Những điều cần biết về trừ điểm giấy phép lái xe

Mỗi giấy phép lái xe (GPLX) có 12 điểm, tài xế sẽ bị trừ điểm khi vi phạm giao thông. Tùy từng hành vi vi phạm mà người điều khiển phương tiện bị trừ từ 2 – 12 điểm trên GPLX.

Mỗi giấy phép lái xe có 12 điểm

Điều 58 Luật Trật tự, ATGT đường bộ quy định, mỗi GPLX có 12 điểm, tài xế sẽ bị trừ điểm khi vi phạm luật

Điều 58 Luật Trật tự, ATGT đường bộ quy định, mỗi GPLX có 12 điểm, tài xế sẽ bị trừ điểm khi vi phạm luật

Ngày 27/6, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Trật tự, ATGT đường bộ, chính thức có hiệu lực từ 1/1/2025; riêng quy định sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao 1,35m khi ngồi xe ô tô có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.

Đáng chú ý, tại Điều 58 Luật Trật tự, ATGT đường bộ quy định, mỗi GPLX có 12 điểm, tài xế sẽ bị trừ điểm khi vi phạm luật. Ngay sau khi có quyết định trừ điểm GPLX sẽ được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu và thông báo cho chủ nhân biết.

GPLX được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm trong 12 tháng kể từ ngày bị trừ gần nhất. Trường hợp GPLX bị trừ hết điểm thì tài xế không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo loại GPLX đó.

Bị trừ hết điểm GPLX, người lái ôtô phải kiểm tra mô phỏng các tình huống giao thông

Sau ít nhất 6 tháng kể từ ngày GPLX bị trừ hết điểm, người có GPLX phải kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, ATGT đường bộ. Nội dung kiểm tra do Bộ GTVT ban hành; các buổi kiểm tra do Cục CSGT (Bộ Công an) hoặc Phòng CSGT Công an tỉnh, thành phố tổ chức; kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm. Với hình thức tước quyền sử dụng GPLX như hiện nay, tài xế được nhận lại GPLX của mình sau thời gian bị tước.

Tại dự thảo Thông tư quy định về tổ chức kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự ATGT đường bộ để được phục hồi điểm GPLX do Bộ Công an xây dựng, người tham gia sẽ làm bài trắc nghiệm trên máy tính để đánh giá kiến thức về luật giao thông đường bộ. Riêng người lái ô tô sẽ có thêm phần kiểm tra mô phỏng các tình huống giao thông phức tạp để đánh giá khả năng xử lý tình huống thực tế.

"Việc trừ điểm GPLX vừa có tính chất răn đe nhưng lại vừa động viên, giáo dục người tham gia giao thông chấp hành pháp luật. Người lái xe chỉ vi phạm những lỗi nghiêm trọng, có tính chất cố tình và gây nguy hiểm thì mới bị trừ một lần hết 12 điểm".

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết TNGT (Cục CSGT)

Bộ Công an đề xuất, người dự kiểm tra có GPLX hạng A1 làm 25 câu hỏi trắc nghiệm trong 19 phút. Mỗi câu hỏi được tính là 1 điểm và nếu kết quả đạt từ 21 điểm trở lên là đạt yêu cầu. Người có GPLX hạng A, B1 cũng làm số câu hỏi và thời gian tương tự nhưng phải được từ 23 điểm trở lên.

Người có GPLX hạng B, C1 sẽ làm 35 câu hỏi trắc nghiệm trong 22 phút. Mỗi câu tương ứng với 1 điểm và nếu đạt 32 điểm trở lên là "đỗ".

Người có GPLX hạng D1, C làm 40 câu hỏi trắc nghiệm trong 24 phút và nếu được 36 điểm trở lên là đạt yêu cầu. Với GPLX hạng D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE, thì người tham gia phải làm 45 câu hỏi trắc nghiệm trong 26 phút, được 41 điểm trở lên là đạt.

