Những 'điểm sáng' thắp niềm tin về một Bảo Lạc no ấm
Trong những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo của các cấp chính quyền, cùng với ý chí vươn lên mạnh mẽ của người dân, các HTX ở Bảo Lạc (Cao Bằng) đã có những bước tiến đáng kể trên hành trình xóa đói giảm nghèo, mang lại những đổi thay tích cực cho cuộc sống của đồng bào các dân tộc.
Nằm ở vùng cao biên giới của tỉnh Cao Bằng, huyện Bảo Lạc từng là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước. Với địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt và đời sống kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp lạc hậu, người dân Bảo Lạc phải đối mặt với vô vàn khó khăn.
Những "điểm sáng" từ các chương trình, chính sách
Để giải quyết bài toán nghèo đói, huyện Bảo Lạc đã triển khai đồng bộ nhiều chương trình, chính sách của Trung ương và địa phương một cách hiệu quả. Các chương trình như Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, phát triển giáo dục, y tế... đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo động lực và nguồn lực quan trọng cho người dân.
Một trong những yếu tố then chốt là việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Những con đường giao thông được mở rộng và nâng cấp đã giúp bà con dễ dàng tiếp cận thị trường, trao đổi hàng hóa. Điện lưới quốc gia được phủ rộng đến các thôn bản xa xôi, thắp sáng những ngôi nhà và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin, nâng cao dân trí, phát triển sản xuất kinh doanh. Các công trình thủy lợi nhỏ được xây dựng, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, giảm bớt sự phụ thuộc vào thời tiết.

HTX 118 phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm.
Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng đến việc hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. Các mô hình sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi theo hướng hàng hóa với sự dẫn dắt của các tổ hợp tác, HTX được khuyến khích và hỗ trợ kỹ thuật, giống vốn. Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó nâng cao năng suất và thu nhập. Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ cũng dần được khôi phục và phát triển, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương.
Tiêu biểu như HTX Nông nghiệp 118 (xã Hồng Trị) đang hỗ trợ người dân phát triển trồng dâu nuôi tằm, ươm tằm giống. Điểm mạnh là HTX đã liên kết với Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Tây Bắc để bao tiêu sản phẩm kén tằm, tạo đầu ra ổn định cho người dân. HTX cũng đứng ra cung cấp tằm giống chất lượng cao cho người dân trong huyện và các vùng lân cận, giúp bà con không phải nhập tằm từ Trung Quốc.
Không dừng lại ở đó, HTX còn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng kén tằm. Chính vì vậy, ngoài Công ty Dâu tằm tơ Tây Bắc, HTX còn mở rộng được liên kết với Công ty Dâu tằm tơ Yên Bái để ký cam kết bao tiêu sản phẩm trong nhiều năm. Mô hình này đang tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương với mức lương 5-6 triệu đồng/tháng.
Song song phát triển sản xuất, nhiều HTX còn đẩy mạnh phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương để mở rộng đầu ra, tăng thu nhập cho thành viên, người lao động, từ đó góp phần nâng cao kinh tế địa phương. Cụ thể như sản phẩm tinh dầu nguyên chất Phjắc Chặc (HTX Thương mại - Dịch vụ - Nông nghiệp Phương Anh); trà cao Khổ Qua rừng Phương Anh (HTX Thương mại - Dịch vụ - Nông nghiệp Phương Anh); ốc nhồi ống nứa Minh Tuân (HTX nông nghiệp bền vững Cao Bằng)…
Ngoài phát triển kinh tế thông qua các mô hình kinh tế hàng hóa, công tác giáo dục và y tế cũng được đặc biệt quan tâm. Hệ thống trường lớp được đầu tư xây dựng khang trang hơn, đội ngũ giáo viên được tăng cường về số lượng và chất lượng. Các trạm y tế xã được trang bị cơ sở vật chất và thuốc men đầy đủ hơn, đội ngũ y bác sĩ tận tâm phục vụ người dân, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Ý chí vươn lên của người dân - Động lực then chốt
Sự thay đổi tích cực ở Bảo Lạc không chỉ đến từ sự hỗ trợ của Nhà nước mà còn nhờ vào ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của chính người dân. Nhận thức được tầm quan trọng của việc thoát nghèo, bà con các dân tộc trong huyện đã tích cực tham gia vào các chương trình, dự án, chủ động học hỏi kinh nghiệm sản xuất, mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác lạc hậu.
