghị viện Anh là nơi diễn ra cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đầu tiên trên thế giới

Nghị viện Anh là nơi diễn ra cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đầu tiên trên thế giới

Lần gần đây nhất là vào năm 2019, phe đối lập Anh đưa ra kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm chống lại Thủ tướng Theresa May, song kiến nghị bất tín nhiệm đã không thành công trong cuộc bỏ phiếu tại Nghị viện.

Italy: hàng chục Chính phủ sụp đổ vì bỏ phiếu bất tín nhiệm

Chính phủ có thể bị giải thể do bỏ phiếu bất tín nhiệm trong hệ thống nghị viện, nhưng tần suất này phụ thuộc vào quy định của từng quốc gia và mô hình chính thể. Chẳng hạn, Italy là một trong những quốc gia có tỷ lệ Chính phủ sụp đổ do bỏ phiếu bất tín nhiệm cao nhất. Kể từ Thế chiến II, nước này đã chứng kiến hàng chục Chính phủ sụp đổ do tranh chấp nội bộ trong các Chính phủ liên minh.

Một ví dụ khác là Pháp trong thời kỳ Cộng hòa Đệ tứ (1946 - 1958). Giai đoạn này đã trải qua nhiều cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm dẫn đến nhiều sự sụp đổ của các Chính phủ. Theo thống kê trong giai đoạn này, ít nhất mỗi năm có một đến hai Chính phủ Pháp sụp đổ do bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Số lượng các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm bị ảnh hưởng bởi bản chất của hệ thống chính trị và mức độ xây dựng liên minh. Các quốc gia bầu cử theo hình thức đại diện tỷ lệ, nơi các Chính phủ liên minh phổ biến hơn, có xu hướng trải qua nhiều cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hơn và nguy cơ Chính phủ sụp đổ cũng cao hơn.

Đức: bỏ phiếu tín nhiệm phải mang tính xây dựng

Thông thường, các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm có thể dẫn đến hậu quả là một Thủ tướng phải từ chức, một Chính phủ bị sụp đổ và một cuộc bầu cử mới có thể được tiến hành sau đó.

Tuy nhiên, ở một số nước như Đức, Bỉ, Tây Ban Nha, Hungary, Slovenia và Lesotho (các nước theo hệ thống Weimar), các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với người đứng đầu Chính phủ phải đồng thời đi kèm với việc bầu ra được một lãnh đạo mới (đồng nghĩa với việc thiết lập một Chính phủ mới). Ngày 1.10.1982, Thủ tướng Helmut Schmidt của đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) đã mất chức vào tay ông Helmut Kohl của đảng Dân chủ Thiên Chúa Giáo (CDU) theo cách như vậy. Trước đó 10 năm, ngày 27.4.1972, Thủ tướng Willy Brandt của đảng SPD lại thoát khỏi một cuộc bỏ phiếu tương tự nhờ nhỉnh hơn phe đối lập 2 phiếu.

Mỹ: luận tội thay vì bỏ phiếu bất tín nhiệm

Lưỡng viện Quốc hội Mỹ không có bất cứ thủ tục bỏ phiếu bất tín nhiệm nào. Thay vào đó, họ dùng “nghị quyết” (resolution) để bày tỏ sự bất tín nhiệm đối với lãnh đạo trong Chính phủ. Chẳng hạn, vào năm 1950, Ngoại trưởng Dean Acheson đã bị Quốc hội lên án bằng một nghị quyết nhưng nghị quyết này không mang lại một hậu quả pháp lý nào, vì Dean Acheson vẫn giữ ghế ngoại trưởng cho đến hết nhiệm kỳ Tổng thống Harry Truman vào năm 1953. Các nghị quyết này, do đó, chỉ mang tính biểu tượng, răn đe hoặc cảnh cáo.

Tuy nhiên, Hiến pháp Mỹ quy định về cơ chế luận tội. Đây được coi là một quyền lực của ngành lập pháp Mỹ, dùng để chính thức truy tố một công chức mà cao nhất là Tổng thống vì những hành vi phạm pháp trong khi đang tại chức. Khoản 2, Đoạn 4, Hiến pháp Hoa Kỳ quy định: "Tổng thống, Phó tổng thống, và các viên chức dân sự khác của Hoa Kỳ sẽ bị truất phế dựa trên sự luận tội vì bị kết án là phản quốc, hối lộ hay các tội nặng nhẹ khác”. Hạ viện là nơi có quyền duy nhất luận tội trong khi đó Thượng viện Hoa Kỳ là nơi duy nhất có quyền xét xử tất cả những vụ luận tội. Tuy nhiên, việc luận tội được xem như một quyền lực chỉ sử dụng cho các vụ việc nghiêm trọng. Cho tới nay, có 19 viên chức liên bang thực sự bị luận tội. Trong số đó, có 2 Tổng thống (Andrew Johnson năm 1868 và Bill Clinton năm 1999, nhưng không ai bị phế truất), 15 thẩm phán liên bang, một bộ trưởng và một thượng nghị sĩ.

Canada: đóng cửa Nghị viện để “né” bỏ phiếu bất tín nhiệm

Đó là chuyện đã xảy ra ở Canada vào cuối năm 2008. Vào thời điểm đó, trước sự chỉ trích của phe đối lập, Thủ tướng Stephen Harper phải đối mặt với hai rủi ro chính trị: một là từ chức, hai là đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm do phe đối lập khởi xướng. Tình thế lúc đó cho thấy ông Harper nắm chắc phần thua nếu cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm diễn ra.

Ông đã khôn ngoan lách qua tình thế hiểm nghèo này bằng cách đề nghị Toàn quyền Canada, người đại diện của Nữ hoàng Anh ở Canada, tạm dừng hoạt động của Nghị viện cho đến ngày 26.1.2009 và trở thành Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Canada làm như vậy.

Đề nghị của ông Harper được chấp thuận 4 ngày trước khi cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm dự kiến diễn ra. Khoảng thời gian gần hai tháng Nghị viện ngừng hoạt động đó đủ để ông Harper cứu vãn tình hình và giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm được tổ chức vào ngày 29.1.2009 với 144 phiếu ủng hộ Chính phủ và 117 phiếu chống.

Đạt Quốc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nhung-dieu-chua-biet-ve-bo-phieu-bat-tin-nhiem-post394492.html
Zalo