Tuy nhiên, có một điểm đặc biệt trong bài thi của các hạng trên là mỗi đề sẽ có một câu hỏi, nếu thí sinh lựa chọn đáp án sai bị tính là "điểm liệt". Trường hợp bị "điểm liệt" thì người dự kiểm tra không đạt yêu cầu.

Với phần mô phỏng, Bộ Công an đề xuất thời gian kiểm tra 10 câu hỏi mô phỏng các tình huống giao thông không quá 10 phút. Mỗi câu có số điểm tối đa là 5, tối thiểu là 0 và nội dung là mô tả về các tình huống tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông khác nhau.

Số điểm đạt được của người dự kiểm tra tương ứng với thời điểm nhận biết và xác định tình huống tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT thông qua việc tương tác với máy tính có cài đặt phần mềm mô phỏng. Người dự kiểm tra được 35/50 điểm là đạt yêu cầu.

Người có GPLX ô tô phải đạt cả 2 nội dung kiểm tra lý thuyết và mô phỏng. Nếu trượt phần lý thuyết sẽ không được dự kiểm tra phần mô phòng. Nếu đỗ lý thuyết nhưng trượt mô phỏng thì kết quả kiểm tra lý thuyết được bảo lưu trong một năm. Trong 3 ngày từ khi trượt mô phỏng có thể đăng ký kiểm tra lại.

Tự động trừ điểm GPLX và được kết nối với VneID

CSGT Hà Nội kiểm tra giấy tờ người điều khiển phương tiện qua VnelD

CSGT Hà Nội kiểm tra giấy tờ người điều khiển phương tiện qua VnelD

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng, việc trừ điểm hoàn toàn tự động, được kết nối với VNeID và Cổng dịch vụ công quốc gia để thông báo các hành vi vi phạm bị trừ bao nhiêu điểm, số điểm còn lại bao nhiêu. Hiện Bộ Công an đang xây dựng cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm trật trật tự, an toàn giao thông trên cả nước và cơ sở dữ liệu về xử phạt vi phạm trật tự ATGT thuộc thẩm quyền của Bộ Công an.

"Hiện có 85% các quyết định xử lý vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của Bộ Công an, đã được tích hợp đầy đủ từ trước đến nay nên có thể kết nối liên thông, chia sẻ, xác định việc vi phạm của công dân cụ thể ở từng thời điểm. Tất cả đều kết nối liên thông, tự động, không có sự can thiệp trái pháp luật của con người. Rất dễ dàng trong việc truy xuất và xử phạt tiếp theo", Thứ trưởng Bộ Công an chia sẻ tại họp báo ngày 22/7 công bố các luật vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 7, trong đó có Luật Trật tự, ATGT đường bộ.

Bị trừ điểm thì không tước quyền sử dụng giấy phép lái xe

Khác với hình thức tước GPLX đang áp dụng tại luật hiện hành, việc trừ điểm GPLX không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Hành vi vi phạm đã bị trừ điểm GPLX thì không áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng GPLX.

Quy định hiện nay, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông thông vi phạm đến mức bị tước quyền sử dụng GPLX thì sẽ không được phép điều khiển phương tiện. Trong khi đó, khi luật mới có hiệu lực, trường hợp trừ điểm GPLX thì tài xế vẫn được điều khiển phương tiện đến khi bị trừ hết 12 điểm.

Trường hợp nào bị trừ một lần hết 12 điểm?

Lực lượng thuộc Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3 (Cục CSGT) dừng, kiểm tra dấu hiệu vi phạm của phương tiện trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Cao Bồ

Lực lượng thuộc Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3 (Cục CSGT) dừng, kiểm tra dấu hiệu vi phạm của phương tiện trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Cao Bồ

Tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ đang được lấy ý kiến, Bộ Công an đề xuất 189 hành vi, nhóm hành vi bị trừ điểm GPLX. Trong đó có 28 hành vi, nhóm hành vi bị trừ 12 điểm, gồm:

-Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở;

-Điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy;

-Điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 150%;

-Đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ trên 35km/h;

-Bấm còi, rú ga (nẹt pô) liên tục trong khu đông dân cư, khu vực cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định;

-Buông cả hai tay khi lái xe;

-Dùng chân lái xe;

-Ngồi về một bên khi lái xe;

-Nằm trên yên xe khi lái xe;

-Thay người điều khiển khi xe đang chạy;

-Quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt lái xe;

-Lái xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh;

-Lái xe thành nhóm từ 2 xe trở lên chạy quá tốc độ quy định...