Thông qua Liên minh HTX tỉnh và các đoàn thể, họ mạnh dạn vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Nhiều hộ dân chủ động tìm hiểu, học hỏi các kỹ thuật mới trong trồng trọt, chăn nuôi, áp dụng vào thực tế sản xuất để nâng cao năng suất và hiệu quả. Họ sẵn sàng tham gia vào các mô hình sản xuất tập thể, HTX để liên kết, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển kinh tế.

Bảo Lạc hình thành chuỗi trồng dâu nuôi tằm khép kín.
Tiêu biểu như anh Nông Văn Hoàn (sinh năm 1985), xóm Lũng Tiến, xã Hồng Trị là người dân tộc Nùng nhưng đã mạnh dạn thành lập HTX Nông nghiệp 118 để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nghề trồng dâu nuôi tằm sau quãng thời gian sang tận Trung Quốc học hỏi kinh nghiệm. Anh cũng cùng thành viên đi đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ, chủ động tìm kiếm mối liên kết với các doanh nghiệp. Chính vì vậy, từ những khó khăn ban đầu và không ít thất bại, đến nay, Nông Văn Hoàn đã đưa HTX 118 phát triển với doanh thu 45 tỷ đồng/năm.
Ngoài tạo việc làm cho hàng trăm hộ dân ở huyện Bảo Lạc, HTX còn mở rộng hỗ trợ người dân huyện Bảo Lâm cũng như một số địa phương ở tỉnh Hà Giang phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm và HTX đứng ra thu mua. HTX cũng tự ươm cây giống với quy mô trên 1 ha, tận dụng thuê đất của người tàn tật và hộ nghèo trong huyện, đồng thời, thuê họ làm công nhân, nhằm tạo thêm việc làm cho người tàn tật, hộ nghèo tại địa phương.
Với những đóng góp không nhỏ của anh Hoàn, sau hơn 10 năm thực hiện, đến nay mô hình của HTX đã góp phần không nhỏ giúp huyện Bảo Lạc hình thành vùng trồng dâu, phát triển nghề chăn nuôi tằm tại địa phương với chuỗi sản xuất khép kín. Đặc biệt, nghề trồng dâu nuôi tằm đã thu hút sự tìm tòi, khám phá trải nghiệm điều mới lạ tại Bảo Lạc cho du khách. Mô hình của HTX cũng trở thành điểm tham quan du lịch, góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Không chỉ anh Nông Văn Hoàn mà những hình ảnh người nông dân cần cù trên những thửa ruộng bậc thang, những người thợ miệt mài bên khung cửi, những em nhỏ háo hức đến trường... đã trở thành những minh chứng sống động cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của người dân Bảo Lạc. Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng cũng là một sức mạnh to lớn giúp bà con vượt qua khó khăn, cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn.
Tiếp tục hành trình vì một Bảo Lạc ấm no
Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, công cuộc giảm nghèo ở Bảo Lạc vẫn còn nhiều thách thức. Tỷ lệ hộ nghèo trong huyện vẫn còn cao so với mặt bằng chung của cả nước. Vẫn còn khoảng 50% số hộ dân trong huyện thuộc hộ nghèo, cận nghèo.
Kinh tế của huyện vẫn còn chậm phát triển, chủ yếu dựa vào nông nghiệp, năng suất và hiệu quả chưa cao. Cơ sở hạ tầng ở một số vùng sâu, vùng xa tuy đã được đầu tư nhưng vẫn còn khó khăn. Một phần do điều kiện địa hình cách trở, một phần do thiên tai, bão lũ rình rập phá hỏng nhiều công trình giao thông vẫn diễn ra hàng năm. Trong khi trình độ dân trí của một bộ phận người dân còn hạn chế. Nhiều hộ dân vẫn còn cảm thấy xa lạ, chưa hiểu rõ được vai trò và lợi ích của mô hình kinh tế tập thể, HTX.
Do đó, để giảm được nghèo hiệu quả, huyện cần khắc phục được những hạn chế này và cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ngành cũng như sự hỗ trợ của Nhà nước. Bảo Lạc cũng xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo một cách bền vững. Trọng tâm là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kinh tế theo hướng khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, đặc biệt là du lịch cộng đồng và nông nghiệp đặc sản thông qua mô hình kinh tế tập thể, HTX. Đồng thời, huyện sẽ tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương và phát triển.
Hy vọng rằng những "điểm sáng" hôm nay sẽ lan tỏa, thắp lên niềm tin và hy vọng về một Bảo Lạc ngày càng phát triển, ấm no và hạnh phúc.