Những 'điểm nóng' trong cuộc tranh luận của 2 ứng viên phó tổng thống Mỹ
Nhiều vấn đề nóng như căng thẳng Trung Đông, bạo lực súng đạn đã được đề cập trong cuộc tranh luận trên truyền hình của 2 ứng viên phó tổng thống Mỹ Tim Walz và J.D Vance.
Theo hãng tin CNN, hôm 1/10 (giờ Mỹ), ứng viên phó tổng thống của đảng Dân chủ Tim Walz và ứng viên phó tổng thống của đảng Cộng hòa J.D Vance đã tranh luận lần đầu tiên, và cũng là lần duy nhất trước khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11.
Trong phiên tranh luận kéo dài 90 phút, ông Vance đã nói trong khoảng 38 phút 59 giây, còn ông Walz đã nói trong khoảng 40 phút 42 giây.
Căng thẳng Trung Đông là một trong những điểm nóng được 2 ứng viên phó tổng thống Mỹ đề cập trong cuộc tranh luận trên truyền hình của đài CBS News. Đáng nói, cuộc tranh luận được bắt đầu chỉ vài giờ sau khi Iran phóng gần 200 tên lửa vào Israel. Theo Lực lương Phòng vệ Israel (IDF), hầu hết tên lửa Iran đã bị đánh chặn.
Khi được người điều phối hỏi liệu ông có ủng hộ một cuộc tấn công phủ đầu của Israel vào Iran hay không, ông Vance đã tái khẳng định sự ủng hộ lâu dài của Washington đối với Israel.
“Điều này phụ thuộc vào Israel, cách họ nghĩ cần làm gì để giữ cho đất nước của họ an toàn là tùy thuộc vào họ, và chúng ta nên ủng hộ các đồng minh của mình bất kể họ ở đâu, khi họ chiến đấu với những kẻ xấu. Đó là cách tiếp cận đúng đắn đối với vấn đề Israel”, ông Vance trả lời.
Ông nói thêm, cựu Tổng thống Donald Trump từng kiểm soát hiệu quả các đối thủ của Mỹ.
“Ông Trump thực sự đã mang lại sự ổn định cho thế giới ,và ông ấy đã làm được điều đó bằng cách thiết lập sự răn đe hiệu quả. Mọi người sợ vượt quá giới hạn”, ông Vance cho hay.
Trong khi đó, ứng viên phó tổng thống của đảng Dân chủ Tim Walz đã tránh trả lời trực tiếp câu hỏi liệu ông có ủng hộ cuộc tấn công phủ đầu của Israel vào Iran hay không. Tuy nhiên, ông nói rằng “khả năng tự vệ của Israel là hoàn toàn cơ bản”.
Ông Walz còn cáo buộc ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump đã làm tổn hại đến vị thế của Mỹ trên thế giới, và chỉ trích ông Trump vì từng xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015.
Theo ông Walz, Iran đang đến “gần với vũ khí hạt nhân hơn trước đây, vì sự lãnh đạo thất thường của ông Trump”.
Người di cư và giá nhà
Ông Vance đã 2 lần ám chỉ người di cư làm tăng giá nhà, song ông cũng đồng ý rằng đó không phải là yếu tố "duy nhất" góp phần làm giá nhà tại Mỹ tăng. Ông còn đề xuất xây thêm nhà cho người dân ở những vùng đất đang bỏ trống.
Còn theo ông Walz, khi được hỏi về cam kết trong chiến dịch tranh cử của ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris là hỗ trợ trả trước 25.000 USD cho người mua nhà lần đầu, giảm thuế 10.000 USD, và xây dựng 3 triệu ngôi nhà, ông cho hay cần có những chính sách khiến giá nhà phù hợp hơn. Ông cũng chỉ trích những người coi nhà ở là "một loại hàng hóa".
Theo ông Walz, chính sách của bà Harris sẽ không đẩy giá nhà tăng cao, và giúp mọi người ổn định chỗ ở, từ đó sẽ tạo ra sự ổn định hơn trên thị trường lao động.
“Những người có nhà ở ổn định sẽ có công việc ổn định. Những người có nhà ở ổn định sẽ thấy con cái được đến trường. Tất cả những điều đó về lâu dài sẽ giúp chúng ta tiết kiệm tiền”, ông Walz lập luận.
Cũng theo ông, dưới thời chính quyền của Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Harris, nhiều người dân Mỹ đã nhận được bảo hiểm y tế hơn bao giờ hết.
Quyền sở hữu súng
Theo ứng viên phó tổng thống đảng Cộng hòa Vance, phần lớn vấn nạn bạo lực súng đạn ở Mỹ có liên quan đến “cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần”.
Song ông Walz lại cho rằng cần "rất cẩn thận" về việc kỳ thị sức khỏe tâm thần. Ông tiết lộ bản thân cũng sở hữu súng. "Chỉ vì người đó gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, nhưng không có nghĩa là họ trở nên bạo lực", ông Walz nói.
Khi được hỏi hỏi liệu cha mẹ có phải chịu trách nhiệm hạn chế các vụ xả súng hàng loạt hay không, ông Vance cho biết, ông tin tưởng vào cơ quan thực thi pháp luật địa phương, hoặc chính quyền địa phương để đưa ra những quyết định đó.
"Tôi nghĩ trong một số trường hợp, câu trả lời sẽ là có. Trong một số trường hợp, câu trả lời sẽ là không", ông Vance chia sẻ.
Cũng theo ông, điều khiến ông bận tâm là "phần lớn" các vụ bạo lực súng đạn ở Mỹ đều được thực hiện bằng vũ khí có được từ nguồn bất hợp pháp.
Ông còn đổ lỗi cho chính sách "biên giới mở" của bà Harris đã làm xuất hiện "làn sóng ồ ạt" súng bất hợp pháp. Ông nói thêm, các trường học cũng cần phải tăng cường an ninh hơn nữa để ngăn chặn bạo lực súng đạn, như lựa chọn những loại cửa kiên cố hơn.