Các hành vi dự kiến bị trừ 10 điểm GPLX

Lái xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu, hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Các hành vi được đề xuất trừ 4 điểm GPLX

Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông; lái xe đi vào đường cao tốc, trừ xe phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc; gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn, không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn...

Có thể trừ 3 điểm GPLX của người điều khiển xe máy khi:

Sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy. Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h.

Lái xe không quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại để bảo đảm an toàn theo quy định mà gây tai nạn giao thông; lái xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông; đi vào đường cao tốc, dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe, lùi xe, tránh xe, vượt xe, chuyển hướng, chuyển làn đường không đúng quy định gây tai nạn giao thông;

Không đi đúng phần đường, làn đường, không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây tai nạn giao thông hoặc đi vào đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển, đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển "cấm đi ngược chiều" gây tai nạn giao thông...

Trường hợp người điều khiển xe máy có thể bị trừ 2 điểm GPLX nếu:

Chở theo từ 3 người trở lên trên xe; lái xe có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn; đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển;

CSGT Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển xe máy

CSGT Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển xe máy

Lái xe khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở (quy định hiện hành bị tước GPLX từ 11 - 12 tháng); người lái xe sử dụng ô (dù), thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính), dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác;

Đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển "Cấm đi ngược chiều"; không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ.

Đề xuất phạt đến 12 triệu đồng nếu dùng GPLX đã bị trừ hết điểm

Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, ATGT trong lĩnh vực giao thông đường bộ do Bộ Công an xây dựng, quy định: Dữ liệu về điểm trừ GPLX của người vi phạm sẽ được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành và thông báo cho người bị trừ điểm giấy phép lái xe biết.

Ngoài ra, GPLX chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng từ ngày bị trừ điểm gần nhất thì được phục hồi đủ 12 điểm. Trường hợp GPLX bị trừ hết điểm thì người có GPLX không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo GPLX đó. Bộ Công an cũng đề xuất phạt tiền 10-12 triệu đồng đối với người điều khiển xe ôtô và 1-2 triệu đồng với người điều khiển xe máy, khi dùng GPLX đã bị trừ hết điểm.

Sẽ tịch thu phương tiện nếu tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần

Riêng với các hành vi: Buông cả hai tay khi lái xe; dùng chân lái xe; ngồi về một bên khi lái xe; nằm trên yên xe lái xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy; quay người về phía sau để lái xe, hoặc bịt mắt lái xe; lái xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị; lái xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh; lái xe thành nhóm từ 2 xe trở lên chạy quá tốc độ quy định, Bộ Công an đề xuất sẽ tịch thu phương tiện nếu tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần.

Luật Trật tự, ATGT đường bộ gồm 9 chương, 89 điều. Để triển khai Luật này, từ nay đến 1/1/2025 (Luật chính thức có hiệu lực), Chính phủ cần ban hành 8 nghị định; Thủ tướng ban hành 1 quyết định; các bộ: Công an, GTVT, Y tế, LĐ-TB&XH, Quốc phòng ban hành 36 thông tư quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật.

Về điểm của GPLX, Luật Trật tự, ATGT đường bộ 2024 quy định như sau: Điểm của GPLX được dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, ATGT đường bộ của người lái xe trên hệ thống cơ sở dữ liệu về trật tự, ATGT đường bộ, bao gồm 12 điểm. Số điểm trừ mỗi lần vi phạm tùy thuộc tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, ATGT đường bộ.

Lan Chi - Diệp Anh

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/nhung-dieu-can-biet-ve-tru-diem-giay-phep-lai-xe-183240813085550408.htm
Zalo